10:22 28/10/2011

Bí mật trong container đồ gốm sứ

Cuối năm 1985, một container lớn được đưa bằng đường biển tới cảng Nakhodka ở Viễn Đông của Liên Xô và theo kế hoạch sẽ tiếp tục được vận chuyển bằng đường sắt tới Đức.

Cuối năm 1985, một container lớn được đưa bằng đường biển tới cảng Nakhodka ở Viễn Đông của Liên Xô và theo kế hoạch sẽ tiếp tục được vận chuyển bằng đường sắt tới Đức. Tuy nhiên, chặng sau trong hành trình của chiếc container này đã không diễn ra và cùng với đó là toàn bộ bí mật về những kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở Siberia đã không bị lọt ra ngoài.

Hệ thống thiết bị điện tử được giấu trong container.


Ngày 16/12/1985, một container chở đồ gốm sứ xuất phát từ Nhật Bản đã cập cảng Nakhodka ở Viễn Đông của Liên Xô. Theo lịch trình, chiếc container này sẽ được đưa lên tàu hỏa hướng đến đích cuối cùng là nước Đức xa vạn dặm.

Tuy nhiên, chiếc container này đã lọt vào tầm ngắm của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của Liên Xô. Khi chiếc container vừa cập cảng, các nhân viên của KGB đã vây quanh và cấm tất cả những người không có nhiệm vụ lại gần. Viên đội trưởng đội kiểm tra nhìn vào tờ khai hải quan có ghi “Hàng gốm sứ” rồi lạnh lùng ra lệnh: “Kiểm tra”. Ngay lập tức, các nhân viên KGB mở cửa containter.

Cái đầu tiên mà họ nhìn thấy là hàng loạt hộp các tông được bao gói cẩn thận, khi mở ra bên trong đều là đồ gốm sứ tinh xảo. Dường như hộp các tông chèn kín chiếc container đến một khe hở cũng không có. Tuy nhiên, người chỉ huy đội kiểm tra vẫn lạnh lùng ra lệnh: “Tiếp tục”.

Một chiếc bình gốm sứ trong chiếc container đặc biệt.


Và điều bất ngờ đã xuất hiện khi các nhân viên KGB kiểm tra được 1/3 chiều dài của chiếc container. Ngay giữa lòng chiếc container là một khoang nhỏ chứa hệ thống thiết bị tinh xảo cùng các dàn đèn đang nhấp nháy.

Ngay lập tức, hệ thống thiết bị này được niêm phong và chuyển đến cơ quan chuyên môn để phân tích. Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định, đây là hệ thống thiết bị trinh sát điện tử hiện đại nhất của phương Tây lúc bấy giờ. Thiết bị này có thể do thám, thu thập và phân tích tất cả các sóng điện từ ở các dải tần khác nhau, đặc biệt rất nhạy cảm với sóng ngắn thường dùng trong vũ khí hạt nhân chiến lược. Thiết bị này được trang bị ắc quy để có thể hoạt động liên tục trong 3 tháng.

Theo các chuyên gia, hệ thống do thám này có khả năng ghi nhận những địa điểm có nguyên liệu hạt nhân cũng như bất kỳ sản phẩm nào được chế tạo từ nguyên liệu này. Hệ thống máy ảnh hiện đại trong đó có thể chụp ảnh tự động các vị trí nằm dọc theo tuyến đường sắt vài cây số. Nếu như KGB không phát hiện ra, để cho “tên gián điệp điện tử” này chót lọt hành trình từ Viễn Đông đến Đức thì những bí mật về kho hạt nhân chiến lược của Liên Xô ở Siberia rất có thể đã nằm trong tay đối phương.

Chiếc container lọt vào tầm ngắm của KGB là nhờ một nguồn tin mật. Mấy ngày trước khi chiếc container kia cập cảng, một đặc vụ chìm của KGB ở Nhật Bản đã chuyển về một bức điện tối mật yêu cầu kiểm tra kỹ “món hàng” trong chiếc container được gửi từ Nhật Bản. Bản thân đặc vụ mật kia cũng không biết chính xác “món hàng” đó là gì mà chỉ biết rằng nó vô cùng quan trọng.

Các nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô rất lưu tâm đến vụ gián điệp này. Song KGB đã được lệnh giữ kín thông tin. Khi sự việc chưa được làm rõ, Điện Kremlin không muốn đưa vấn đề ra ánh sáng nhằm tránh “rút dây động rừng”.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô yêu cầu phải tìm cho kỳ được chủ nhân đích thực của “món hàng” đặc biệt. Các nhân viên điều tra khi tháo dỡ hệ thống để kiểm tra thiết bị đã phát hiện các linh kiện bên trong có nguồn gốc từ một loạt nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Canađa, Đài Loan và Hồng Công, do đó rất khó lấy đó làm căn cứ xác định hệ thống này là của ai. Do vậy, KGB chuyển sang điều tra người gửi và người nhận “món hàng”. Một cuộc điều tra xuyên quốc gia từ Nhật Bản đến Đức đã được tiến hành. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra này đến nay vẫn nằm sâu trong các ngăn tài liệu mật của cơ quan an ninh Liên bang Nga.

Song thật tình cờ, mạng Bình luận quân sự của Trung Quốc đã phát hiện ra những bí mật kia trong các tài liệu bằng tiếng Nhật. Theo đó, công ty vận chuyển container đã làm theo hợp đồng với một doanh nghiệp gốm sứ của Nhật Bản. Khi biết lô hàng gốm sứ không biết do nguyên cớ nào đã bị hụt mất một 1/3, ông chủ doanh nghiệp gốm sứ này đã nổi giận và đâm đơn kiện công ty vận chuyển. Tòa án Tôkyô đã tiến hành thụ lý vụ án này, song rốt cuộc cũng bỏ dở giữa chừng do vụ việc quá phức tạp và liên quan đến nhiều nước.

Mặc dù vậy, một số chi tiết quan trọng trong quá trình điều tra đã bị lộ ra ngoài. Ông chủ của công ty vận chuyển container là một người Mỹ. Khi sự việc vừa bị bại lộ, ông ta liền biến mất. Thú vị hơn, người nhận hàng ở bên Đức cũng từng sống ở Mỹ lâu năm. Cửa hàng ăn của ông ta làm ăn ế ẩm, song không hiểu vì sao lại nhập rất nhiều đồ gốm sứ tinh xảo của Nhật Bản. Tất cả những điều đó đã khiến cho KGB tin rằng ông chủ đích thực của món hàng đặc biệt trên chính là Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Một điều ngạc nhiên nữa là Mátxcơva không muốn làm to chuyện này lên. Người thì cho rằng, động thái này nhằm duy trì sự nồng ấm mới được nhen lên trong quan hệ Xô - Mỹ; người thì nhận định Mátxcơva muốn bảo vệ đặc vụ chìm của mình ở Nhật Bản, người đã và sẽ cung cấp nhiều thông tin tối mật.

Lê Hải