11:10 29/11/2012

Bí mật vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki - Kỳ 1

Việc ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima (Nhật Bản) được Mỹ đánh giá là “sứ mệnh nguyên tử” hoàn hảo. Tuy nhiên, phi vụ ném bom nguyên tử thứ hai lại gặp trục trặc.

Việc ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima (Nhật Bản) được Mỹ đánh giá là “sứ mệnh nguyên tử” hoàn hảo. Tuy nhiên, phi vụ ném bom nguyên tử thứ hai lại gặp trục trặc. Sự cố đó dẫn đến kết quả là Nagasaki trở thành mục tiêu của quả bom nguyên tử thứ hai thay cho mục tiêu ban đầu là thành phố Kokura, cách Hiroshima khoảng 171 km về phía tây nam.


Kỳ 1:Kho vũ khí Kokura vào tầm ngắm


Thành phố Hiroshima biến thành một đống đổ nát. Tám mươi nghìn người chết ngay tại trận và hai phần ba thành phố bị phá hủy do quả bom nguyên tử đầu tiên mà Mỹ dùng máy bay B - 29 Enola Gay ném xuống Nhật Bản hôm 6/8/1945. Đó là chưa kể suốt từ đầu năm đến tháng 8/1945, các máy bay ném bom B - 29 của Mỹ đã liên tục sử dụng bom cháy đánh phá các khu vực thành thị và trung tâm công nghiệp. Nhật Bản đã thua phần nào trong cuộc chiến tranh này.


Bockscar và phi hành đoàn.


Tuy vậy, giới quân sự nước này không chấp nhận thua trận. Nhật Bản vẫn còn 5 triệu quân, 10.000 máy bay (hơn nửa trong số này được chế tạo cho những sứ mệnh đánh bom cảm tử) và lượng xăng máy bay đủ dùng trong 7 tháng nữa. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc đánh bom và lên kế hoạch đổ quân chiếm đóng lãnh thổ Nhật Bản.


Sớm hay muộn, các trận ném bom và phong tỏa đường biển sẽ khiến phát xít Nhật không thể tiếp tục cuộc chiến, nhưng không ai biết phải bao lâu nữa Nhật Bản mới đầu hàng. Kế hoạch xâm chiếm Nhật đòi hỏi Mỹ phải có một lực lượng hùng hậu lên đến trên 1,8 triệu người. Thêm một năm chiến tranh cộng với kế hoạch xâm chiếm Nhật sẽ khiến Mỹ thiệt hại tới 250.000 quân. Giới chức Mỹ tính toán, quả bom nguyên tử thứ hai sẽ giải quyết được bài toán “hạ đo ván” Nhật Bản mà Mỹ lại không mất đến 250.000 quân. Vậy là việc sử dụng quả bom nguyên tử thứ hai đã được định đoạt.


Phi công chỉ huy chiến dịch ném bom xuống Nagasaki, Thiếu tá Charles W. Sweeney.


Quả bom thứ hai được đưa đến sân bay North trên đảo Tinian thuộc quần đảo Mariana, căn cứ của Trung đoàn không quân 509, đơn vị đã tiến hành thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima. Nước Mỹ không còn quả bom nguyên tử nào khác nhưng lại muốn chứng minh cho người Nhật thấy nguồn cung của họ không bao giờ cạn kiệt.


Kế hoạch thả quả bom thứ hai xuống Nhật Bản dự kiến được tiến hành hôm 11/8/1945 nhưng dự báo cho thấy thời tiết không thuận lợi nên nó được đẩy lên ngày 9/8. Quả bom có tên là “Fat Man” được bảo vệ nghiêm ngặt và bảo quản trong một gian nhà kho có điều hòa không khí và nền nhà được trải cao su để phòng ngừa bất kỳ nguy cơ đánh lửa ngẫu nhiên nào. Tối 8/8, “Fat Man” được đưa lên chiếc máy bay B - 29 thực hiện phi vụ này. Đây là khởi đầu của một chuỗi các sự kiện mà đỉnh điểm là vụ nổ quả bom nguyên tử ở Nagasaki ngày hôm sau.


Trong khi chiến dịch ném bom xuống thành phố Hiroshima được tiến hành một cách suôn sẻ thì trục trặc hầu như đã xảy ra ở tất cả các khâu trong lần ném quả bom nguyên tử thứ hai, suýt dẫn đến thất bại. So với vụ ném bom xuống Hiroshima, sứ mệnh này ít thu hút được sự quan tâm cả của báo chí cũng như của các nhà sử học sau này. Người ta đã biết đến những vấn đề nảy sinh đối với phi vụ này kể từ năm 1945 nhưng mức độ khó khăn và sự mâu thuẫn giữa những thành viên tham gia sứ mệnh này vẫn không được tiết lộ hết cho đến tận những năm 1990.


Phi công chỉ huy chiến dịch ném bom thứ hai là Thiếu tá Charles W. Sweeney, lúc đó mới 25 tuổi. Anh được chỉ huy trưởng Trung đoàn 509, Đại tá Paul W. Tibbets, người đã điều khiển chiếc máy bay tiến hành sứ mệnh ở Hiroshima, lựa chọn. Sweeney là chỉ huy trưởng phi đội ném bom 393. Anh cũng đã tham gia sứ mệnh Hiroshima, lái chiếc máy bay làm nhiệm vụ đánh giá những tác động của vụ nổ, Great Artiste.


Mục tiêu được lựa chọn để ném quả bom nguyên tử thứ hai là thành phố Kokura, cách Hiroshima khoảng 171 km về phía tây nam. Đây là nơi đặt một trong những kho vũ khí lớn nhất của phát xít Nhật và bao quanh là các nhà máy công nghiệp. Nagasaki chỉ là lựa chọn thứ hai nếu tình thế không cho phép ném bom xuống Kokura.


Sáu máy bay B - 29 được cử tham gia chiến dịch. Sweeney sẽ điều khiển chiếc đi đầu và có nhiệm vụ ném bom. Chiếc Great Artiste vẫn được giao nhiệm vụ như trong sứ mệnh trước ở Hiroshima, vì vậy Sweeney và Đại úy Frederick C. Bock đổi máy bay cho nhau. Sweeney và phi hành đoàn nhận chiếc máy bay Bockscar còn Bock và nhóm của anh ta sẽ điều khiển chiếc Great Artiste.


Để tránh không bị phát hiện là phi đội ném bom nguyên tử, sáu máy bay B - 29 được sơn ký hiệu hình tam giác có hình chữ “N” lồng bên trong của Trung đoàn không quân 44 thay vì ký hiệu mũi tên hướng về phía trước của Trung đoàn không quân 509. Không máy bay nào tham gia sứ mệnh này sơn tên của chúng ở phía mũi máy bay. Điều này khiến phóng viên William L. Laurence của tờ Thời báo New York, người được phép đi cùng trong chiếc máy bay Great Artiste, nhầm tưởng Sweeney vẫn lái chiếc máy bay đó.


Trung tá James I. Hopkins, sĩ quan tác chiến của không đoàn, điều khiển chiếc máy bay làm nhiệm vụ quan sát và chụp ảnh có tên là Big Stink. Theo lời kể của Sweeney, Hopkins có thái độ không hợp tác, có lẽ bởi người chỉ huy chiến dịch có quân hàm thấp hơn anh ta. Anh ta không chú ý đến lời nhắc nhở của Sweeney về kế hoạch hội quân.


Quả bom “Fat Man”.


Có hai máy bay làm nhiệm vụ trinh sát thời tiết. Chiếc Enola Gay, do Đại úy George Marquardt điều khiển, sẽ đi trước để báo cáo về tình hình ở mục tiêu chính Kokura; chiếc Laggin’ Dragon, do Đại úy Charles F. McKnight điều khiển, sẽ trinh sát thời tiết ở mục tiêu phụ Nagasaki. Đại úy Ralph Taylor sẽ lái chiếc B - 29 thứ sáu, Full House, làm nhiệm vụ dự phòng.


Ba chuyên gia kỹ thuật đi cùng phi hành đoàn của Sweeney trên chiếc Bockscar: một sĩ quan rađa và hai chuyên gia vũ khí chuyên về bom nguyên tử. Chuyên gia cao cấp về vũ khí là Trung tá Frederick L. Ashworth, từng chỉ huy vụ thử nghiệm quả bom nguyên tử ở thành phố Los Alamos, bang New Mexico (Mỹ).


Sweeney không có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng Ashworth đã từng chỉ huy một phi đội máy bay TBF Avenger tham gia chiến dịch Guadalcanal. Có nhiều ý kiến nói rằng Sweeney đã dựa quá nhiều vào Ashworth, biến Ashworth thành người đồng chỉ huy chiến dịch cùng với Sweeney.


“Fat Man” được lắp vào khoang chứa bom của chiếc máy bay Bockscar lúc 22 giờ ngày 8/8. Đây là một quả bom plutonium có sức công phá mạnh hơn quả bom “Little Boy” ném xuống Hiroshima.


Khánh Chi (tổng hợp)