02:09 21/02/2015

Biền biệt nhớ Lý Sơn

Lập nghiệp ở Hà Nội nhưng PGS.TS Lê Trọng (SN 1926) luôn hướng về quê hương Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi gắn với những ngôi mộ gió, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa-Trường Sa.

Lập nghiệp ở Hà Nội nhưng PGS.TS Lê Trọng (SN 1926) luôn hướng về quê hương Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi gắn với những ngôi mộ gió, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa. Ông làm thơ, khảo cứu, biên soạn, đồng chủ biên nhiều tác phẩm về phát triển du lịch, kinh tế biển Lý Sơn.

Ký ức về đảo tiền tiêu

Kể từ khi đi tập kết đầu năm 1955, đến nay tròn 60 năm PGS.TS Lê Trọng rời xa quê hương. Nhưng tình cảm ông dành cho Lý Sơn thì chưa khi nào vợi đi, nhắc đến Lý Sơn là có thể nói hàng giờ liền. Ông hiểu Lý Sơn cặn kẽ còn hơn cả chính bản thân mình.

“Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu đứng sừng sững như pháo đài trên Biển Đông. Ở vị trí trung tâm của hai đầu tính từ Móng Cái đến mũi Cà Mau nên Lý Sơn có vị trí kinh tế, quân sự hết sức quan trọng mà không đảo nào có được. Đây cũng là hòn đảo thần tiên với nhiều phong cảnh đẹp”, PGS.TS Lê Trọng không giấu niềm tự hào khi nói về quê hương mình.

Với ông, nghi lễ truyền thống khao lề thế lính Hoàng Sa là điều đáng nhớ nhất. Hàng năm, vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, làng tổ chức lễ Kỳ Yên ở đình, đồng thời cúng thế lính Hoàng Sa, Trường Sa ở ngoài Nghĩa Tự. Ngoài lễ chung của làng thì các họ tộc, gia đình đều làm lễ cúng riêng ở nhà mình.

PSS.TS Lê Trọng khảo sát tại cảng Mù Cu, Lý Sơn, Quảng Ngãi, năm 2011 (ảnh do nhân vật cung cấp).


“Tôi dự định sẽ viết cuốn “Lý Sơn - một biểu tượng về khai quốc và kiến quốc’, nhưng không biết có còn đủ sức và thời gian để viết không. Còn rất nhiều việc phải làm mà sức mình có hạn”

Năm nào cũng thế, cha ông làm hai mâm cỗ đặt ở sân hướng ra phía biển, một mâm hướng về phía phía Đông Nam, một mâm hướng về phía Tây Nam. Khi mới bốn, năm tuổi, Lê Trọng đã đứng sau lưng cha cúng vong linh binh lính Hoàng Sa, Trường Sa. Lời khấn của cha lúc to lúc nhỏ, nhưng ông nghe rất rõ. Lúc ấy, ông đã thắc mắc: Tại sao lại là: “Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn, mấy sợi dây mây”, tại sao lại là “Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”?

Dù còn non nớt nhưng được cha giảng giải cặn kẽ, cậu bé Trọng đã cảm nhận có một sự linh thiêng về mảnh đất nơi mình sinh ra. Lớn thêm chút nữa, được các thầy dạy học, cậu bé đã có những hình dung cụ thể hơn về sức mạnh từ truyền thống của quê hương. “Có hai điều mà các thầy giáo dạy chúng tôi: Một là yêu nước. Hai là phải đoàn kết lại để bảo vệ, giữ gìn non sông”, PGS.TS Lê Trọng kể.
Sớm nhận thức được điều đó, tháng 8/1944, Lê Trọng tham gia đội du kích làng Dương Sạ. Nhưng phải đến một ngày mà trong lịch sử của Lý Sơn không ai có thể quên thì tình yêu nước mới thật sự rõ ràng với ông. Đó là ngày 1/9/1951: Pháp đổ bộ chiếm đảo Lý Sơn, bắt giam, tra tấn tại Sở Đèn Pha hầu hết cán bộ. Sau đó, chúng đưa 51 người giam tại nhà lao Con Gà (Đà Nẵng), hai anh em Lê Trọng, Lê Toàn bị đưa đi đợt này (em trai Lê Thiện bị đưa đi đợt sau). Hơn 200 người khác bị đưa đi đợt hai, giam ở nhà lao Con Gà và nhà lao tỉnh Quảng Ngãi. Trong tù, bị tra tấn dã man, nhưng những người tù đã đấu tranh kiên cường. Trong vòng một năm mà có tới sáu lần thoát ngục (khi bị đẫn đi làm cu ly thì thoát chạy) và vượt ngục. Hai anh em Lê Trọng cũng đã vượt ngục đêm 24/4/1952. Lần vượt ngục ấy, ông đã bị nhiều thương tích cho đến bây giờ.

Viết cho Lý Sơn, vì Lý Sơn

PGS.TS Lê Trọng làm thơ từ rất sớm dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào, nhưng bài thơ viết “chính thức, đầu tiên” là “Giữ Hoàng - Trường Sa” viết vào mùa đông năm 1974: “Ải Bắc – Trường Sơn với mũi Cà..../Dang tay ôm giữ Hoàng - Trường Sa/Biển Đông gấm vóc người dân Việt/Quần đảo tiền tiêu đất nước ta/Vẽ địa vu vơ, mưu kẻ chiếm/Mài gươm trí lực, đuổi y ra/Đây là mệnh lệnh: Trời non nước/Kế tiếp ông cha giữ đảo nhà!” (Trong tập thơ “Giọt nước” xuất bản năm 2007, Nxb Thanh Hóa).

Thơ là một phần vui sống, là nơi ông thể hiện nỗi niềm, những thăng trầm cuộc đời mình. Nhớ những ngày bị địch bắt tù đày, ông viết: “Giải tới nhà lao nơi tử thù/Cớ chi giặc Pháp bắt cầm tù?/Thay nhau tra tấn người trung hiếu/Đổi chốn giam cầm đấng trượng phu/Ngục thất âm u gai thép phủ/Đèn pha chiếu sáng lớp sương mù/Đêm Lăng Cô mặc lính canh gác/Ta vượt ngục về với chiến khu! (“Vượt ngục”, viết nhân kỷ niệm 45 ngày vượt ngục 24/4/1997, in trong tập thơ “Giọt nước”). “Nhớ lại những ngày tháng trong ở nhà lao Con Gà, đêm đêm tôi vẫn ứa nước mắt”, ông nói.

Đặc biệt, thơ là nơi để bất cứ lúc nào ông cũng có thể gửi gắm tình cảm với Lý Sơn: “Một chiếc chiếu dài, một sợi mây/Qua đêm yên giấc trên chiếu này/Lòng biển anh về, mây bó chiếu/Mộ gió ven đồi dưới rặng cây... Lý Sơn tiễn biệt chàng trai trẻ/Không hẹn cùng em ngày trở về/Nấm mộ chiêu hồn nơi bến bãi/Mà người biền biệt nhớ bến quê...” (“Chiếc chiếu, sợi mây”, in trong tập “Con đảo xa nhớ mẹ”, năm 2011, Nxb Lao động).

PGS.TS Lê Trọng (SN 1926) là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, thương binh hạng 4/4. Ông giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội từ 1962 - 1995. Trong sự nghiệp giảng dạy, PGS.TS Lê Trọng có gần 160 tác phẩm nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Với PGS.TS Lê Trọng, yêu Lý Sơn là phải làm những việc cụ thể, mà thiết thực nhất là làm thế nào giới thiệu Lý Sơn với du khách gần xa; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm phát triển du lịch, kinh tế biển Lý Sơn. Cách đây mười năm, PGS.TS Lê Trọng đã viết bài “Phát triển nghề đánh cá xa bờ ở huyện đảo Lý Sơn: Bài học kinh nghiệm và kiến nghị”, trong đó ông đề nghị xây dựng cảng Mù Cu trên đảo Lý Sơn cho tàu thuyền ngư dân vào tránh bão. Mười năm sau, cảng Mù Cu hình thành, ông thấy trong lòng thật nhẹ nhõm vì đã làm được một việc có ý nghĩa. Năm 2007, cuốn sách ảnh - thơ - văn “Lý Sơn đảo du lịch lý tưởng” (Nxb Văn hóa Thông tin) xuất bản, PGS.TS Lê Trọng là chủ biên. Cuốn sách như một cuốn cẩm nang giới thiệu những cảnh đẹp, lễ hội, sản phẩm truyền thống, văn hóa ẩm thực của Lý Sơn.

Hiện nay, PGS.TS Lê Trọng cùng con trai Lê Hồng Hải đã hoàn thành cuốn sách “Lý Sơn gắn với đại dương và biển đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền”. Cuốn sách nêu vị thế địa lý, kinh tế, tự nhiên, tiềm năng kinh tế của Lý Sơn; đặc biệt là phát triển kinh tế ngành, chiến lược phát triển kinh tế đảo Lý Sơn đến năm 2020.

“Tôi dự định sẽ in trong năm 2015. Cuốn sách sẽ cung cấp kiến thức cho con cháu ở quê hương biết biển đảo quê hương, đại dương ra sao, chứ anh em chúng nó lo làm lo ăn, làm sao có cơ sở hiểu hết được, từ đó để có tinh thần mà chiến đấu để giữ gìn biển đảo”, PGS.TS Lê Trọng nói.

Nhưng trước khi in cuốn sách này thì PGS.TS Lê Trọng mong sẽ in cuốn “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim người con Lý Sơn”. Đây là cuốn sách ông rất ưng ý vì đã sưu tầm được tài liệu rất quan trọng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt “Hoàng Sa một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa”. “Tài liệu này có ảnh, bản đồ, đặc biệt là Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về Chủ quyền của Việt Nam cộng hòa trên những đảo ở ngoài khơi bở biển Việt Nam Cộng hòa ngày 14/2/1974. Đây là một trong những chứng cớ về chủ quyền Hoàng Sa mà trong những cuốn sách trước tôi chưa đưa được vào”, ông nói.


Xuân Phong