01:10 20/01/2011

Bí mật về một điệp viên Ixraen trên đất Mỹ - Kỳ 2: Khởi đầu sự nghiệp tình báo

Năm 1977, Jonathan Pollard nộp hồ sơ xin vào làm cho CIA nhưng không được nhận. Kết quả điện tâm đồ cho thấy cậu có thể trở thành một rủi ro an ninh và phải sử dụng những loại thuốc bất hợp pháp.

Kỳ 2: Khởi đầu sự nghiệp tình báo

Năm 1977, Jonathan Pollard nộp hồ sơ xin vào làm cho CIA nhưng không được nhận. Kết quả điện tâm đồ cho thấy cậu có thể trở thành một rủi ro an ninh và phải sử dụng những loại thuốc bất hợp pháp. Hai năm sau, chàng thanh niên Pollard 25 tuổi được cơ quan tình báo Hải quân tuyển dụng làm chuyên viên nghiên cứu tình báo. Pollard làm việc tại Văn phòng tình báo chiến dịch ở Suitland, bang Maryland (Mỹ). Hải quân không biết gì về những phát hiện của CIA liên quan đến nhân viên mới của mình. Pollard làm việc cho cơ quan tình báo Hải quân trong suốt 7 năm với công việc chủ yếu là phân tích dữ liệu và làm báo cáo nhưng không hoàn toàn thỏa mãn với công việc do một số đồng nghiệp thường đùa cợt hoặc có những nhận xét bài Do Thái.

Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng sử dụng những chiếc máy điện tâm đồ như thế này để tuyển dụng nhân viên.


Nhiều người coi Hải quân là lực lượng ít thân Ixraen nhất trong quân đội Mỹ. Thêm vào đó, một thảm kịch trong cuộc chiến 6 ngày đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình cảm của nhiều người Mỹ đối với Ixraen. Năm 1967, người Ixraen đã ném bom một tàu thu thập tin tình báo USS Liberty của Mỹ, khiến 34 người thiệt mạng. Ixraen đã xin lỗi và giải thích rằng phi công Ixraen nhầm USS Liberty với một tàu của Ai Cập. Bất đồng càng tăng lên khi Ixraen khăng khăng cho rằng tàu Mỹ lúc đó đang ở trong khu vực chiến sự còn người Mỹ quả quyết tàu của họ đang ở hải phận quốc tế.

Một phiên bản khác xung quanh sự việc đắm tàu này được truyền tai trong Hải quân còn nặng nề hơn, gây ảnh hưởng xấu tới cả Mỹ và đồng minh Ixraen. Theo đó, Tổng thống Lyndon Johnson muốn phía Ixraen chiến thắng nhưng không phải là nhanh chóng và quyết định như cuộc chiến 6 ngày. Nhà Trắng muốn khai thác quan hệ thân thiện với các nước Arập do Mỹ phụ thuộc lớn vào dầu lửa và để phục vụ mục đích đó, USS Liberty đã có mặt để thu thập tin tình báo rồi sau đó chia sẻ cho người Arập sử dụng chống lại Ixraen. Do đó, nhà nước Do Thái đã liều lĩnh tấn công tàu của đồng minh quan trọng nhất của mình. Sự việc này đã khiến một số nhân viên Hải quân xa lánh Ixraen.

Tàu USS Liberty sau sự kiện bị Ixraen "bắn nhầm" đã được chuyển thành tàu nghiên cứu khoa học.


Năm 1981, Pollard gặp Anne Henderson, lúc đó mới 21 tuổi, một thư ký xinh đẹp, mắt xanh, tóc nhuộm hồng, người sau này trở thành tình yêu đầu đời của cậu. Cô gái này cũng là người Do Thái nhưng không phải là một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái như người chồng tương lai của cô. Tuy nhiên, Pollard đã "dần dần chia sẻ tình cảm và quyết tâm của mình"với Anne. Hai người nhanh chóng sống chung và lên kế hoạch cho đám cưới. Nhưng rồi Pollard gặp rắc rối trong công việc khiến anh bị thu hồi giấy phép an ninh.

Lúc đó, quan hệ giữa các cộng đồng tình báo tại Mỹ và Nam Phi rất căng thẳng và Mỹ cần thông tin về diễn biến tình hình tại Nam Đại Tây Dương. Pollard đến gặp cấp trên và nói rằng anh là bạn cùng học tại trường Fletcher với trung tướng P. W. van der Westhuize, người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội của Nam Phi. Pollard được phép thiết lập một "cổng hậu" với Westhuizen.

Tuy nhiên, các quan chức tình báo Hải quân bắt đầu đánh hơi thấy Pollard có vấn đề khi anh kể cho họ những câu chuyện được trau chuốt về việc anh đã từng sống tại Nam Phi và bố anh là tổ trưởng của CIA tại đó. Họ nhận ra rằng Pollard bịa chuyện và bảo anh đi gặp bác sỹ tâm lý. Thế nhưng bác sỹ thấy Pollard không hề mắc bệnh tâm thần và giấy phép an ninh của anh được trả lại.

Năm 1984, Pollard được giao nhiệm vụ mà anh hằng mong đợi, chuyển sang Trung tâm cảnh báo chống khủng bố (ATAC), thuộc Cục Phân tích đe dọa của cơ quan tình báo Hải quân (NIS). Anh làm việc dưới quyền Jerry Agee, một sỹ quan hải quân có thâm niên 20 năm làm việc trong ngành tình báo. Tại đây, Pollard được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phân tích dữ liệu tình báo liên quan đến các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng. "Cậu ta có thể phân tích khá nhanh và kết quả đạt mức trên trung bình", Agee nhận xét. Thế nhưng, Pollard vẫn không bỏ được thói quen bịa ra những câu chuyện hoang đường và việc này có thể dẫn tới những nguy hiểm thực sự trong ngành tình báo.

Tổng hành dinh cơ quan tình báo Hải quân Mỹ tại thành phố Suitland, bang Maryland, nơi Pollard từng làm việc.


Trên thực tế, Pollard đã vi phạm quy định về việc tiết lộ thông tin mật cho dù lúc đó vẫn chưa hoạt động gián điệp. Năm 1982, Pollard đã mang một số tài liệu nhạy cảm cho người quen xem. Cậu bé hồi nào bị lũ trẻ cùng trang lứa bắt nạt đã trở thành một người đàn ông đe dọa an ninh nước Mỹ chỉ để gây ấn tượng với bạn bè.

Pollard ngày càng thất vọng và chán ghét những thứ mắt thấy tai nghe tại NIS. Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan ký "thỏa thuận chia sẻ tình báo song phương" với Ixraen. Lúc đó Pollard tin rằng các quan chức NIS đã phớt lờ các chỉ thị cho phép chuyển giao dữ liệu quan trọng cho Ixraen. Sau này Pollard nói rằng lẽ ra mình nên báo cáo với cấp cao hơn về việc đó "bằng bất cứ cách nào".

Pollard nói rằng đã nhìn thấy ảnh chụp một nhà máy sản xuất hơi độc đang được xây dựng ở Irắc và xin phép chuyển cho phía Ixraen. Nhưng cấp trên của Pollard cười vào mặt anh và nói rằng người Do Thái quá nhạy cảm với vấn đề hơi độc do những trải nghiệm trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Cũng trong năm 1983, một nhóm khủng bố dòng Shi'ite đánh bom tổng hành dinh của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại thủ đô Bâyrút của Libăng. Mỹ đã trả đũa bằng một cuộc oanh tạc đường không nhưng Pollard cho rằng đã quá muộn và không đủ. Anh ta kết luận rằng nước Mỹ không hành động đủ tầm để tự bảo vệ mình tại Trung Đông, do đó, có lẽ cũng không thể mong chờ sự bảo vệ đối với Ixraen và Pollard quyết định mình phải tự hành động.

Quang Minh (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: Hoạt động tình báo cho Ixraen