Chuyện về lão ngư sản xuất giỏi và giàu tình nghĩa

Được bà con ngư dân ở khắp các vùng biển yêu mến và tin tưởng bởi không chỉ sản xuất giỏi, lão ngư Nguyễn Văn Tính (57 tuổi) còn là người giàu lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Ông hiện là Ủy viên Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Vươn khơi xa bằng tàu lớn, thiết bị hiện đại

Ông Nguyễn Văn Tính kiểm tra tàu cá trước khi đi biển.

Ông Tính hiện có 2 tàu cá vỏ gỗ bọc composite gồm: KH 98888-TS công suất 1.150CV (đây là tàu cá có công suất lớn nhất ở Khánh Hòa từ trước đến nay) và tàu KH 95678-TS công suất 750CV.

Cả 2 tàu cá của ông đều làm nghề mành chụp đánh bắt mực xà, cá ồ, cá ngừ sọc dưa… ở ngư trường Trường Sa của Việt Nam; tạo việc làm cho 24 lao động với mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/chuyến biển.

Ông Tính cho biết: Mỗi tàu cá đi 9 chuyến biển/năm. Mỗi chuyến biển 2 tàu cho thu nhập bình quân khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí gần 450 triệu đồng, còn lại khoảng 250 triệu đồng. Tính chung 9 chuyến biển, ông thu lãi trên 2,2 tỷ đồng.

Hiện nay, ông Tính đang đóng thêm 1 tàu cá composite theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ. Dự kiến, tháng 7/2017 tàu sẽ hạ thủy và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho thêm 16 lao động.

Đây cũng là tàu cá lớn nhất ở Khánh Hòa đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP có chiều dài 28m so với chiều dài bình quân 20 – 22m, công suất 850CV, kinh phí 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Tính còn đầu tư hàng tỷ đồng trang bị thiết bị và công nghệ bảo quản cấp đông hiện đại cho con tàu này.

Theo kinh nghiệm của ông Tính, để nghề đánh bắt hải sản xa bờ mang lại hiệu quả cao, không có cách nào khác là phải đầu tư đóng tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại. Việc đầu tư đang rất thuận lợi, khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ.

Ông Tính dẫn chứng: Để đánh bắt được nhiều mực xà, bên cạnh có tàu công suất lớn cần đầu tư dàn đèn hiện đại 400 triệu đồng, 3 vàng lưới kẹp chì khoảng 280 triệu đồng, 300 bóng đèn siêu cao áp 600 triệu đồng…

Ông Tính cho biết: Trước đây, ngư dân chủ yếu đánh bắt tôm, cá gần bờ bằng những loại lưới thông thường, ghe, tàu nhỏ công suất chỉ từ 15 – 30CV nên đi trong ngày rồi quay về bán cá là xong. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nguồn lợi hải sản ven bờ bắt đầu suy giảm, Nhà nước có chính sách khuyến khích ngư dân mở rộng ngư trường, không tập trung nhiều tàu thuyền ở vùng gần bờ.

Hưởng ứng chính sách này, ông đã vay vốn đóng tàu mới công suất lớn để đi đánh bắt hải sản xa bờ. Ông Tính phải đã đi nhiều nơi học hỏi việc đầu tư, ứng dụng trang thiết bị hiện đại để đưa con tàu ra khơi xa. Sau đó, ông đã trang bị các máy móc như: định vị hải đồ, đàm thoại tầm xa, Icom cho tàu cá và thấy hiệu quả ngay từ chuyến biển đầu tiên.

Ông Tính nhớ lại: Lúc đó, máy đàm thoại tầm xa rất cần thiết cho ngư dân trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi có bão. Máy này còn được dùng để thường xuyên liên lạc với các trạm thông tin duyên hải ven bờ, liên lạc với tàu bạn đang hoạt động trên biển để trao đổi về cách làm ăn, thông báo cho nhau biết vị trí của luồng cá. Khi sử dụng máy rồi, tôi vẫn thấy tiếc vì không trang bị được sớm hơn.

Những năm gần đây, ông Tính tiếp tục trang bị máy dò ngang cho 2 con tàu cá của mình, mỗi chiếc trị giá 500 triệu đồng. Máy dò ngang giống như “mắt thần” giúp dò tìm các luồng cá, hiệu quả kinh tế mỗi chuyến biển tăng khoảng 150%.

Giàu tình nghĩa

Ông Nguyễn Văn Tính (giữa) trao đổi về tình hình sản xuất với các ngư dân.

Nhìn ra cửa biển, nơi những con tàu đang nối tiếp nhau vươn khơi, ông tâm sự: “Nghề biển đã ngấm vào máu của tôi rồi. Đi biển mới cho tôi niềm vui vì được trò chuyện với các thuyền viên và luôn có niềm hi vọng sẽ đánh bắt được cá đầy khoang”.

Gần 30 năm đi biển xa bờ, ông Tính đã thuộc từng dải đá ngầm ở ngư trường Trường Sa. Khi ít đi biển hơn, ông Tính dành thời gian cho việc vận động các chủ tàu ở phường Vĩnh Thọ, thành lập nghiệp đoàn nghề cá vào tháng 10/2014. Đây là một trong những nghiệp đoàn nghề cá được thành lập đầu tiên ở Khánh Hòa.

Hiện nay, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ có 40 chủ tàu tham gia thuộc 5 tổ, đội sản xuất trên biển. Ông Tính cho biết: Trước đây, địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng “mạnh ai nấy làm” nên có nhiều hạn chế trong sản xuất và hỗ trợ nhau trên biển.

Từ khi nghiệp đoàn thành lập, ngư dân đoàn kết hơn trong sản xuất, gặp luồng cá gọi nhau cùng đánh bắt, tàu này hỗ trợ tàu kia dầu, nước ngọt, lương thực, tương trợ nhau mỗi khi tàu gặp sự cố hay khi bị tai nạn. Bên cạnh đó, ông Tính cũng tích cực vận động ngư dân không đi vào vùng biển của nước bạn, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản…

Khi những tàu đánh bắt hải sản trên vùng biển Khánh Hòa hoặc lao động trên các tàu cá của tỉnh không may gặp nạn, ông Tính đều nhiệt tình giúp làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm, phối hợp thông tin cứu nạn, vận động tổ chức, nhà hảo tâm trợ giúp. Trong nhiều chuyến biển, ông Tính đã dừng hành nghề để hỗ trợ, lai dắt tàu bạn gặp sự cố hoặc đưa ngư dân bị nạn về bờ kịp thời.

Ngư dân Nguyễn Thuận, 37 tuổi, làm việc trên tàu cá KH 98888-TS cho biết: Bà con ngư dân quý mến, tin tưởng ông Tính nhờ sự gần gũi, quan tâm và luôn giúp đỡ, chia sẻ nghiệm sản xuất hiệu quả.

Không chỉ có uy tín với bà con ngư dân, ông Tính còn nhận được sự tín nhiệm cao của các tổ chức, đoàn thể. Tháng 10/2005, ông Tính vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ. Trên cương vị này, ông đã giúp đỡ hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, tham dự các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật… để phát triển kinh tế.

Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc các thuyền viên chuẩn bị đưa tàu cá của ông Tính rời bến cảng vươn khơi xa. Bắt tay từng ngư dân, ông Tính căn dặn: “Vào ngày rằm hay mùng 1 âm lịch, bận gì cũng phải dành thời gian thành tâm thắp nén hương tưởng nhớ những linh hồn đã nằm lại nơi biển cả. Nếu anh em thuyền viên tàu bạn có gặp khó khăn hãy trợ giúp họ, để chuyến biển được xuôi chèo mát mái”.

Ông Tính đã được các hội, đoàn thể cấp tỉnh và Trung ương tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất và công tác.

Theo ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tính là một trong những ngư dân sản xuất rất hiệu quả nhờ mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, trang bị máy móc hiện đại. Điều đáng quý nữa là ông luôn quan tâm, giúp đỡ những ngư dân khác khi khó khăn, hoạn nạn.

Bài và ảnh: Nguyên Lý (TTXVN)
Ngư dân Khánh Hòa được mùa vụ cá Nam
Ngư dân Khánh Hòa được mùa vụ cá Nam

Sau hơn 1 tháng vào vụ cá Nam, từ đầu tháng 4 đến nay, ngư dân Khánh Hòa được mùa khai thác hải sản nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực và thời tiết thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN