Thực hiện Kế hoạch số 1724/KH-BQP, ngày 7/6/2021 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam”, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 (CSB) đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch tổ chức cuộc thi, phổ biến thể lệ cuộc thì tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ toàn Vùng và triển khai các phương án để 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia đầy đủ các đợt tuần và cuộc thi tháng. Đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc thi; phối hợp với các địa phương trên địa bàn phụ trách và các cơ quan, đơn vị có mối quan hệ phối hợp công tác để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia cuộc thi, tạo sự lan tỏa cuộc thi trên địa bàn Vùng phụ trách.
Thượng tá Lê Văn Tú, Phó Chính ủy BTL Vùng cho biết: Ngay sau khi Bộ Quốc phòng triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi, BTL Vùng đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy của 4 tỉnh là Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng để phối hợp triển khai tuyên truyền về cuộc thi trên các báo, đài, cổng thông tin điện tử và hệ thống truyền thông của các địa phương. Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang trên địa bàn của 4 tỉnh phổ biến và vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia cuộc thi.
Đặc biệt, BTL Vùng đã phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ là 2 đơn vị có mối quan hệ phối hợp BTL Vùng trong thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, có số lượng giáo viên và sinh viên rất lớn để triển khai tuyên truyền về cuộc thi trên website của 2 trường và vận động toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên tham gia cuộc thi. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như vậy đã tạo được lan tỏa về cuộc thi trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ với số lượng lớn và đa dạng thành phần tham gia cuộc thi.
Qua thi tuần đợt 1, Thượng úy Nguyễn Khánh Nhân, Chính trị viên Tàu 9003 chia sẻ: Với ngân hàng câu hỏi, đáp án cuộc thi được Ban Tổ chức cuộc thi xây dựng tổng số có 100 câu hỏi, với các nhóm câu hỏi ở các cấp độ khác nhau, cấp độ dễ 37 câu, cấp độ trung bình 48 câu, cấp độ khó 15 câu và 2 câu hỏi dự đoán số người tham gia thi. Các câu hỏi cho đợt thi tuần mỗi lần thi là 10 câu, thi tháng là 15 câu do phần mềm tự động chọn ngẫu nhiên và tự động chấm thông báo kết quả cho người dự thi biết kết quả ngay sau khi hoàn thành phần thi.
Chính vì vậy rất phù hợp với nhận thức cho các đối tượng tham gia thi và đánh giá kết quả rất khách quan, chính xác. Đặc biệt, thể lệ cuộc thi cho phép mỗi người được thi 3 lần trong đợt thi, lấy kết quả lần thi điểm cao nhất; cho nên, rất kích thích sự hứng thú và tạo điều kiện để người thi có thời gian nghiên cứu và hoàn thành bài thi đạt kết quả cao nhất.
Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023”, BTL Vùng CSB 4 thông tin kịp thời những nội dung cơ bản của Luật CSB Việt Nam đến các địa phương thuộc địa bàn Vùng phụ trách và các cơ quan, đơn vị có mối quan hệ phối hợp công tác, bằng các chương trình phối hợp như: Tuyên truyền biển đảo; tuyên truyền, phổ biển pháp luật; Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”; Cuộc thi em yêu biển đảo quê hương… với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và với phương pháp rất sinh động dễ hiểu, dễ nhớ… Nên qua thi tuần đợt 1 cho thấy tỉ lệ người thi trả lời đúng các câu hỏi rất cao.
Luật CSB Việt Nam đi vào cuộc sống đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh để quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của lực lượng chuyên trách.
Thượng tá Lê Văn Tú cho biết: Thời gian tới để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, tiếp tục đưa Luật CSB Việt Nam vào cuộc sống và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. BTL Vùng CSB 4 sẽ tập trung vào các giải pháp sau: Tiếp tục phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan báo chí các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng để đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo và tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam tới cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân và các lực lượng chức năng có liên quan tới biển. Phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau triển khai có hiệu quả Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” trên địa bàn các xã, thị trấn biển đảo và với các Phòng Giáo dục các huyện, thị, thành phố của 4 tỉnh để tổ chức các cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở để nâng cao nhận thức về pháp luật.
Xây dựng, hun đắp tình yêu biển đảo Tổ quốc và lòng yêu nước cho các em học sinh. Ngoài ra làm tốt công tác phối hợp với các huyện và thành phố biển đảo của 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn (gồm huyện Năm Căn, Kiên Hải và thành phố Phú Quốc) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc và những vấn đề cơ bản của Luật CSB Việt Nam tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Sự quyết tâm đưa Luật CSB Việt Nam đi nhanh vào cuộc sống là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành có liên quangóp phần tạo cơ sở nền tảng pháp lý vững chắc để lực lượng CSB Việt Nam và các lực lượng chức năng trên biển tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, tiếp thêm động lực tinh thần, sức mạnh ý chí để cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSB Việt Nam và các lực lượng chức năng trên biển thêm tự hào, vững tin gánh vác tốt sứ mệnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.