06:08 13/06/2012

Bí mật đồng xu rỗng: Kỳ 2: Lời khai của kẻ phản bội

Từ những lời khai của kẻ đào tẩu Hayhanen, FBI đã dần lần ra một mạng lưới điệp viên của Liên Xô hoạt động tại Mỹ…

Từ những lời khai của kẻ đào tẩu Hayhanen, FBI đã dần lần ra một mạng lưới điệp viên của Liên Xô hoạt động tại Mỹ…

 

Đội lốt công dân Mỹ


Eugene Nicolai Maki sinh ngày 30/5/1919 ở thành phố Enaville, bang Idaho, Mỹ. Mẹ anh cũng được sinh ra ở Mỹ, nhưng cha anh là người Phần Lan chuyển sang Mỹ sống từ năm 1905. Bố mẹ của Eugene Maki rất ấn tượng với những thông tin về điều kiện sống tốt đẹp ở nước Nga mới. Họ bán hết tài sản và rời trang trại ở bang Idaho đến New York để xuống tàu sang châu Âu.


Sau khi rời bỏ nước Mỹ, gia đình Maki định cư ở Extônia. Năm tháng trôi đi, những kỷ niệm của gia đình Maki cũng dần nhạt phai. Tuy nhiên, ở Mátxcơva, các kế hoạch đang được thực thi để dựng lên một nhân vật Eugene Maki “mới”.


 

 
 

Con bulông rỗng ruột trước và sau khi được mở ra.

 

Từ tháng 7/1949 đến tháng 10/1952, Hayhanen sống ở Phần Lan và tạo dựng danh tính của mình là Eugene Maki, được sinh ra ở Mỹ. Trong giai đoạn này, Hayhanen luôn thận trọng tránh không gây sự chú ý - cấp trên muốn Hayhanen khoác lên mình vỏ bọc của một công dân bình thường, chăm chỉ làm ăn. Lẽ dĩ nhiên, động thái tạo vỏ bọc này chỉ là một phần của Hayhanen cho một điệp vụ phản gián mới.


Trong thời gian hoạt động ở Phần Lan, Hayhanen gặp gỡ và kết hôn với Hanna Kurikka. Anh ta cẩn thận giấu kín thân phận của mình đến mức thậm chí cả người vợ cũng chỉ biết chồng mình là Eugene Maki.


Ngày 3/7/1951, Hayhanen - lúc đó đang sống ở thành phố Turku (Phần Lan) - đến tòa lãnh sự Mỹ ở thủ đô Henxinki. Anh ta xuất trình tờ giấy khai sinh do chính quyền bang Idaho cấp, trong đó chứng thực rằng anh ta sinh ngày 30/5/1919 ở Enaville. Trước sự hiện diện của Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ, anh ta làm một tờ khai trong đó lý giải rằng gia đình anh ta đã rời Mỹ vào năm 1928:


“Tôi đi theo mẹ đến Extônia lúc mới được tám tuổi và sống cùng mẹ cho đến tận lúc bà qua đời năm 1941. Tháng 6/1943, tôi chuyển đến Phần Lan và bị kẹt lại tại đây do không có đủ tiền để quay về Mỹ”.


Một năm sau, vào ngày 28/7/1952, Hayhanen nhận được hộ chiếu dưới cái tên Eugene Maki. Với tấm hộ chiếu này, ngày 16/10/1952, anh ta lên con tàu Queen Mary ở cảng Southhampton (Anh) và đến thành phố New York vào ngày 21/10/1952.


 

Công viên Fort Tryon - một trong những địa điểm đặt hòm thư chết.

 

Vài tuần trước khi sang Mỹ, Hayhanen được gọi trở lại Mátxcơva và giới thiệu với một điệp viên Liên Xô tên là “Mikhail”. Đây là người chỉ huy của Hayhanen trên đất Mỹ. Để liên lạc với “Mikhail” ở Mỹ, Hayhanen được hướng dẫn sau khi đến New York, Hayhanen sẽ phải đến chỗ quán rượu trong công viên trung tâm. Ở gần quán rượu, anh ta sẽ trông thấy một tấm biển đề dòng chữ “Xe ngựa”.


“Anh sẽ báo cho Mikhail biết anh đã đến bằng cách đặt một cái đinh rệp (đinh ấn) màu đỏ vào trên tấm biển này”, một chỉ huy hướng dẫn anh. “Nếu anh nghi ngờ mình đang bị theo dõi, hãy đặt một cây đinh rệp màu trắng lên trên tấm biển này”.

 

5 năm sau


Thông tin mà Hayhanen cung cấp cho các quan chức của Mỹ ở Pari (Pháp) hồi tháng 5/1957, nhằm mục đích đào tẩu sang phía Mỹ, đã nhanh chóng được kiểm tra. Mỹ không một chút nghi ngờ về độ chính xác của những thông tin này. Sau đó, Hayhanen được đưa lên máy bay để quay trở lại nước Mỹ.


Sau khi đến New York hôm 10/5/1957, Hayhanen được kiểm tra sức khỏe, bố trí nơi ăn ở và sẵn sàng gặp các đặc vụ FBI để khai báo chi tiết.


Anh ta khai, từ mùa thu năm 1952 đến tận đầu năm 1954, “Mikhail” là chỉ huy mạng lưới gián điệp của Liên Xô ở New York. Họ chỉ gặp nhau mỗi khi cần thiết và địa điểm gặp mặt là ga tàu điện ngầm Prospect Park. Để trao đổi các bức điện và tin tức tình báo, họ sử dụng các “hòm thư chết” - những nơi che giấu kín đáo - ở địa bàn New York như một hàng rào làm bằng cọc sắt ở cuối đại lộ số 7 gần cầu Macombs hay chân đế của một cột đèn trong công viên Fort Tryon.


Ở một trong những “hòm thư chết” mà Hayhanen đề cập đến - một lỗ trong một bậc lên xuống làm bằng bê tông trong công viên Prospect Park, các đặc vụ FBI tìm thấy một con bulông bị rỗng bên trong. Con bulông này dài khoảng 5 cm và có đường kính hơn 0,6 cm. Nó đựng bức điện đánh máy có nội dung như sau:


“Không ai đến gặp vào hôm mùng 8 hoặc mùng 9... như tôi đã được thông báo anh ấy nên đến. Tại sao? Liệu anh ấy đứng ở bên trong hay bên ngoài? Hay nhầm thời gian? Địa điểm dường như là đúng. Đề nghị kiểm tra lại”.


Con bulông được phát hiện hôm 15/5/1957. Nó được đặt trong “hòm thư chết” khoảng hai năm trước, nhưng do vô tình một người thợ sửa chữa đã lấp cái lỗ ở chỗ bậc lên xuống bằng ximăng, vùi con bulông cùng với bức điện trong đó.


Khi được hỏi về con bulông rỗng ruột, Hayhanen trả lời rằng những nơi cất giấu “khôn ngoan” như thế này thường được các mạng lưới gián điệp sử dụng. Trong số những đồ vật mà Liên Xô trang bị cho anh ta gồm có bút máy, bút chì, đinh ốc, các thỏi pin và đồng xu đều bị rỗng bên trong - trong một số trường hợp chúng còn có từ tính để có thể hút chặt vào các vật kim loại.


Đình Vũ (tổng hợp)

 

Đón đọc kỳ 3: Truy tìm điệp viên “Mikhail”