01:00 17/01/2012

Bí mật kế hoạch đưa tàn quân Đức Quốc xã sang Áchentina-Kỳ 2: Đằng sau chuyến công du châu Âu

Tháng 6/1947, Evita Peron dẫn đầu một phái đoàn cấp cao Áchentina đi thăm châu Âu. Điểm dừng chân đầu tiên của Đệ nhất Phu nhân xứ sở Tănggô là Tây Ban Nha, nơi bà được Tướng Francisco Franco, người có mối quan hệ thân thiết với Juan Peron, đón tiếp với nghi lễ long trọng nhất của một nguyên thủ quốc gia.

Tháng 6/1947, Evita Peron dẫn đầu một phái đoàn cấp cao Áchentina đi thăm châu Âu. Điểm dừng chân đầu tiên của Đệ nhất Phu nhân xứ sở Tănggô là Tây Ban Nha, nơi bà được Tướng Francisco Franco, người có mối quan hệ thân thiết với Juan Peron, đón tiếp với nghi lễ long trọng nhất của một nguyên thủ quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà Evita chọn Tây Ban Nha làm điểm đến đầu tiên. Quốc gia Nam Âu này dưới thời Franco luôn có chính sách nghiêng về trục phát xít cho dù một cách chính thức nước này vẫn giữ vai trò trung lập trong Thế Chiến II. Với sự tiếp tay của chính quyền Franco, Tây Ban Nha được coi là nơi ẩn náu ban đầu của những tên phátxít bị phe đồng minh truy lùng sau khi chiến tranh kết thúc trước khi tìm được nơi tị nạn lâu dài ở Mỹ Latinh hoặc Trung Đông.

Evita Peron trong chuyến thăm Tây Ban Nha.


Trong thời gian ở thăm Tây Ban Nha, Evita đã bí mật gặp gỡ một nhóm phát xít tay chân của cựu sỹ quan SS khét tiếng Otto Skorzeny để thảo luận về kế hoạch hợp tác đưa những tên sỹ quan Đức Quốc xã đang bị săn lùng sang Áchentina, đồng thời thông báo về cam kết của Juan Peron sẵn sàng đón tiếp và bố trí địa điểm định cư mới cho các nhân vật dưới thời phát xít Đức. Lúc bấy giờ, Skorzeny là thủ lĩnh của Tổ chức cựu thành viên SS (Organisation der ehemaligen SS - Angehörigen, hay ODESSA) tại Tây Ban Nha dưới thời chính quyền độc tài của Franco. Sau cuộc họp kín với Evita, nhóm này đã quyết định sử dụng hàng triệu USD bòn rút được của các ngân hàng Đức trước khi chiến tranh kết thúc để tổ chức các chuyến đưa tàn quân phát xít trốn chạy từ châu Âu sang Áchentina.

Đệ nhất Phu nhân Áchentina gặp Giáo hoàng Pio XII.


Điểm đến tiếp theo của Evita trong chuyến đi đó là Tòa thánh Vaticăng. Cuộc gặp gỡ giữa Đệ nhất Phu nhân Áchentina và Giáo hoàng Pio XII không chỉ đơn thuần là một buổi nói chuyện xã giao. Lúc đó, Vaticăng được coi là địa điểm cung cấp giấy tờ giả cho những tên phát xít bị truy nã. Theo tiết lộ của người săn lùng phát xít nổi tiếng John Loftus, Evita và Giáo hoàng đã thảo luận về phương thức cung cấp giấy tờ tùy thân, cách bảo vệ và cung cấp lương thực cho nhóm tàn quân Đức Quốc xã để chúng có thể tiếp tục cuộc sống tại Áchentina.

Sau khi rời Vaticăng, Đệ nhất Phu nhân Áchentina dự kiến đến Anh để tiếp xúc với Nữ hoàng Elizabeth nhưng chính phủ Anh đã từ chối đề xuất này bởi lo ngại sự có mặt của Evita có thể tạo ra sự tranh cãi về lập trường ủng hộ phát xít của Áchentina, cũng như sự che chở Hitler thời trước chiến tranh của Hoàng gia. Thay vào đó, Evita đã tới thành phố Genova của Italia để gặp gỡ với Alberto Dodero, ông chủ của một đội tàu Áchentina đang sinh sống ở đó. Sau khi được Evita thuyết phục và hứa hẹn trả một khoản tiền kếch sù, Dodero đã đồng ý sử dụng đội tàu của mình để đưa những tên phát xít Đức đang bị truy lùng ở châu Âu sang tị nạn tại Áchentina. Thời gian sau đó, các con tàu của Dodero đã chở hàng nghìn tên phát xít sang Nam Mỹ, trong đó có cả những tên tội phạm chiến tranh như Mengele hay Eichmann.

Otto Skorzeny, một tên SS khét tiếng và là thủ lĩnh của Tổ chức cựu thành viên SS tại Tây Ban Nha.


Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Evita là Geneva (Thụy Sỹ), nơi bà đã được bố trí gặp gỡ với Tổng thống Philipp Etter và nhiều quan chức cao cấp khác trong chính phủ Thụy Sỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là những hoạt động chính thức bề nổi, còn mục đích thực sự vẫn là những cuộc tiếp xúc bí mật để chắp nối các đầu mối trong mạng lưới hỗ trợ quan chức dưới thời Đức Quốc xã trốn chạy khỏi châu Âu. Hàng loạt các cuộc tiếp xúc với những nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ, cũng như giới ngân hàng nước này đã được Evita thực hiện để tìm kiếm nguồn tài chính cho kế hoạch. Và những tài liệu được giải mật sau này cho thấy Thụy Sỹ, đặc biệt là các ngân hàng của nước này, đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch “giải thoát” cho những tên phát xít của chính quyền Peron.

Hoài Nam (Theo Consortiumnews)

Đón đọc kỳ 3: Sự dính líu của Thụy Sỹ