09:14 10/09/2011

Bí mật kế hoạch ám sát cùng lúc hai anh em lãnh tụ Fidel Castro

Ngay sau khi cách mạng Cuba thành công ngày 1/1/1959, chính quyền và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) luôn tìm cách tiêu diệt Tổng tư lệnh Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Cuba, một bước nhằm lật đổ chính quyền cách mạng Cuba non trẻ ở Tây Bán cầu.

Ngay sau khi cách mạng Cuba thành công ngày 1/1/1959, chính quyền và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) luôn tìm cách tiêu diệt Tổng tư lệnh Fidel Castro và các nhà lãnh đạo Cuba, một bước nhằm lật đổ chính quyền cách mạng Cuba non trẻ ở Tây Bán cầu. Hàng trăm âm mưu ám sát lãnh tụ Fidel đã được CIA và các thế lực thù địch ở Mỹ lên kế hoạch thực hiện nhưng tất cả đều thất bại. Đáng chú ý nhất trong những kế hoạch đen tối đó là âm mưu ám sát cùng lúc cả Tổng tư lệnh Fidel Castro và Đại tướng Raul Castro nhằm gây ra một cuộc hỗn loạn tại Cuba vào giữa năm 1961, cũng như tạo cớ để quân đội Mỹ can thiệp vào quốc đảo Caribê này…

Kỳ 1: Chiến dịch Patty ra đời như thế nào?

Sau thất bại thảm hại của cuộc tấn công vào bãi biển Giron tháng 4/1961, Mỹ vẫn không từ bỏ ý định lật đổ chính quyền cách mạng Cuba, thậm chí họ còn tăng cường các chiến dịch phá hoại và gây bạo loạn trong xã hội Cuba với sự tiếp tay của các thế lực phản động và mạng lưới điệp viên nằm vùng ở Cuba. Theo tính toán của Oasinhtơn thì việc đầu tiên phải làm nếu muốn “nhấn chìm” cuộc cách mạng tại Cuba là phải tiêu diệt Tổng tư lệnh Fidel Castro và em trai của ông là Raul Castro. Nhiệm vụ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện mưu đồ này như thường lệ được giao cho CIA.

Tổng tư lệnh Fidel Castro (trái) và Đại tướng Raul Castro (giữa), mục tiêu ám sát của CIA trong Chiến dịch Patty, cùng với Che Guevara trong những năm đầu của Cách mạng Cuba.


Giữa tháng 5/1961, một điệp viên có tên là Alfredo Izaguirre de la Riva được lệnh rời La Habana đến thành phố Miami của Mỹ để tham gia vào một cuộc họp của CIA nhằm thảo luận về nguyên nhân thất bại của cuộc tấn công vào bãi biển Giron và đặc biệt là bàn về một kế hoạch phá hoại mới có qui mô lớn hơn mà CIA đang “ấp ủ”. Izaguirre de la Riva từng là chủ bút của một tờ báo thời kỳ trước cách mạng. Sau năm 1959, tên này bắt đầu thiết lập quan hệ với một nhân viên của Đại sứ quán Mỹ có tên là Jack Stuart và sau một thời gian thì được phó lãnh sự Mỹ tại thành phố Santiago de Cuba Robert Wiecha tuyển vào làm cho văn phòng của CIA tại La Habana. Izaguirre de la Riva sau đó được tham gia vào các khóa đào tạo nghiệp vụ tình báo và phá hoại tại Mỹ trước khi được điều trở lại Cuba.

Tại Miami, Izaguirre de la Riva đã có cuộc họp bí mật với một loạt các điệp viên CIA giàu kinh nghiệm trong các hoạt động phá hoại như Frank Bender, Karl Hetch và Howard Hunt. Nhóm này nhận định rằng các kế hoạch phá hoại các cơ sở kinh tế và gây rối trong xã hội Cuba sẽ không đủ để lật đổ chính quyền cách mạng và tất cả đều nhất trí cho rằng cần phải thực hiện một chiến dịch có qui mô lớn hơn và có tác động mạnh mẽ hơn thì mới hy vọng đạt được mục tiêu đề ra.

Tướng M.Taylor (trái), nhân vật dính líu tới Chiến dịch Patty, trong một cuộc gặp với Tổng thống J.F.Kennedy (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara tại Nhà Trắng.


Liên tiếp những ngày sau đó Izaguirre de la Riva tiếp tục nhóm họp với các nhân vật cộm cán của CIA và đến cuộc họp cuối cùng có sự tham gia của Tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, nhóm “hoạch định kế hoạch” đã thông qua cái gọi là “Chiến dịch Patty” với nhiệm vụ chính bao gồm ám sát cùng lúc Fidel và Raul Castro khi hai nhà lãnh đạo này tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày Khởi nghĩa vũ trang 26/7 ở các thành phố La Habana và Santiago de Cuba; gây ra các vụ phá hoại đồng thời ở một số tỉnh; kích động các nhóm phản động trong nước gây bạo loạn để tạo tiền đề cho một cuộc tổng nổi dậy; sử dụng súng phóng lựu bắn vào Căn cứ quân sự của Mỹ ở Guantanamo và trận địa pháo của Cuba ở tỉnh này để hai bên lầm tưởng bị tấn công và đáp trả nhau, qua đó tạo ra cớ để chính phủ Mỹ có thể đưa quân đội can thiệp quân sự một lần nữa vào Cuba. Tướng Taylor cũng khẳng định Văn phòng tình báo quân đội ở căn cứ Guantanamo sẽ hỗ trợ tối đa cho các hoạt động của Chiến dịch Patty.

Với “bề dày kinh nghiệm” của mình, Izaguirre de la Riva được tin tưởng giao nhiệm vụ quay trở lại Cuba điều phối các hoạt động chuẩn bị, trong đó có việc tiếp nhận vũ khí, nhóm họp với các tổ chức phản động và các nhân viên của CIA đang hoạt động bí mật tại Cuba để thông báo về kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. Izaguirre de la Riva cũng được yêu cầu tìm mọi cách thống nhất tất cả các nhóm chống đối chủ chốt tại Cuba để có thể triển khai một cách hiệu quả nhất “kế hoạch mang tính quyết định” này.

Các quan chức CIA cũng cam kết sẽ hỗ trợ và làm tất cả những gì có thể để Chiến dịch Patty đạt được kết quả như mong đợi. Đại tá J.C.King, trưởng phòng Tây Bán cầu của CIA còn nói với Izaguirre de la Riva trước khi tên này trở lại Cuba rằng: “Các anh hãy bỏ ngay ý nghĩ về việc lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tự nhiên nhảy vào Cuba để giải quyết các vấn đề ở nước này. Bất cứ sự giúp đỡ nào của quân đội Mỹ cũng đều phụ thuộc vào khả năng tạo ra một bầu không khí phù hợp của các nhóm trong nước”. Gợi ý đó càng củng cố quyết tâm thực hiện nhiệm vụ cho Izaguirre de la Riva. Trong đầu của tên này bắt đầu mơ tới một ngày mà bộ máy lãnh đạo của Cách mạng Cuba sụp đổ, công trạng của hắn được vinh danh.

Theo các tài liệu được tiết lộ sau này, trong những năm đầu sau khi Cách mạng Cuba thành công, không có một kế hoạch chống phá Cuba nào có được qui mô tổ chức và nhận được sự hậu thuẫn lớn như Chiến dịch Patty. Sự tham gia trực tiếp của CIA và lực lượng tình báo Mỹ tại căn cứ quân sự Guantanamo cũng chứng tỏ tầm quan trọng và niềm tin mà các quan chức Mỹ đặt vào kế hoạch này. Đây còn được coi là một chiến dịch trả thù cho thất bại cay đắng mà Mỹ và bè lũ lính đánh thuê phải hứng chịu tại bãi biển Giron trước đó không lâu.

Hoài Nam (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Những cuộc họp bí mật tại La Habana