Chia sẻ cách tiếp cận về tranh chấp lãnh thổ

Với chủ đề “Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu và châu Á về các tranh chấp lãnh thổ”, Hội thảo khoa học quốc tế các vấn đề biển và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.

Với 20 tham luận và gần 60 ý kiến thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế 1982. Các học giả đã diễn giải về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển (đảo, đá, bãi cạn, đảo nhân tạo…) từ góc độ luật học và thực tiễn quốc gia.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: Văn Đức - TTXVN


Về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù hiện nay vẫn tồn tại một số khác biệt trong cách lý giải của các quốc gia về các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Công ước Luật biển 1982 đã tạo khung pháp lý tương đối rõ ràng cho việc xác định tính chất và khả năng tạo ra các vùng biển của các thực thể trên biển. Theo đó, một thực thể chỉ được công nhận là “đảo” và có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi là các đảo hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Trong đó, đặc điểm hình thành tự nhiên được coi là điều kiện tiên quyết để xác định quy chế pháp lý đối với các đảo.

Các đại biểu đều nhấn mạnh rằng, việc xây dựng, bồi đắp mở rộng các thực thể trên biển thành các đảo nhân tạo không thể giúp nâng cấp các thực thể này thành đảo để được hưởng đầy đủ các vùng biển. Bên cạnh đó, các đại biểu đều thống nhất cho rằng một quốc gia xây dựng và mở rộng biến các bãi ngầm hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo chỉ có thể tiến hành trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó hoặc tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của tất cả các nước.

Về giải quyết tranh chấp biển, các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó bao gồm cả các biện pháp đàm phán trực tiếp và giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài. Đặc biệt, với các tranh chấp chủ quyền có lịch sử lâu dài và không thể đàm phán, các bên nên cùng giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài; còn với các tranh chấp biển, các bên nên đàm phán trực tiếp để đạt được thỏa thuận một cách phù hợp nhất, biện pháp đưa ra phân xử ở tòa án hay trọng tài là biện pháp cuối cùng. Luật quốc tế về phân định biển qua thực tiễn các quốc gia đã được thiết lập rõ ràng theo hướng mang lại công bằng cho các bên.

Tuy nhiên, triển vọng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp vào tranh chấp Biển Đông hiện nay đang bế tắc do nguy cơ leo thang tranh chấp và xung đột vũ trang từ hàng loạt các vụ việc về nghề cá, thăm dò khai thác dầu khí, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực và xâm phạm đến quyền tự do hàng hải và hàng không. Trong bối cảnh này, một mặt các bên cần tích cực áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế của UNCLOS, và mặt khác cần xây dựng các quy tắc để quản lý tranh chấp, kiểm soát xung đột, trong đó có việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực ràng buộc (COC).

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định: Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí rất cởi mở, thẳng thắn, tạo cơ hội cho nhiều chia sẻ chân thành và khuyến nghị mang tính tích cực, xây dựng nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh và quản lý biển giữa hai khu vực châu Á và châu Âu. Đại sứ bày tỏ sự vui mừng nhận thấy EU có thể đóng vai trò tích cực hỗ trợ các quốc gia châu Á tăng cường hợp tác trong các vấn đề biển và khẳng định EU sẵn sàng phối hợp với Việt Nam để tổ chức các hội thảo tương tự để tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Đại sứ, TS. Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định: Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên có thời gian thảo luận sâu về luật pháp quốc tế, tạo cơ hội cho các bên liên quan hiểu hơn về vai trò của luật quốc tế trong quản lý và giải quyết tranh chấp biển. Trong hội thảo, tất cả các bên đều nhất trí về vai trò của việc tuân thủ và áp dụng luật pháp quốc tế để đạt được giải pháp lâu dài và toàn diện ở Biển Đông.
PV
Bờ biển Nhật Lệ và Mỹ Cảnh bị sạt lở nghiêm trọng
Bờ biển Nhật Lệ và Mỹ Cảnh bị sạt lở nghiêm trọng

Tình trạng sạt lở bờ biển Nhật Lệ và Mỹ Cảnh thuộc thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đang diễn biến hết sức phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN