01:11 20/01/2011

"Bi kịch" đến từ những cuộc tình...

Rất nhiều người đã từng hỏi, không hiểu ý tưởng ở đâu mà Di Li có thể viết nhiều như thế. Một năm có thể xuất bản vài cuốn truyện ngắn, chưa kể cho ra mắt truyện dịch nữa. Nhưng Di Li thì lý giải rất đơn giản.

Rất nhiều người đã từng hỏi, không hiểu ý tưởng ở đâu mà Di Li có thể viết nhiều như thế. Một năm có thể xuất bản vài cuốn truyện ngắn, chưa kể cho ra mắt truyện dịch nữa. Nhưng Di Li thì lý giải rất đơn giản.


Với cô, những tứ truyện nhiều khi xuất hiện từ câu chuyện bất kỳ nào đó với bất cứ một người nào, từ suy ngẫm trước mọi việc xung quanh; hoặc căn cứ trên những tình huống cụ thể; và đôi lúc cũng là sự nhặt nhạnh nữa.

Cô kể rằng, bất cứ một sự việc hay tình huống cụ thể nào, thậm chí là một câu nói bông đùa của ai đó, đều có thể cho cô ý tưởng để sáng tác. Chẳng hạn, khi viết truyện ngắn “Hai người trên hoang đảo”, câu chuyện rất nhiều người thích, ý tưởng chỉ đơn giản thế này: “Tôi thấy người ta rất hay nói rằng, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nhưng tôi thì cho rằng điều ấy không phải lúc nào cũng đúng.


Bởi nếu hai người không có cảm tình với nhau từ đầu thì dù có nhốt họ trên một hoang đảo thì cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế là tựa đề “Hai người trên hoang đảo” hiện ra rất rõ ràng và tôi nghĩ mình sẽ chứng minh điều đó.


Việc còn lại chỉ là mình sẽ đẩy chuyện đấy đi theo cách như thế nào”, Di Li cho biết. Và câu chuyện ấy đã được cô viết rất thú vị. Hai người bị dạt lên một hoang đảo, một đàn ông, một đàn bà. Họ đã có lúc phải phân chia lãnh địa, tích trữ lương thực, đổi chác chi li như những bà nội trợ khó tính; và đến khi được giải cứu, họ cảm thấy thật sung sướng khi “thoát” khỏi nhau, chàng làm dấu a men quay đầu, nàng a di đà phật coi như thoát kiếp nạn. Một câu chuyện lô gíc và đầy hài hước.

Hay trong truyện ngắn “Chiếc ấm sôi trên bếp ga” cũng vậy. “Từ quan sát các cặp vợ chồng, nhiều lúc tôi tự hỏi, người ta vẫn sống với nhau hàng ngày, nhưng không có bất cứ đam mê nào về nhau, mỗi ngày về nhà nói với nhau một vài câu, một ngày diễn ra ngần ấy thứ, họ có cảm thấy hài lòng về điều đó? Và giả sử người ta muốn thoát ra thì cũng không có lý do gì để thoát ra cả; thì đấy là một bi kịch”.

Cũng theo cô, trước đây nhiều nhà văn hay sử dụng môtíp: Các ông chồng là nghệ sĩ, nhà thơ hay mơ mộng, bà vợ là con buôn, về nhà nói chuyện với nhau không hợp thì bi kịch đấy nó quá rõ ràng. Hay là, hai người thuộc hai kênh khác nhau, hay cãi vã, thậm chí có một người thứ ba - một cuộc ngoại tình thì bi kịch rất rõ ràng. Nhưng bi kịch kinh khủng hơn, mà cô nghĩ nó thường xảy ra ở những quốc gia phát triển mà mình bây giờ cũng đang bắt đầu có những gia đình cũng rơi vào tình trạng đơn điệu như thế, nhàm chán như thế mà không biết phải thay đổi bằng cách nào”. Và “Chiếc ấm sôi trên bếp ga” hình thành.

Câu chuyện đơn giản nhưng chặt chẽ, logíc, mọi thứ đều rất có lý, được Di Li miêu tả kỹ đến từng chi tiết: Đấy nhé, chẳng có gì giữa hai người mà họ không còn biết về nhau.


Chàng mỗi buổi tối đều cùng nàng ngồi bên bếp sưởi, chàng trong lúc chờ nàng đun nước pha trà có thể đếm từng mốc thời gian nàng sẽ làm gì, khi nào thì đặt ấm lên bếp, khi nào thì nước sôi, khi nào thì nàng sẽ bỏ trà vào tráng ấm, rót nước ra sẽ nói câu gì… Nàng cũng vậy, đều thuộc lòng những câu nói của chàng, hành động của chàng, thuộc đến mức tính được cả thời gian bao lâu thì chàng hôn lên má mình một lần…

Cô tư duy về ngôn từ rõ ràng, văn phong vững vàng, rõ ràng. Cô nói, từ nhỏ, môn ngữ pháp tiếng Việt đã được mình rất yêu thích. Sau này, lại được rèn luyện rất bài bản theo cách của riêng mình. Cô nói, đọc là một cách học rất hiệu quả và cô đọc rất nhiều. Nhiều thứ đã được cô học từ cách đọc như thế.

Khi đọc một bài báo của một ông nhà báo người Mỹ viết về sự phát triển của Dubai, Di Li đã nhớ mãi một câu trong bài báo ấy, mà cô cho rằng rất nhiều nhà báo, nhà văn của mình không viết được. Đấy là khi ông ấy viết về sự phát triển của Dubai. Nếu là người khác khi viết về sự phát triển của Dubai sẽ phải viết rất dài dòng, năm này Dubai thế này, nhà cửa, cao ốc phát triển thế kia.


Nhưng mà tác giả ấy, sau vài dòng mô tả về Dubai hiện đại thế nào qua lăng kính của mình (và cũng chỉ vài câu mô tả thôi cũng đã thấy Dubai phát triển như Mỹ rồi); thì dẫn chứng rằng “Sau đó tôi đi vào Viện Bảo tàng của Dubai và nhìn thấy một bức ảnh của Dubai 30 năm về trước, khi ấy Dubai chỉ là một sa mạc cát trắng và trên con đường mòn giữa sa mạc có một đàn lạc đà đang đi”.

“Như thế, không cần bình luận bất cứ một câu nào cả, người ta đã có thể hình dung sự phát triển ấy như thế nào và ở mức độ nào. Và tôi nhận ra rằng, một người viết tốt là không bình luận, chỉ đưa ra hiện tượng, sự kiện, kể cả khi viết báo. Tất nhiên mỗi người có một cách viết, nhưng đấy cũng là một cách mà tôi cho rằng vô cùng hiệu quả”, Di Li khẳng định.

Vì thế, không ít người khi nhận xét về cô trên báo hay các cuộc tọa đàm cũng đều nói rằng Di Li khi viết thì men theo sự kiện và đưa ra hiện tượng miêu tả chứ không bình luận, không nhảy xổ vào nhân vật.

Và cũng bởi “tuân theo” cách viết ấy, mà Di Li rất thích phong cách của nhà văn Tô Hoài, dù chị đọc văn của Tô Hoài không nhiều. Ông luôn là người đưa ra sự kiện, hiện tượng và viết bằng cái giọng thản nhiên không bình luận, nhưng trong đó có đủ hỉ nộ ái ố mà người ta có thể cảm nhận được; giống như người quay phim đưa ra các thước phim và người xem có thể cảm nhận được hết qua các thước phim chứ không phải qua lời bình, lời thoại. Nhà văn Tô Hoài viết với văn phong như kiểu tung hứng ngôn ngữ, thể hiện rất sinh động, chất liệu đời sống rất sinh động.

Di Li cũng rất ngưỡng mộ những người có cách viết hài hước, bởi số người viết được theo văn phong ấy không nhiều, ngay cả ở trên thế giới chứ chưa nói gì đến văn học trong nước.

Nhật Hạ