02:00 15/02/2011

Bí mật ở lục địa băng - Kỳ 1: Cuộc viễn chinh đến Nam Cực

Năm 1947, Đô đốc Richard E. Byrd chỉ huy 4.000 lính Mỹ, Anh và Ôxtrâylia thực hiện một cuộc viễn chinh đến Nam Cực trong một sứ mệnh có tên là Chiến dịch Highjump.

Năm 1947, Đô đốc Richard E. Byrd chỉ huy 4.000 lính Mỹ, Anh và Ôxtrâylia thực hiện một cuộc viễn chinh đến Nam Cực trong một sứ mệnh có tên là Chiến dịch Highjump. Trên thực tế, có một phần của câu chuyện hiếm khi được người ta nhắc đến, đó là việc Byrd và đội quân của ông đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các đĩa bay trong chuyến viễn chinh đến Nam Cực, buộc Byrd phải từ bỏ ý định xâm chiếm lục địa này. Và có nhiều bằng chứng cho thấy, tại vùng đất quanh năm phủ đầy băng giá này, phát xít Đức đã xây dựng một cơ sở quân sự, có liên quan đến những vật thể bay không xác định (UFO).

Kỳ 1: Cuộc viễn chinh đến Nam Cực

Câu chuyện này được đề cập lại vài năm trước đây khi một Thiếu tướng Hải quân, người đã từng tham gia vào cuộc viễn chinh này, phát biểu rằng ông cảm thấy bị sốc khi nghe các thông tin trong một cuốn phim tư liệu có tên “Bão lửa từ bầu trời”. Ông thừa nhận, trong hành trình đến vùng cực này, đã có nhiều máy bay và rốckét bị bắn rơi, nhưng tình hình không nghiêm trọng đến mức như bộ phim tư liệu phản ánh.

Tàu ngầm Sennet

Chiến dịch Highjump hay thực chất là một cuộc viễn chinh đến Nam Cực có sự tham gia của ba cụm tàu sân bay. Lực lượng này khởi hành từ thành phố Norfork, bang Virginia (Mỹ) vào ngày 2/12/1946. Dẫn đầu đoàn quân gồm 4.000 binh lính là tàu chỉ huy của Đô đốc Richard E. Byrd. Ngoài ra, còn có tàu phá băng Northwind, tàu khu trục Pine Island, tàu khu trục Brownsen và Henderson, tàu sân bay Phillipines Sea, tàu ngầm Sennet của Mỹ, hai tàu vận tải Yankee và Merrick, hai tàu chở dầu Canisted và Capacan và một thủy phi cơ Currituck.

Chuyến thám hiểm này được Hải quân Mỹ ghi hình và mang về Hollywood để dựng thành bộ phim có tên “Miền đất bí mật” .

Đô đốc Richard E. Byrd.

Một điều dường như không thể tin được là, ngay sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới II đã tàn phá hầu hết châu Âu và làm lụn bại các nền kinh tế trên toàn cầu, người Mỹ lại vội vàng tiến hành một chuyến thám hiểm Nam Cực với nhiều trang thiết bị chiến tranh đến như thế - trừ khi chiến dịch này là cực kỳ quan trọng đối với an ninh của nước Mỹ.

Vào thời điểm diễn ra chiến dịch, lực lượng hải quân Mỹ đang bị xé lẻ bởi nhiều hạm đội đã bị giải tán và các thủy thủ đã giải ngũ để trở về với cuộc sống đời thường. Những căng thẳng trên toàn cầu cũng leo lên đỉnh điểm khi mà Liên Xô và Mỹ đang ngấp nghé bên bờ của một cuộc chiến tranh lạnh. Bối cảnh này khiến việc đưa 4.000 lính thủy đến một nơi xa xôi của hành tinh đầy hiểm nguy ẩn chứa trong các núi băng, các trận bão tuyết và nhiệt độ dưới 0 độ C trở thành một câu hỏi không có lời đáp.

Các phương tiện truyền thông ít được cung cấp thông tin về sứ mệnh này. Đô đốc Ramsey ngày 26/8/1946 đưa ra tuyên bố rằng: “Người đứng đầu các chiến dịch hải quân sẽ chỉ làm việc với các cơ quan của chính phủ và không một quan sát viên nước ngoài nào được phép tham gia vào chiến dịch này”.

Tuy vậy, thông tin về cuộc viễn chinh này cũng đã bị rò rỉ. Có ba bộ phận tham gia chiến dịch: Một nhóm trên bộ được trang bị máy kéo, thuốc nổ, và nhiều trang thiết bị để tái dựng lại “một nước Mỹ thu nhỏ” và để xây dựng một đường băng cho sáu chiếc máy bay R4D (DC-3) và hai phi đội thủy phi cơ hạ cánh. Loại máy bay R4D được lắp thêm các ống phóng hỗ trợ phản lực (JATO) để có thể cất cánh từ đường băng ngắn trên tàu sân bay Philippines Sea. Chúng cũng được lắp các ván trượt để có thể hạ cánh xuống sân bay trên băng.

Các lực lượng tham gia chiến dịch Highjump.

Sau khi đến Nam Cực, lực lượng này bắt đầu tiến hành trinh sát lục địa băng. Các máy bay đã bay được 220 giờ trên không, vượt qua một quãng đường có tổng chiều dài hơn 40.000 km và chụp khoảng 70.000 bức ảnh. Sau đó, sứ mệnh, theo dự kiến sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tháng, đã sớm bị dừng đột ngột. Báo chí Chilê đưa tin rằng nguyên nhân là sứ mệnh này gặp phải các “trở ngại” và có nhiều người bị thương vong. Nhóm Trung tâm của Chiến dịch Highjump đã được tàu phá băng Burton Island đưa ra khỏi vịnh Whales vào ngày 22/2/1947; nhóm phía tây lên đường trở về nhà vào ngày 1/3/1947 và nhóm phía đông cũng có hành động tương tự vào ngày 4/3/1947, chỉ 8 tuần sau khi đặt chân đến Nam Cực.

Họ trở về mang theo nhiều số liệu thu được. Những thông tin này ngay lập tức đã được xếp vào hàng “tuyệt mật”. Sau khi nghỉ hưu, Tư lệnh Hải quân James Forrestal bắt đầu tiết lộ về chiến dịch Highjump, nhưng ngay sau khi những thông tin ban đầu về chiến dịch này được hé lộ, ông liền bị đưa vào Bệnh viện Bethesda của Hải quân để... điều trị bệnh tâm thần. Và cuối cùng, người ta thông báo rằng ông đã chết khi ngã ra bên ngoài cửa sổ trong lúc đang cố gắng tự tử bằng một tấm ga trải giường.

Ngày 3/5/1947, tờ báo El Mercurio của Chilê đăng một bài viết với tiêu đề: “Trên đỉnh Olympus ngoài biển khơi”. Bài báo trích dẫn bài phỏng vấn Byrd của phóng viên Lee Van Atta với nội dung: Đô đốc Byrd cho rằng nước Mỹ cần phải tiến hành các biện pháp phòng thủ ngay lập tức để đối phó với các khu vực thù địch. Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh mới, nước Mỹ sẽ bị tấn công bằng các vật thể bay mà có thể bay từ cực này đến cực kia của Trái Đất với một tốc độ nhanh không thể tin được. Ông mất vào năm 1957. Nhiều người cho rằng, ông bị sát hại.

Vậy thế lực nào đã sở hữu hoặc điều khiển những vật thể bay có khả năng bay từ cực này đến cực kia Trái Đất với tốc độ không thể tin nổi?

Khánh Chi (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Sinh vật ngoài trái đất nói tiếng Đức