Rác thải “vây” du khách
Đến “đảo ngọc” Phú Quốc (Kiên Giang), không khó để bắt gặp hình ảnh những đống rác, thùng rác ngổn ngang bên đường ngay tại các khu trung tâm hoặc bến cảng. Một số bãi biển nổi tiếng như Bãi Sao, Bãi Trường… tại Phú Quốc, du khách cũng bị “bủa vây” bởi rác.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Mỗi ngày tại Phú Quốc có khoảng 180 tấn rác được thải ra, nhưng năng lực thu gom chỉ đạt khoảng 50%, chưa có hệ thống xử lý nước thải, chưa có nhà máy xử lý rác thải nên nước thải từ các khu dân cư, đô thị đều thải trực tiếp ra biển, rác thải chủ yếu được đốt và chôn lấp rất thủ công. Hai bãi rác tại xã Cửa Dương và thị trấn An Thới chỉ rộng vài héc ta và hiện nay đã quá tải”, ông Hưng cho biết.
Rác thải chất đống tại bãi Trường - một trong những bãi tắm nổi tiếng tại Phú Quốc. |
Ông Hưng cho biết thêm, hiện tỉnh Kiên Giang đã giao cho nhà đầu tư Nhật thực hiện dự án nước thải của thị trấn Dương Đông. Còn về xử lý rác thải thì hiện nay nhà máy xử lý rác thải đã giao cho 1 đơn vị đầu tư quy mô 10 ha công suất 150 - 200 tấn/ngày. Dự kiến trong 2016 sẽ xây dựng nhà máy này.
Cũng nằm trong hệ thống các đảo Tây Nam, Nam Du là quần đảo nằm phía đông huyện đảo Phú Quốc, còn khá hoang sơ và sở hữu nhiều cảnh đẹp cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Ngay cạnh cảng biển xã An Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) là một bãi rác trên biển. Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, hiện nay đảo chưa có đội thu gom, tất cả rác thải sinh hoạt của người dân được đem đổ tại bãi rác đầu chợ gần cảng. “Rác cứ đổ ra đó rồi trôi đi đâu thì trôi. Nhiều khi sóng đánh tạt vào cảng biển. Cao điểm có đợt, đoàn thanh niên, biên phòng phải ra vớt rác, gom được gần 20 xe chuyển đi. Hầu hết những bãi biển đẹp trên đảo như Bãi Ngự, Bãi Mến… nay đều đã trở nên ô nhiễm. Môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội”, ông Quân cho biết.
Người dân tại đảo tiền tiêu Lý Sơn cũng đang phải đối mặt với bài toán về xử lý rác thải. Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, rác thải đang là vấn đề bức xúc của Lý Sơn. Năm 2006, huyện đầu tư bãi rác tạm sát bãi biển, chủ yếu là thủ công chôn lấp, đốt và phun hóa chất. Nhưng sau một thời gian, môi trường sống của người dân quanh bãi rác bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2009, sau trận bão thì bãi rác bị cuốn trôi, người dân địa phương kiến nghị không cho bãi rác tiếp tục hoạt động. Sau đó, huyện chỉ đạo mỗi xã chọn một điểm tự xử lý rác, nhưng đến nay, mới có một xã đã hoàn thành xây dựng đưa vào xử lý khu xử lý rác nhưng đến nay cũng đã quá tải.
Phải thay đổi từ nhận thức
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hệ sinh thái biển đang có dấu hiệu suy giảm một cách nhanh chóng, tình trạng ô nhiễm môi trường biển khá trầm trọng, trước hết là do sức ép gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa. Việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững; vấn đề vệ sinh môi trường chưa được quan tâm một cách thường xuyên; rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến tình trạng ô nhiễm các bãi biển hiện nay. Bên cạnh đó, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác thừa bừa bãi trên các bãi tắm... ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này...
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Mới đây, nhà máy xử lý rác thí điểm ở huyện đảo đầu tiên trong cả nước với công suất 15,5 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng do Tổng cục Môi trường làm chủ đầu tư đã được vận hành tại đảo Lý Sơn, đây được coi là mô hình tiên phong trong xử lý ô nhiễm biển, đảo.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, công suất của nhà máy chưa thể đủ để xử lý khi hiện nay mới chỉ xử lý được 1,5 tấn rác mỗi ngày. Cùng với đó, do việc phân loại rác tại nguồn chưa tốt nên rất khó để áp dụng ủ phân vi sinh.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ tiếp tục xử lý để đưa nhà máy vào vận hành một cách hiệu quả nhất. Mô hình xử lý rác thải tại Lý Sơn là một trong những mô hình được đánh giá là rất hiệu quả, nếu thực hiện tốt có thể nhân rộng ở các địa phương khác.
“Để giải quyết những bức xúc về môi trường tại các đảo cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo và người dân tại đây. Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các đảo phải đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường, đồng thời mỗi người dân cũng phải thay đổi thói quen, nhận thức trong giữ gìn môi trường nơi mình sinh sống”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.