01:23 18/01/2012

Bí mật kế hoạch đưa tàn quân Đức Quốc xã sang Áchentina-Kỳ cuối: Con dao hai lưỡi

Với việc tổ chức hoàn hảo các chuyến đưa nhiều nhóm quan chức Đức Quốc xã trốn chạy khỏi châu Âu sang ẩn náu ở Áchentina, gia đình Tổng thống Juan Peron đã thu được những khoản lợi nhuận kếch sù.

Với việc tổ chức hoàn hảo các chuyến đưa nhiều nhóm quan chức Đức Quốc xã trốn chạy khỏi châu Âu sang ẩn náu ở Áchentina, gia đình Tổng thống Juan Peron đã thu được những khoản lợi nhuận kếch sù.

“Gã đồ tể Lyon” Klaus Barbie tiếp tục hoành hành sau khi lẩn trốn sang Mỹ Latinh.


Sau khi chế độ phát xít sụp đổ, rất nhiều tiền vàng và đồ vật quí giá cướp được của các gia đình Do Thái giàu có được coi là những bằng chứng chống lại những tên trùm phát xít đã được chúng tặng lại cho vợ chồng Peron như là những món quà tạ ơn vì những gì Tổng thống Áchentina đã làm cho chúng sau chiến tranh.

Kho báu của nước Đức bại trận bao gồm một số lượng lớn vàng thỏi mà bọn phát xít đúc ra từ đồ trang sức thu giữ của người Do Thái tại các trại tị nạn, cùng với rất nhiều tranh và tượng quí được chúng cất giấu. Rất nhiều trong số này đã được chuyển tới Áchentina để trao tặng cho chính phủ nước này. Ngoài ra, vợ chồng Peron có rất nhiều tài khoản bí mật tại các nhà băng của Thụy Sỹ với số lượng lớn tiền mà đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Số tiền vàng này cũng giúp cho Peron có một cuộc sống sung túc tại Tây Ban Nha sau khi thất cử năm 1955 và buộc phải sang Tây Ban Nha sinh sống.

Vợ chồng Peron diễu hành trên đường phố Buênốt Airét sau khi đắc cử Tổng thống.


Trong cuốn sách “Người thừa kế của vị Tướng – Lịch sử chưa tiết lộ”, tác giả Miguel Prenz viết rằng trong một vài lần, Tổng thống Peron có đề cập tới “nguồn gốc Nhật và Đức” của một số tài sản mà chính phủ Áchentina lúc bấy giờ đang sở hữu. Nhiều năm sau đó, các tổ chức Do Thái đã cố gắng lần theo dấu vết của những nguồn tiền này và tố cáo chính phủ Peron đã giúp đỡ và tạo dựng nơi lẩn trốn trên lãnh thổ Áchentina cho một số tên trùm phát xít khét tiếng như Adolf Eichmann hay Josef Mengele.

Trong khi đó, việc một người phụ nữ được lòng dân chúng và luôn tìm cách đưa ra những chính sách vì lợi ích của tầng lớp thấp trong xã hội như Evita lại tham gia một cách tích cực vào kế hoạch hỗ trợ phát xít khiến nhiều người thất vọng. Trên thực tế, dường như việc bà trở thành vợ của Peron để rồi sau đó buộc phải làm theo những quyết định của chồng là một việc đã được tính toán và sắp đặt từ trước. Một người sống sót ở trại tập trung Dachau có tên là Jose Jakunovich tiết lộ rằng trong cuốn sách về phiên tòa ở Nuremberg có một tài liệu vô cùng quan trọng. Đó là một bức thư trao đổi giữa hai nhân vật chóp bu trong chính quyền Đức Quốc xã được viết trước khi Chiến tranh kết thúc (khi Peron chưa cưới Evita), trong đó có đoạn: “Peron có một cô bạn gái có thể sẽ hữu ích cho chúng ta. Cô ta tên là Eva”.

Tuy nhiên, chắc hẳn vợ chồng Peron không bao giờ có thể ngờ được rằng những nhóm tàn quân phát xít sau một thời gian giấu mình tại nhiều nơi trên đất Áchentina lại trỗi dậy và một số còn được trọng dụng trong thời gian các chính quyền độc tài quân sự nắm quyền tại các nước Mỹ Latinh. Những tên phát xít tưởng như hết thời đó đã làm được nhiều hơn cả những gì mà Tổ chức cựu thành viên SS (ODESSA) đã vạch ra. Khi các chế độ quân sự Mỹ Latinh triển khai cái gọi là “cuộc chiến không biên giới” để đàn áp phong trào cánh tả, họ đã tuyển những tên phát xít dưới thời Đức Quốc xã để truyền bá công nghệ tra tấn và tham gia vào các “Lữ đoàn tử thần”.

Một trong những tên phát xít tham gia tích cực nhất trong thời gian này là tay trùm Gestapo khét tiếng Klaus Barbie, hay còn được biết đến dưới biệt danh “Gã đồ tể Lyon”. Năm 1980, được sự giúp đỡ của một thế hệ những tên phát xít mới tại Mỹ Latinh, Barbie đã cùng với quân đội Bôlivia thực hiện một cuộc đảo chính đẫm máu lật đổ chính phủ trung tả cầm quyền ở quốc gia Nam Mỹ này. Không dừng lại ở đó, “Gã đồ tể Lyon” cùng với tay chân của mình đã truy lùng và giết hại rất nhiều các quan chức chính phủ và lãnh đạo các phong trào ủng hộ chính phủ hợp hiến Bôlivia.

Ngày nay, phần lớn những tên phát xít khét tiếng một thời đã ở thế giới bên kia nhưng những hậu quả từ việc Tổng thống Peron đưa chúng sang Áchentina sau chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong trí óc của các thế hệ người dân Mỹ Latinh. Và có lẽ đây sẽ luôn là vết nhơ lớn nhất trong cuộc đời chính trị đầy sóng gió của vị tổng thống này.

Hoài Nam (Theo Consortiumnews)