12:22 04/12/2011

Bi hài chuyện cho con học trường “quốc tế” - Bài 1: Nhập nhèm giữa “trường dân lập” và “trường quốc tế”

Chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con đi học, mong hưởng chất lượng giáo dục “quốc tế” nhưng nhiều phụ huynh có con học tại trường Tiểu học dân lập Thế giới trẻ thơ (Hà Nội) do Công ty cổ phần trường tư thục quốc tế KinderWorld Việt Nam đầu tư, đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con đi học, mong hưởng chất lượng giáo dục “quốc tế” nhưng nhiều phụ huynh có con học tại trường Tiểu học dân lập Thế giới trẻ thơ (Hà Nội) do Công ty cổ phần trường tư thục quốc tế KinderWorld Việt Nam đầu tư, đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hậu quả do “lầm tưởng”?

Trong đơn đề nghị gửi đến báo Tin Tức, 15 phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Dân lập Thế giới trẻ thơ cho biết: Con họ được hưởng một chất lượng giáo dục không như trường quảng cáo. Được biết, mỗi năm những phụ huynh này phải chi tới hơn 80 triệu đồng cho cháu học mẫu giáo, và gần 200 triệu đồng/năm cho con học tiểu học.

Một phiếu đóng góp tiền của phụ huynh học sinh của trường Tiểu học dân lập Thế giới trẻ thơ.


Chị Nguyễn Thị Thơm hiện đang có hai con theo học tại trường và một cháu nhỏ đang học hệ thống mẫu giáo của trường bức xúc: “Lâu nay chúng tôi vẫn tưởng con mình đang được học trong hệ thống giáo dục của Xinhgapo, sau khi hết tiểu học có thể chuyển sang bất cứ trường công lập nào của Xinhgapo hoặc nước nào nằm trong hệ thống của SIS - từ viết tắt của trường Quốc tế Xinhgapo. Nhưng trong cuộc họp phụ huynh ngày 22/11 vừa qua, chúng tôi mới vỡ lẽ không phải như vậy. Con chúng tôi đang được học trường dân lập và thậm chí đến nay chúng tôi cũng mới nghe đến cái tên Tiểu học dân lập Thế giới trẻ thơ và tấm biển tên trường cũng chỉ mới được gắn ở cổng”. Trong bảng một phiếu chi học phí năm học 2011 – 2012, chị Nguyễn Thị Thơm phải đóng mức 145.472.000 đồng cho con gái đang học lớp 4; 131.233.000 đồng cho con trai đang học lớp 2. Chưa kể những khoản phụ phí khác.

Chị Thơm dẫn chứng, trong quảng cáo về trường có nói rất chung chung như học hết lớp 6 sẽ thi lấy chứng chỉ để vào một trường tại Xinhgapo nên phụ huynh nghĩ đây là trường quốc tế. Thêm vào đó, những văn bản giấy tờ hay hợp đồng giữa phụ huynh và nhà trường đều bằng tiếng Anh. Gần đây, sau khi phụ huynh góp ý nhiều lần trường mới có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

Những phụ huynh có “thâm niên” cho con theo học ở trường đều giãi bày về sự hiểu nhầm này, bởi “bất kỳ một hóa đơn, chứng từ hay tờ rơi nào do trường phát ra đều ghi là SIS - từ viết tắt của trường quốc tế Xinhgapo. “Chẳng lẽ chúng tôi lại nhầm tưởng đến 5 - 6 năm? Trong cuộc họp với trường vào ngày 22/11, tôi có hỏi về việc sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Việt Nam con chúng tôi có đảm bảo qua kỳ thi đấy không thì đại diện trường chỉ nói là sẽ tạo điều kiện để con chúng tôi có thể tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ, còn đỗ hay không tùy thuộc vào năng lực của các con. Lúc này tôi có hỏi tiếp là tốt nghiệp tiểu học ở Việt Nam, khi sang Xinhgapo trình độ của con tôi tương đương lớp mấy thì nhà trường cũng chỉ trả lời tùy thuộc năng lực của con”, chị Thơm cho biết thêm.

Ngồi nhầm lớp?

Nhưng có lẽ điều làm các phụ huynh bức xúc nhất chính là chất lượng giáo dục. Chị Đàm Thùy Dương cho hay: “Con tôi đang học lớp 2 của trường Tiểu học dân lập Thế giới trẻ thơ nhưng ngay cả phép tính đơn giản như “6 + 4 bằng bao nhiêu?” cháu cũng không biết. Ở lớp của con tôi, tình trạng đọc chưa thông, viết chưa thạo, chữ như “gà bới” và chưa làm được nhiều phép tính xảy ra với nhiều cháu. Không phải cháu nhà tôi có biểu hiện tự kỷ hay tăng động giảm trí nhớ mà nhiều bạn bè của cháu ở lớp cũng ở vào tình trạng tương tự. Vì khi thi vào trường họ đều có đợt tuyển sinh kiểm tra IQ (trí thông minh)”.

Chị Dương cùng một số phụ huynh khác khẳng định: “Tại trường không có tình trạng đúp lớp. Tôi có thể khẳng định gần như 100% học sinh ở trường đều phải đi học thêm ở ngoài. Kiến thức con chúng tôi học được là từ việc học thêm chứ không phải từ nhà trường”.

Trả lời báo Tin Tức, cơ quan chịu trách nhiệm cũng như liên quan gần như phủ nhận những điều phụ huynh phản ánh, trong đó có những vấn đề họ từ chối trả lời vì phải… xem xét. Còn nhà trường cho rằng, mọi chuyện là do phụ huynh hiểu lầm.

Buồn bã về thực trạng này, anh Cường (phụ huynh của cháu Minh Thuận và Hải Yến học tại cơ sở Vạn Bảo) chia sẻ: “Thực chất những năm đầu mới thành lập, chất lượng giáo dục của trường rất tốt. Vì vậy ngày càng nhiều phụ huynh gửi con. Nhưng càng ngày chất lượng của trường càng kém. Năm ngoái, lớp của con tôi thay tới 4 giáo viên, cứ cô sau lại kém trình độ hơn cô trước. Có thời điểm chưa có giáo viên đến thay, cô trợ giảng cũng lên làm cô dạy chính. Khi được hỏi cô giáo đang dạy tốt tại sao nghỉ, cô nói rằng vì lương thấp nên đi”.

Dù chán ngán nhưng nhiều phụ huynh cho rằng, không thể cho con ra trường công lập hoặc dân lập của Việt Nam học được bởi con em họ khó có thể theo kịp với các bạn cùng trang lứa. Còn nếu tiếp tục để con theo học thì cảm thấy lo lắng.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, bố của cháu Nguyễn Hoài Cỏ May tâm sự: “Khi cho con học ở môi trường này tôi mong cháu sẽ có những kiến thức tốt về kỹ năng sống. Nhưng yêu cầu tối thiểu cháu cũng không thể đạt được, nói năng thì cộc lốc, trống không. Có lẽ trường đang khai thác tâm lý sùng ngoại của người Việt khiến mọi người đều lầm tưởng có đội ngũ giáo viên quốc tế thì yên tâm về chất lượng giáo dục”.

Cơ sở vật chất bất cập

Lượng tuyển sinh của trường ngày một đông lên, cơ sở vật chất không hề mở rộng thêm nhưng năm nào phụ huynh cũng phải đóng 1.000 đô la Mỹ tiền cơ sở vật chất, khiến phụ huynh bức xúc.

Trong đơn đề nghị gửi báo Tin Tức, các phụ huynh nêu: “Khu nhà ăn của trường không đảm bảo diện tích nên giờ ăn phải chia 3 ca, mỗi ca học sinh đều phải xếp hàng, chờ đợi đến lượt nên thời gian thực tế cho bữa trưa quá ngắn. Có khối lớp học sinh ăn quá sớm hoặc quá muộn nên bị đói hoặc chưa kịp ăn đã phải nhường chỗ cho ca tiếp theo và không đủ thời gian nghỉ ngơi”.

Còn chị Phạm Thanh Hương vừa phải chuyển con khỏi hệ mầm non của trường vì cơ sở vật chất quá xuống cấp. Phụ huynh này cho hay: “Cháu nhà tôi 18 tháng tuổi, được học ở trong phòng 18 m2 với sức chứa 12 người (kể cả cô giáo). Phòng không có cửa sổ nhưng lại để cả đồ chơi, tủ đựng giày dép. Thậm chí trường còn tận dụng sân thượng tầng 3 không có mái che, hàng rào đủ tiêu chuẩn để làm sân chơi cho các cháu. Tôi đề nghị nhưng trường nói không thể thay đổi. Vì an toàn của con nên tôi đành cho con nghỉ học”. Trong khi đó, chị Phan Linh Cẩm có con đang học tại cơ sở Vạn Bảo cho biết, do cơ sở này mở hệ thống nhà hàng nên ngày ngày học sinh phải đi học qua cầu thang thoát hiểm.

Lê Vân

Bài cuối: Trường dân lập có chương trình liên kết quốc tế