'Bức tường xanh" bảo vệ môi trường ven biển

Kinh phí đầu tư thấp hơn nhiều so với việc làm đê biển, đê sông, nhưng hệ thống rừng ngập mặn đã tạo ra "bức tường xanh" bảo vệ môi trường biển.

 Với diện tích gần 2.300 ha rừng ngập mặn gồm bần chua, sú, vẹt tại 3 huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã tạo ra "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển; góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

"Bức tường xanh" này cũng làm tăng đáng kể hệ sinh thái thủy hải sản dọc biển Thanh Hóa. Qua đó tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân với mức thu nhập 100.000-200.000 đồng/ngày.

Người dân được hưởng nguồn lợi thủy hải sản dưới hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Là một trong những tỉnh đi đầu trong trồng rừng ven biển, từ năm 1997, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án trồng rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ tại các huyện ven biển gồm Hậu Lộc, Nga Sơn và Hoằng Hóa. Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Trưởng Ban điều hành dự án trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa cho biết: Ngoài tác dụng bảo vệ đê biển, đê sông, chống biến đổi khí hậu, hệ thống bức tường xanh là rừng ngập mặn này đã cải tạo môi trường sinh thái rất tốt. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản như tôm, cá, cua, cáy... 


Để có được thành quả như ngày hôm nay, các cán bộ thực hiện dự án đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Những năm đầu triển khai dự án, nhiều nơi cây bần chua, sú, vẹt... mới trồng đã bị chết gần nửa bởi chưa có kinh nghiệm, để con hà bám ăn dần thân cây, hoặc một số người dân chặt phá để làm củi đun nấu. Để cứu vớt số còn lại, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Hội Nông dân các xã cùng các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường, đẽo bỏ những con hà bám vào thân cây; đến tận nhà tuyên truyền để bà con nhận ra cái sai và trở thành những thành viên tích cực tham gia bảo vệ rừng nên đã cứu được hơn 50% diện tích. 


Triển khai nhân giống trồng rừng ngập mặn trên diện rộng, Ban quản lý dự án đã thành lập các nhóm ươm cây giống, trồng rừng và bảo vệ rừng gắn với việc trồng, chăm sóc, chia sẻ quyền lợi trong cộng đồng dân cư, thu hút được hơn hàng nghìn người tham gia. Nhờ dự án mà người dân có thêm thu nhập từ bán cây giống, tiền công trồng rừng và tiền tham gia quản lý bảo vệ rừng. 


Các mô hình, phong trào trồng, bảo vệ rừng ngập mặn được phát triển, góp phần giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ổn định môi trường sinh thái, chống xói mòn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và diện tích đất nông nghiệp cho cộng đồng người dân vùng ven biển Thanh Hóa. Rừng ngập mặn cũng tạo công ăn việc làm cho nhân dân ven biển và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên thiên và phòng, chống hiệu quả trước thiên tai, xâm thực bờ biển. Thời gian tới, các địa phương có rừng ngập mặn cũng có kế hoạch xây dựng các tuyến du lịch sinh thái vào rừng ngập mặn, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa tăng ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đến đông đảo người dân. 


Khi chúng tôi về vùng biển Hậu Lộc ở các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn gồm bần chua, sú, vẹt... Những khu rừng ngập mặn với các loại cây bần chua, đước, sú, vẹt... hàng chục năm tuổi, cao 3 - 5m góp phần tạo cảnh quan và điều hòa khí hậu cho nhiều xã dọc sông, biển của huyện Hậu Lộc. Đây cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với tôm, cua, ốc, cáy... Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc tự hào cho biết: Toàn xã Đa Lộc có 451 ha là cây bần chua, sú, vẹt... trải dài 5,1 km đê biển. Từ khi có bức tường xanh là rừng ngập mặn, hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn phát triển rất tốt bởi đây là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy hải sản. 


Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Toàn xã có hàng trăm người sống nhờ vào rừng ngập mặn nơi đây. Họ tranh thủ sau những buổi buôn bán cá khi khi tàu về hoặc lúc nông nhàn để ra rừng ngập mặn bắt cua, ốc, cáy... một ngày bình quân cũng cho thu nhập 100.000-150.000 đồng.


Đặc biệt các tháng 6-9 khi rừng ngập mặn nở hoa, các công ty nuôi ong di động đã mang đến đây hàng nghìn bọng ong, bởi mật ong làm từ hoa bần chua, sú vẹt có giá trị rất cao, bình quân 1 năm cũng cho thu hoạch 4-5 tấn mật ong. Trong xã cũng có gần 100 hộ nuôi ong lấy mật từ hoa của cây bần chua, sú, vẹt. Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình có nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào chồng đi biển nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2012 đến nay, hệ thống rừng ngập mặn phát triển mạnh, đã có rất nhiều cáy, ốc về trú ngụ, nên sáng tranh đi bắt cáy, ốc một buổi cũng cho thu nhập trên dưới 150.000 đồng. 


Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Khi đầu tư 1 km đê biển thì tốn kém hơn rất nhiều so với trồng 1 km rừng ngập mặn. Nhưng tác dụng của rừng ngập mặn thì không kém. Dẫn chứng vấn đề này, ông Long cũng cho biết: tháng 9/2005, bão số 5 đổ bộ trực tiếp vào huyện Hậu Lộc, làm vỡ đê phòng hộ, phá hủy nhà cửa, gây thiệt hại về hoa màu và vật nuôi tại một số xã nghèo ven biển, nhưng riêng tuyến đê tại xã Đa Lộc ít bị thiệt hại nhất là nhờ “bức tường xanh” là hệ thống rừng ngập mặn bao quanh trước đê biển.


Bài, ảnh: Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Phát triển du lịch sinh thái ở Phú Quốc
Phát triển du lịch sinh thái ở Phú Quốc

Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - vườn hồ tiêu. Sản phẩm này vừa phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu nghề truyền thống của địa phương, vừa nâng lên giá trị cây hồ tiêu của huyện đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN