Kiên Giang phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên biển

Từ đầu năm đến nay, ngư dân tỉnh Kiên Giang đầu tư nuôi hơn 2.100 lồng bè cá trên biển, tập trung ở 2 huyện đảo Kiên Hải, Phú Quốc và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên với sản lượng thu hoạch trên 1.000 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè ở các huyện đảo, xã đảo đến năm 2020 đạt từ 3.000 lồng bè trở lên. Sản lượng thu hoạch hơn 6.000 tấn, với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Cá bớp, cá mú, cá hồng, cá cam, cá chẽm, tôm hùm…

Nuôi cá lồng bè trên biển ở đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc.

Tại huyện đảo Kiên Hải, địa phương bố trí nuôi lồng bè ven các đảo có điều kiện thích hợp trên địa bàn 4 xã là Nam Du, An Sơn, Lại Sơn và Hòn Tre. Huyện đảo Phú Quốc phát triển nuôi lồng tại các xã Gành Dầu, Thổ Châu, Hòn Thơm và thị trấn An Thới. Nuôi cá lồng bè trên biển ở 3 xã đảo là Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương) và xã Tiên Hải (thị xã Hà Tiên). Theo đó, các huyện tập trung nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, đảm bảo an toàn, bền vững và hiệu quả, sản phẩm cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.

Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nuôi cá lồng bè trên cơ sở thực hiện chính sách giao khoán, cho thuê mặt nước biển ổn định, lâu dài kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, sản lượng và giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh.

Cùng với đó, tỉnh triển khai dự án đồng quản lý nuôi cá lồng bè ở xã An Sơn (Kiên Hải); mô hình phát triển bền vững nghề nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du.

Trong định hướng phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và những năm tiếp sau, nhiều nhà khoa học chuyên ngành nhận định tiềm năng phát triển lớn và thuận lợi ở Kiên Giang nên khuyến khích tỉnh đầu tư khai thác lĩnh vực kinh tế này trong chiến lược phát triển kinh tế biển.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, khẳng định Kiên Giang có những lợi thế rất cơ bản về tự nhiên và xã hội vượt trội hơn các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long với bờ biển dài hơn 200 km, ngư trường rộng lớn với hơn 140 hòn đảo, trong đó 43 đảo có cư dân sinh sống là điều kiện tự nhiên tốt, lợi thế để Kiên Giang phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản.

Ngoài việc đầu tư phát triển nuôi cá lồng bè trên biển truyền thống hiện nay, Kiên Giang cần chuyển đổi phương thức canh tác biển, hướng đến những mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Theo hướng đó, phát triển nuôi cá biển trong lồng bè công nghiệp, với những đối tượng nuôi là những loài có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá song vua, cá song chấm nâu, cá song da báo, cá song hổ, cá chim vây ngắn, cá chim vây dài, cá vược, cá hồng vân bạc, cá hồng mỹ, cá giò, cá cam và một số đối tượng khác.

Tỉnh Kiên Giang cần quy hoạch và có chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi cá biển trong lồng bè công nghiệp hợp lý để tạo dựng một ngành nuôi biển hiện đại, đứng đầu cả nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có lợi thế nuôi và chế tác ngọc trai, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trồng và chế biến rong biển, nuôi và chế biến hải sâm, nuôi cầu gai…

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng khuyến cáo tỉnh Kiên Giang sớm xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghiệp đến năm 2030. Nội dung chính là thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển các chuỗi giá trị nuôi hoàn chỉnh với việc ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến bảo đảm cho phát triển bền vững, hiệu quả.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Làm giàu từ nuôi cá thuộc nhóm 'ngũ quý'
Làm giàu từ nuôi cá thuộc nhóm 'ngũ quý'

Tận dụng lợi thế có dòng sông Lô chảy qua địa bàn, những năm qua, người dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đầu tư nuôi cá lồng đặc sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN