01:23 15/01/2012

Bí mật kế hoạch đưa tàn quân Đức Quốc xã sang Áchentina-Kỳ 1: Sự đồng cảm giữa những người lính

Giữa năm 1947, Đệ nhất phu nhân Áchentina Eva Peron thực hiện chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao, thương mại và văn hóa với một số nước ở Lục địa già.

Giữa năm 1947, Đệ nhất phu nhân Áchentina Eva Peron thực hiện chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao, thương mại và văn hóa với một số nước ở Lục địa già. Tuy nhiên, ít ai biết rằng mục đích thực sự của chuyến đi đó, theo chỉ thị của Tổng thống Juan Peron, lại là để thiết lập một mạng lưới hỗ trợ cho những tên phát xít thất trận đang bị chính phủ các nước đồng minh truy nã có thể trốn sang Áchentina dưới những vỏ bọc mới. Và thậm chí người ta còn phát hiện ra sự dính líu vào kế hoạch này của Thụy Sỹ, quốc gia lúc bấy giờ vẫn được coi là trung gian trong Thế Chiến II…

Kỳ 1: Sự đồng cảm giữa những người lính

Nguyên là một đại tá quân đội dưới thời Tổng thống Pedro Pablo Ramirez, Juan Domingo Peron lại nổi lên vì có thiên hướng ủng hộ các phong trào công đoàn tại Áchentina trong những năm cuối của Thế Chiến II. Cũng trong thời gian đó, ông quen biết với một ca sỹ, diễn viên xinh đẹp có tên là Eva Duarte, người sau này tạo ra những ảnh hưởng lớn lao tới con đường công danh của Juan Peron. Năm 1945, chính nhờ Eva Duarte vận động các nhóm công đoàn và dân chúng biểu tình mà Juan Peron mới được trả tự do sau khi bị chính phủ quân sự cầm tù vì có tư tưởng trái ngược. Ngay sau khi ra tù, Juan Peron đã tổ chức lễ cưới với Eva Duarte và từ đó người phụ nữ xinh đẹp này được mọi người biết đến dưới cái tên Eva Peron hay còn gọi là Evita.

Đại tá Juan Peron (giữa) trong lễ thành hôn với Eva Duarte (phải) năm 1945.


Được sự trợ giúp của Evita, một người có rất nhiều ảnh hưởng với tầng lớp lao động và dân nghèo ở Áchentina lúc bấy giờ, trong quá trình vận động tranh cử, Juan Peron đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 1946 và trở thành tổng thống thứ 29 của Áchentina. Tuy nhiên, trước đó ít người biết được rằng ngay từ khi còn là một sỹ quan quân đội Juan Peron luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với đất nước Italia của Mussolini và Đức dưới thời Hitler. Peron từng nói với những người bạn thân thiết rằng ông khâm phục phong cách điều hành đất nước của những người đi lên từ quân đội, trong số đó ông kính nể nhất là hai nhân vật phát xít trên. Ngay sau khi Đệ tam Đế chế sụp đổ mùa xuân năm 1945, Peron vẫn luôn thể hiện mình là người ủng hộ chế độ phát xít đến cùng.

Trong bối cảnh châu Âu vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn sau chiến thắng của phe Đồng minh, hàng loạt các nhân vật chóp bu trong hàng ngũ Đức Quốc xã tìm cách trà trộn vào làn sóng những người tị nạn thông thường hoặc thiết lập những con đường bí mật để rời khỏi châu Âu tới một số nước Nam Mỹ. Với sự đồng cảm dành cho Hitler, Peron khi đó mặc dù chưa phải là tổng thống nhưng qua các mối quan hệ cũng đã “kiếm” được 1.000 hộ chiếu trắng cho các sỹ quan trong quân đội của Đức Quốc xã đang tìm cách trốn chạy khỏi châu Âu.

Rodolfo Freude (giữa), Thư ký riêng của Tổng thống Peron, người ban đầu dự kiến được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch thiết lập mạng lưới hỗ trợ quan chức dưới thời Đức Quốc xã trốn sang Áchentina.


Những sự kiện này cũng lý giải tại sao chỉ ít năm sau khi lên nắm quyền, chính thể Peron đi theo đường lối sắt đá, đàn áp những người chống đối không đồng tình với những sự thay đổi. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn nhận định rằng chính thời kỳ của Peron đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy sau này của các chính phủ độc tài tại Mỹ Latinh trong những năm 1970 và 1980. Bất chấp cách điều hành như vậy, chính phủ của Peron vẫn tồn tại nhờ sự thương mến và tình cảm mà người dân dành cho Evita vì những gì bà đã làm cho tầng lớp dân nghèo ở Áchentina trong nhiều năm.

Đầu năm 1946, làn sóng đầu tiên của các quan chức và sỹ quan Đức Quốc xã thất trận đã có mặt ở Áchentina và được bố trí ở nhiều địa phương khác nhau. Lúc bấy giờ, nhiều người cũng đồn đoán rằng nhiều nhân vật Đức Quốc xã trong nhóm đầu tiên này đã bày tỏ sự cám ơn đối với Peron bằng cách tài trợ cho chiến dịch tranh cử giúp cho ông này trở thành tổng thống Áchentina vào năm đó.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Peron đã nghĩ ngay tới việc cần phải thiết lập một mạng lưới hỗ trợ cho những kẻ trong chính quyền của Hitler vẫn còn bị mắc kẹt ở châu Âu tới ẩn náu tại Áchentina. Ban đầu, kế hoạch này được Peron dự định giao cho thư ký riêng của mình là Rodolfo Freude bởi vì tay này có bố là Giám đốc Ngân hàng xuyên Đại dương của Đức và là người điều hành cộng đồng ủng hộ Đức Quốc xã tại Áchentina. Tuy nhiên, sau khi xem xét mọi yếu tố Peron nhận thấy Evita, với tầm ảnh hưởng của mình, phù hợp hơn để thực hiện nhiệm vụ này và ông quyết định cử Đệ nhất Phu nhân lên đường sang châu Âu với danh nghĩa thúc đẩy quan hệ ngoại giao với một số nước như Tây Ban Nha, Anh, Thụy Sĩ và Tòa thánh Vaticăng.

Hoài Nam (Theo Consortiumnews)

Đón đọc kỳ tới: Đằng sau chuyến công du châu Âu