12:10 07/12/2010

Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ 1)

Martin Luther King (15/1/1929-4/4/1968) đã hiến trọn cuộc đời ngắn ngủi của mình cho cuộc đấu tranh vì các quyền lợi của người da đen trong xã hội đầy rẫy bất công và thị phi của nước Mỹ trong những năm sau Thế chiến thứ 2.

Martin Luther King (15/1/1929-4/4/1968) đã hiến trọn cuộc đời ngắn ngủi của mình cho cuộc đấu tranh vì các quyền lợi của người da đen trong xã hội đầy rẫy bất công và thị phi của nước Mỹ trong những năm sau Thế chiến thứ 2. Các phong trào phản đối theo nguyên tắc bất bạo động do vị mục sư da đen này lãnh đạo đã gây được tiếng vang lớn trên chính trường nước Mỹ vào những năm 1950 và 1960. Và như một quy luật, ông trở thành mục tiêu ám sát của các thế lực phân biệt chủng tộc và điều tồi tệ đã xảy ra vào một ngày đầu tháng 4/1968. Cho dù kẻ thủ ác đã bị bắt và bị kết án nhưng dư luận cho rằng vẫn còn rất nhiều uẩn khúc đằng sau vụ ám sát King. Vậy những kẻ đứng đằng sau vụ sát hại nhân vật đã đi vào lịch sử nước Mỹ này là ai?

Kỳ 1: Trọn đời đấu tranh vì nhân quyền

Ngay từ thủa niên thiếu, Martin Luther King đã phải chứng kiến và cũng từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc đã ngấm sâu trong xã hội Mỹ. Chính vì vậy, ngay từ thời sinh viên King đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, những cuộc đấu tranh bộc phát lúc đó không đem lại nhiều hiệu quả mà thậm chí còn tạo ra những cái cớ cho các cuộc xung đột sắc tộc giữa những người da trắng và da đen. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vào thời kỳ những năm 1950 liên tục lan rộng ở khu vực miền nam nước Mỹ. Các vụ hành hung người da đen liên tục xảy ra khiến cho cuộc sống của những người gốc Phi trở nên “ngột ngạt” hơn bao giờ hết.

Martin Luther King tại cuộc biểu tình lịch sử ở thủ đô Oasinhtơn, nơi ông đã có bài diễn văn bất hủ "Tôi có một giấc mơ".

Năm 1954, sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ triết học tại trường Đại học Boston (trước đó đã có bằng cử nhân thần học), King trở thành linh mục của nhà thờ Baptist ở Montgomery và ông chính thức theo đuổi cuộc đấu tranh vì quyền lợi của những người da đen nhưng trên nguyên tắc bất bạo động. Cuối năm đó, khi xảy ra vụ một phụ nữ da đen bị cảnh sát bắt giữ vì từ chối nhường chỗ cho một người đàn ông da trắng trên xe buýt theo một đạo luật có tính phân biệt chủng tộc của thành phố Montgomery, King đã khởi xướng một chiến dịch tẩy chay xe buýt với sự hỗ trợ của Edgar Nixon, Giám đốc Hiệp hội Quốc gia vì sự phát triển của những người da màu, và cộng đồng người da đen ở Montgomery cũng như nhiều thành phố khác ở nước Mỹ. Chiến dịch tẩy chay kéo dài trong 382 ngày và trong suốt thời gian đó, những người da đen kiên quyết không sử dụng xe buýt bất chấp những hành động mang tính khủng bố của những nhóm phân biệt chủng tộc da trắng. Cũng trong thời gian này, King đã bị bắt giam với cáo buộc gây bạo loạn xã hội nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản hơn 40.000 người da đen ở Montgomery hàng ngày đi bộ, có khi tới 30 km, để tới các công sở làm việc. Cuộc đấu tranh đầu tiên của King cuối cùng cũng tạo được tiếng vang và buộc Tòa án Tối cao Mỹ phải ra quyết định thừa nhận những quy định mang tính phân biệt chủng tộc ở Montgomery là bất hợp pháp và yêu cầu chính quyền thành phố này phải chấm dứt các hành động tương tự. Một trong những thành công của King trong cuộc đấu tranh này là không bao giờ sử dụng bạo lực như một biện pháp gây sức ép với chính quyền. Thậm chí ngay cả khi những người da trắng bao vây nhà của ông với các loại vũ khi tự tạo để đập phá thì ông cũng chỉ đáp lại bằng những lời nói đầy đanh thép: “Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động trả đũa... Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận”.

Mục sư Luther King dẫn đầu một cuộc tuần hành phản đối các quy định phân biệt chủng tộc tại thành phố Montgomery.

Cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da đen không chỉ dừng lại ở đó khi ông quyết định tham gia thành lập Hội nghị lãnh đạo cơ đốc giáo miền nam (SCLC) vào năm 1957 với mục đích đưa các nhà thờ của người Mỹ gốc Phi tham gia đấu tranh nhân quyền thông qua các hoạt động phản đối bất bạo động. King nhận ra rằng các hoạt động nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các bang miền nam sẽ thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông và sẽ tạo ra một làn sóng ủng hộ ở nhiều nơi. Chính vì vậy, các bài viết trên báo chí và những hình ảnh trên truyền hình về cuộc sống luôn bị ngược đãi của người da đen miền nam đã trở thành nhân tố quyết định giúp Phong trào Dân quyền Mỹ trở thành tâm điểm của công luận của nền chính trị nước Mỹ trong những năm đầu của thập niên 1960.

Chiếc xe buýt xảy ra tranh chấp giữa một phụ nữ da đen và một người đàn ông da trắng, khởi nguồn cho các cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da đen do Luther King khởi xướng.

King đã tổ chức và dẫn đầu các cuộc biểu tình tranh đấu cho người da đen quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác để rồi những quyền này đã được ghi trong luật pháp nước Mỹ khi Luật về Quyền Dân sự được thông qua năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử được thông qua năm 1965. Do có những quyết định chính xác khi chọn phương pháp và địa điểm để tổ chức các cuộc phản kháng cùng chiến lược phối hợp tốt, King và SCLC đã ứng dụng thành công các nguyên tắc bất bạo động trong các chiến dịch phản đối các đạo luật mang tính phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, đôi khi các cuộc đối đầu lại biến thành những vụ bạo động do những đối sách cứng rắn của chính quyền địa phương, cũng như sự kích động của các nhóm da trắng phân biệt chủng tộc.

Năm 1963, tổ chức SCLC do King đứng đầu đã kết hợp với một loạt các tổ chức đấu tranh vì nhân quyền khác ở Mỹ thực hiện một cuộc diễu hành rầm rộ tới Oasinhtơn với mục tiêu đấu tranh vì việc làm và tự do. Những người biểu tình đã đưa ra yêu cầu chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc trong công tác tuyển dụng, sự kỳ thị tại các công sở và sự bạo hành của cảnh sát đối với người da màu. Cuộc tuần hành đã tạo được tiếng vang lớn khi có tới hơn 250.000 người tham gia và tên tuổi của King đã vươn lên một tầm cao mới khi ông có bài diễn văn bất hủ "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) ngay ở Đài tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Oasinhtơn.

Những hoạt động đấu tranh không biết mệt mỏi vì quyền lợi của người da đen là tiền đề giúp King trở thành một trong những người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964 nhưng đó cũng là lý do ông trở thành một trong những mục tiêu của các thế lực phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ. Hàng loạt những âm mưu nhằm ngăn chặn tiếng nói và tầm ảnh hưởng của King đã được lên kế hoạch và rồi một ngày…

Minh Hương (Tổng hợp)