07:07 18/07/2014

Bí quyết từ những điểm đến hấp dẫn

Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Nha Trang… là một số những điểm du lịch được các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong năm 2014. Bí quyết chung của những điểm đến này là chính quyền địa phương đều nỗ lực vào cuộc ...

Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Nha Trang… là một số những điểm du lịch được các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong năm 2014. Bí quyết chung của những điểm đến này là chính quyền địa phương đều nỗ lực vào cuộc và đặc biệt chú trọng xây dựng một môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn.

 

Sở hữu một loạt bãi biển đẹp trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến bãi biển Non Nước, Đà Nẵng nhanh chóng trở thành một điểm thu hút khách du lịch vào loại nhất, nhì ở Việt Nam và là một trong số ít địa phương đã xây dựng cho mình được thương hiệu du lịch. Kết quả một cuộc khảo sát do ngành du lịch thực hiện cho thấy, có đến 90% số khách du lịch muốn quay lại Đà Nẵng. Năm 2013, Đà Nẵng đã lọt vào “Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á” do độc giả Tạp chí Du lịch trực tuyến Smart Travel Asia bình chọn.

 

Hội An đã để lại ấn tượng tốt với du khách vì cách ứng xử thân thiện, mến khách.


Chị Nguyễn Thu Hằng, một du khách Hà Nội nhận xét: “Đi du lịch ở Đà Nẵng, tôi cảm thấy rất thoải mái. Bờ biển Đà Nẵng trong, xanh và rất sạch. Ở đây không hề thấy bóng dáng của ăn xin, không có nạn chèo kéo khách du lịch, giá dịch vụ du lịch cũng rất hợp lý”.


Một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm thương hiệu du lịch của Đà Nẵng đó là chính quyền của thành phố đã quyết tâm bảo đảm sự an toàn, an ninh và hạn chế rủi ro cho khách du lịch gần như tuyệt đối. Lãnh đạo thành phố đã phát động phong trào thực hiện khẩu hiệu: “Thành phố năm không, ba có”. Trong đó, “Năm không” là: Không mù chữ, Không ăn xin, Không nghiện ma túy, Không cướp của giết người, Không đói. Và “ba có” là: Có nếp sống văn minh, có nhà ở, có việc làm.

Nếu khách du lịch thường xuyên phải chứng kiến một môi trường thiếu văn hóa như ăn xin, chèo kéo khách, lừa đảo và những nhếch nhác của phố phường, rồi tình trạng chặt chém khách du lịch của lái xe taxi, xích lô khiến Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phải đi xin lỗi… thì sẽ phí hoài toàn bộ nỗ lực xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam là điểm đến an toàn thân thiện”.

TS Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.


“Thành phố năm không, ba có” bởi vậy đã trở thành bản sắc riêng và góp phần xây dựng hình ảnh một Đà Nẵng ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách. Chị Nguyễn Thị Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể lại: “Khi chở tôi đi dọc bãi biển Đà Nẵng, bác xe ôm nhắc nhở: "Ở bãi biển, chị đừng vứt túi ni-lon bừa bãi, bác Chủ tịch thành phố yêu cầu vậy đó. Quả thực, tôi đã rất ấn tượng bởi không phải ở đâu, người dân cũng có ý thức bảo vệ thành phố xanh - sạch - đẹp như ở Đà Nẵng”.


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, nhiều du khách cho biết, phố cổ Hội An cũng là một điểm đến để lại những ấn tượng khó quên. Chị Phạm Thu Hằng, một du khách Hà Nội kể lại: “Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện xúc động khi đi du lịch ở Hội An. Đêm khuya hôm ấy, khi tôi cùng một nhóm bạn đang ngồi nhậu buổi tối ở một nhà hàng. Bàn bên cạnh chúng tôi có một đôi nam nữ là khách du lịch nước ngoài còn rất trẻ. Khi hai bạn dìu nhau đứng dậy ra về thì đã say lắm, không đi nổi, ngã cả ra đất. Mấy bạn thanh niên còn rất trẻ đang ngồi ăn ở mâm bên cạnh đã nhanh nhẹn đứng dậy, cùng nhau dìu hai du khách nước ngoài ra ngoài đường cái, một bạn đón taxi, đưa 2 du khách về khách sạn nơi họ đặt phòng. Cách ứng xử của các thanh niên trẻ ở Hội An hôm ấy khiến tôi thực sự cảm động và nể phục”.


Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, khái niệm văn hóa trong du lịch bao hàm 2 nghĩa: Thứ nhất, bản thân văn hóa là một dạng tài nguyên mà du lịch dựa vào đó để phát triển du lịch, như hệ thống di tích, di sản mà ngành du lịch đã dựa vào đó để khai thác. Nghĩa thứ 2 chính là văn hóa ứng xử trong du lịch.


Ông Phạm Trung Lương khẳng định, xét về góc độ quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới, thì văn hóa ứng xử trong du lịch là đặc biệt quan trọng. Ứng xử ở đây là giữa người làm du lịch với khách du lịch, ứng xử giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch… “Nếu xã hội ứng xử niềm nở, vui vẻ với du khách, thì vùng đất ấy, đất nước ấy sẽ để lại nhiều ấn tượng tốt với du khách. Chính vì thế mà nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, để mọi người dân đều là đại sứ du lịch, và đất nước ấy, điểm đến ấy sẽ rất thuận lợi của phát triển du lịch”, ông Lương cho biết.


Việt Nam có nền văn hóa đa dạng, có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc. Chúng ta cũng có nhiều di sản đã được thế giới công nhận so với các nước trong khu vực... Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Nhưng vấn đề nhức nhối đặt ra hiện nay lại là văn hóa ứng xử trong du lịch đang tạo cách nhìn méo mó về hình ảnh du lịch Việt Nam. Do đó, những hành vi “chặt chém”, chèo kéo, lừa đảo du khách chính là ứng xử thiếu văn hóa cần sớm phải loại bỏ. Và từ kinh nghiệm của những điểm du lịch có thương hiệu cho thấy, để loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, rất cần sự quyết tâm của lãnh đạo các địa phương và sự đồng lòng của người dân trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói.


Bài và ảnh: Phương Lan

 

Bài cuối: Bắt đầu từ nhận thức của lãnh đạo