Đồng Nai khẩn trương thành lập Trạm Y tế lưu động và Tổng đài 'Thầy thuốc nhân ái'

Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ nay đến trước ngày 15/9, UBND và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố của tỉnh phải thành lập các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Nhóm chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chia thành các tổ đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức; tổ phối hợp thiết lập bệnh viện dã chiến; tổ thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực (ICU) tại Đồng Nai. Ảnh (minh họa): BYT

Sở Y tế đã giao cho Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn của tỉnh khẩn trương xây dựng, thiết lập các Trạm Y tế lưu động trình UBND huyện, thành phố phê duyệt. Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố làm đầu mối tổ chức các Trạm Y tế lưu động, tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho nhân sự của Trạm Y tế lưu động; đồng thời, chỉ đạo các Trạm Y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ theo phân công; trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; lập hồ sơ khám chữa bệnh của người dân gửi về Trạm Y tế cấp xã để tổng hợp chi phí khám chữa bệnh, lưu trữ.

Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế hướng dẫn cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên môn nghiệp vụ đối với hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm vaccine COVID-19, khám chữa bệnh của Trạm Y tế lưu động. Sở Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của Trạm Y tế lưu động.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi Trạm Y tế lưu động có ít nhất 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ địa phương khác. Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19, khám, điều trị và cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương triển khai Tổng đài “Thầy thuốc nhân ái” tư vấn sức khỏe và tâm lý từ xa (miễn phí) cho người dân theo đề nghị của Tỉnh Đoàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp Sở Y tế, Hội Y học tỉnh, Hội Thầy thuốc trẻ và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất phương án thực hiện và tổ chức triển khai phục vụ người dân, đảm bảo đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra; kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Y tế tổ chức kêu gọi lực lượng y tế đang làm việc và nghỉ hưu, các tổ chức hội quần chúng ngành Y tình nguyện tham gia Tổng đài “Thầy thuốc nhân ái” để hỗ trợ tư vấn sức khỏe và tâm lý từ xa (miễn phí) cho người dân trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Giấy đi đường ở Hà Nội - câu chuyện nhỏ, ảnh hưởng lớn
Giấy đi đường ở Hà Nội - câu chuyện nhỏ, ảnh hưởng lớn

Mặc dù có độ trễ 2 ngày so với thời điểm áp dụng sự phân tách vùng dịch tại Hà Nội (từ ngày 6/9), việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR vẫn gây nhiều tranh cãi, "khó" cho cả phía quản lý cũng như đối tượng được quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN