10:13 17/10/2010

BHYT cho người bị tai nạn giao thông “rối như tơ vò”

Đã 1 năm trôi qua kể từ khi Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực, vẫn chưa có “cơ quan có thẩm quyền” nào đứng ra nhận trách nhiệm xác nhận về việc người bị tai nạn giao thông có vi phạm pháp luật về giao thông hay không.

Đã 1 năm trôi qua kể từ khi Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực, vẫn chưa có “cơ quan có thẩm quyền” nào đứng ra nhận trách nhiệm xác nhận về việc người bị tai nạn giao thông có vi phạm pháp luật về giao thông hay không. Người bệnh vì vậy vẫn đang phải dốc tiền túi trả các khoản viện phí mà đáng nhẽ quỹ bảo hiểm y tế phải thanh toán.

Chậm “gỡ rối”

“Sau 1 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, trong đó có vấn đề thanh toán cho các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) do khó khăn trong việc xác định tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông”, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT thừa nhận tại buổi gặp mặt báo chí nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (BHYT), do Bộ Y tế tổ chức sáng 28/6, tại Hà Nội.

Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-TC ngày 14/8/2009 của liên bộ Y tế - Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật BHYT đã quy định: Để được thanh toán BHYT, người bệnh cần phải xin được giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền (nhưng vướng mắc ở chỗ, các nhà quản lý “quên” không quy định rõ "cơ quan có thẩm quyền" là cơ quan nào). Ngoài ra, tại khoản 3, điều 8, Thông tư 09 còn nêu: “Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến BHXH để thanh toán theo quy định”.

Trước những quy định này, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã lên tiếng: Cách quy định trên dẫn đến sự hiểu nhầm là trách nhiệm này thuộc về “người bệnh”, gây phiền hà và bế tắc cho người hưởng BHYT. Đồng thời, không phải lúc nào cơ quan có thẩm quyền cũng có thể kết luận có hay không vi phạm pháp luật về giao thông. Nếu áp dụng quy định trên thì sẽ có nhiều trường hợp người bị tai nạn giao thông không được hỗ trợ hoặc thanh toán BHYT ngay cả khi họ không vi phạm pháp luật.

Tháng 4/2010, sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có văn bản kiến nghị liên bộ Tài chính - Y tế tiến hành tự kiểm tra, “xử lý” Thông tư 09 để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, đại diện Bộ Y tế vẫn kiên quyết cho rằng quy định trên là đúng luật và không hề gây khó cho người bệnh. Chỉ tới khi Bộ Tư pháp “tuýt còi” lần thứ 2 (tháng 6/2010), Bộ Y tế mới “chủ trì” các cuộc họp và đưa ra hướng giải quyết mới. Đó là người bị TNGT sẽ không phải đi xin giấy chứng nhận không vi phạm pháp luật về giao thông. Trách nhiệm hoàn tất thủ tục về giấy tờ sẽ do một cơ quan chức năng đảm nhiệm.

Thêm một giải pháp bất khả thi

Bà Tống Thị Song Hương cho hay: “Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an vừa hoàn tất việc xây dựng dự thảo thông tư liên tịch về hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT bị TNGT. Hiện nay, dự thảo thông tư này đang trong giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành”.

Theo dự thảo này, người bị TNGT sẽ không phải đi xin giấy chứng nhận không vi phạm pháp luật về giao thông để nộp vào viện thì mới được thanh toán BHYT. Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ là nơi chịu trách nhiệm liên hệ với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý vụ TNGT để hoàn tất thủ tục giấy tờ, xác minh và giải quyết quyền lợi cho người bị TNGT.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Tin Tức về những quy định này, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định, việc quy định BHXH là nơi chịu trách nhiệm về việc lo giấy tờ xác minh người bị tai nạn giao thông có vi phạm luật an toàn giao thông hay không là rất khó khả thi. Cán bộ của ngành Bảo hiểm Việt Nam hoàn toàn không có chuyên môn về việc xác nhận các vi phạm TNGT. Ngoài ra, quy định “trường hợp xác định có vi phạm nhưng người bệnh đã ra viện thì BHXH thông báo với người bệnh và thu hồi khoản chi phí khám chữa bệnh mà quỹ BHYT đã thanh toán” cũng rất phức tạp, khó thực hiện.

“Thử hỏi, một bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt - Đức, mà quê ở Sơn La, sau khi ra viện mới có xác nhận là vi phạm pháp luật về giao thông thì chúng tôi lấy đâu ra người tìm đến tận quê họ thu hồi khoản tiền mà quỹ BHYT đã thanh toán? Nếu kiên quyết giao trách nhiệm này cho ngành BHXH thì cần có một quỹ riêng để bổ sung cho những khoản nợ khó đòi, không thu hồi được tiền từ những bệnh nhân vi phạm luật đã ra viện. Có như vậy mới không ảnh hưởng tới hoạt động BHYT cho các đối tượng khác”, ông Thảo đề xuất.

Như vậy, dù các cơ quan chức năng đã cố công đưa ra hướng điều chỉnh cho vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT bị TNGT, nhưng tính khả thi là không cao. Và từ nay cho đến khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra một biện pháp điều chỉnh phù hợp, sẽ tiếp tục còn nhiều người bệnh phải lo lắng, chịu thiệt thòi vì không được hưởng quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.