10:09 17/10/2010

Bí mật hội Tam Hoàng(Kỳ III)

Khác với mafia Italia, thủ lĩnh của một hội Tam Hoàng không phải đứng đầu một hoạt động gia đình có thể bao quát được, bởi vì một hội Tam Hoàng có thể có tới 20.000 thành viên.

Hội Tam Hoàng được cho là xuất hiện từ thế kỷ 17, khi những người trung thành với triều đại nhà Minh liên kết với nhau trong những hội kín để đấu tranh chống lại triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu thống trị Trung Nguyên từ năm 1644, nhưng dần biến dạng và trở thành một tổ chức tội phạm có tổ chức chặt chẽ. Trong thế kỷ 18 và 19, hội Tam Hoàng phát triển mạnh ở Trung Quốc khi cộng sinh với các công chức tham nhũng.

Kỳ III: Hội Tam Hoàng ở châu Âu


Khác với mafia Italia, thủ lĩnh của một hội Tam Hoàng không phải đứng đầu một hoạt động gia đình có thể bao quát được, bởi vì một hội Tam Hoàng có thể có tới 20.000 thành viên. Mặc dù hội Tam Hoàng được coi là hoạt động trên khắp thế giới, nhưng tại châu Âu, có lẽ chỉ có Scotland Yard, tổ chức cảnh sát Anh, là chuyên gia am hiểu về hội Tam Hoàng, vì Hồng Công - trung tâm đầu não của hội Tam Hoàng với ước tính có từ 50 tới 60 hội - từng là thuộc địa của Anh trong nhiều năm trời.



Chinatown ở Luân Đôn.


Tại châu Âu, hội "Wo", hội Tam Hoàng lớn và mạnh nhất, có địa bàn hoạt động là Manchester, Anh từ những năm 1930. Hội "14 - K" hoạt động ở Hà Lan và hội "Big Circle" kiểm soát quận 13 ở Pari, Pháp. Hội Tam Hoàng nổi tiếng vì những biện pháp trừng phạt dã man đối với những thành viên có sai phạm.

Mối lo ngại trên khắp thế giới ngày càng gia tăng về hoạt động của các hội Tam Hoàng. Hội Tam Hoàng không theo thứ bậc chặt chẽ. Đàn em không phải thông báo mọi hoạt động tội phạm và xin phép "đại ca". Thông thường, các ông trùm hoạt động hợp pháp như các doanh nhân thành đạt và chỉ can thiệp để hòa giải khi có xung đột. Hội Tam Hoàng hoạt động ở tất cả những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống. Các doanh nhân người Hoa thường là nạn nhân phải nộp tiền bảo kê. Ngược lại, các hội Tam Hoàng thường sử dụng các nhà hàng và công ty làm bình phong che giấu các hoạt động thực sự. Một trong những lĩnh vực hoạt động đặc trưng của chúng, kể cả ở Đức, là buôn lậu người.

 Theo các nhà điều tra châu Âu, ví dụ như nhóm "Đầu rắn" sử dụng các kênh ở Đông Âu để đưa lậu những người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Cách đây 6 năm, hội "Wan-Kuok-Koi", một hội Tam Hoàng mạnh ở Ma Cao, được cho là đã tổ chức đưa 58 người Hoa quá cảnh qua nước Đức, những người sau đó bị phát hiện đã chết trong một container ở hải cảng Dover của Anh. Nhìn chung, giới chuyên môn cho rằng, các hội Tam Hoàng đang tăng cường chuyển sang Anh hoặc thành lập nhiều Chinatowns (khu phố Hoa kiều) trên khắp thế giới. Họ tăng cường tìm kiếm những kẽ hở luật pháp trên khắp thế giới, vì về lâu dài, việc thắt chặt luật pháp ở Hồng Công và Trung Hoa đại lục sẽ gây khó cho các tổ chức tội phạm như hội Tam Hoàng. Người ta cho rằng về trung hạn, những trùm hội Tam Hoàng sẽ tìm cách di cư ra nước ngoài, cũng như tăng cường hợp tác với tổ chức tội phạm Yakuza của Nhật Bản. Các hội Tam Hoàng ở Hồng Công đang làm chủ thị trường hêrôin ở Ôxtrâylia, Mỹ và Hà Lan, trung tâm buôn bán hêrôin của châu Âu.



Đối với các nhà chức trách châu Âu, việc điều tra rất khó khăn, vì ngôn ngữ bất đồng, các thành viên của các tổ chức này lại nói nhiều thổ ngữ khác nhau như tiếng Quan thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến... trong khi nhà chức trách có rất ít phiên dịch có thể tin cậy được. Thêm vào đó, các nạn nhân người Hoa bị tống tiền thường sợ không dám hợp tác với cảnh sát cũng như không dám ra làm chứng trước tòa. Vì vậy, ở Mỹ, người ta thường tạm giam các nhân chứng hoặc nạn nhân để họ khỏi biến mất trước khi phiên tòa được mở. Những nét đặc trưng châu Á này lại đi đôi với việc sử dụng những phương tiện hiện đại nhất. Các cuộc điều tra người Hoa ở Hà Lan cho thấy, họ rất cơ động và có một mạng lưới quan hệ hoàn hảo. Tổ chức này không chỉ hoạt động ở Hà Lan mà trên toàn châu Âu. Chuyên gia Willi van Mechelen trong Cục tội phạm có tổ chức của cảnh sát quốc gia Bỉ đã phải than vãn: "Chúng tôi không biết được gì về hoạt động của chúng nữa. Chúng tôi không còn tay trong ở tổ chức này. Tất cả đều đã chết!". Dù ở Soho của Luân Đôn, ở quận 13 của Pari, ở khu người Hoa tại Amxtécđam hay Rotterdam, ở Viên, ở Buđapét với tư cách là "thủ đô người Hoa ở châu Âu", hay ở các thành phố lớn của Đức như Frankfurt am Main, Hamburg, Munich, Béclin, dường như các nhà hàng Trung Hoa đều phải trả tiền bảo kê. Một nhà văn kể rằng ông nghe nói, nhà hàng nuôi càng nhiều cá thì phải trả tiền bảo kê càng nhiều, nên khi ông cố tình đếm cá trong bể để khiêu khích thì chủ nhà hàng phát hoảng. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi một vị khách đến một quán Trung Hoa ở Munich-Soelln, tình cờ biết được chủ quán phải nộp tiền bảo kê đã báo với cảnh sát, ít lâu sau, khi vị chủ quán này sang Hồng Công thì bị đánh chết.


Mặc dù các hội Tam Hoàng hoạt động kín đáo và những người liên quan phải tuyệt đối giữ im lặng, người ta vẫn biết chung chung về hoạt động buôn người trong nhiều năm, tham nhũng, rửa tiền, bắt nộp tiền bảo kê, đánh bạc bất hợp pháp và buôn bán ma túy. Chúng cũng không ngần ngại đe dọa giết người. Để đưa lậu người vào châu Âu, chúng hào phóng quyên tặng để xây dựng quan hệ, mua chuộc các công chức tham nhũng để hợp pháp hóa giấy tờ cho những người nhập cư bất hợp pháp. Tại nhiều nhà hàng Trung Hoa, bên trên thì ăn uống bình thường, nhưng dưới nhà hầm là các trò đánh bạc bất hợp pháp và ở phòng bên phân phối ma túy (có trường hợp ma túy được giấu trong các quả bóng bàn).

Các chuyên gia cho rằng phải có một sự hợp tác tích cực trên bình diện quốc tế mới có thể đấu tranh có hiệu quả chống lại tội phạm có tổ chức ở châu Á. Vì vậy, xuất phát từ thành công của mô hình EUROPOL (Cảnh sát châu Âu) tại một hội nghị của UNAFEI (Viện châu Á và Viễn Đông của LHQ về ngăn ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội) tại Fuchu (Nhật Bản) năm 2000, các chuyên gia đã đề nghị thành lập ASIAPOL cho châu Á để thúc đẩy nhanh chóng việc liên lạc giữa các cơ quan điều tra trên toàn thế giới.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo Đức)