Cứu kịp thời 3 người bị tan máu do ngộ độc thức ăn ở Lạng Sơn

Chiều 9/8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công 3 người bị tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn gốc.

Chú thích ảnh
Hai bệnh nhân Lộc Thị Ch. (trái) và Hoàng Văn X. (xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Nạn nhân Hoàng Văn H. (xã Điềm He, huyện Văn Quan) bị ngộ độc sau khi ăn nấm. Hai nạn nhân còn lại (là hai mẹ con) gồm: Lộc Thị Ch. và Hoàng Văn X. (xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng) bị ngộ độc do hái cây cỏ tự nhiên về nấu nước lấy màu ngâm với gạo nếp để đồ xôi ăn. Đây là 2/4 trường hợp trong cùng một gia đình bị ngộ độc do ăn loại xôi nấu bằng nước cây cỏ lạ. Rất may chỉ có hai người bị nặng phải nhập viện điều trị, hai người còn lại ăn ít, bị nhẹ nên được theo dõi tại nhà.

Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông tin, khi mới nhập viện, các nạn nhân trên trong tình trạng vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm. Riêng Hoàng Văn X. có biểu hiện khó thở, buồn nôn kèm sốt rét run, đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng.

Qua quá trình thăm khám, xét nghiệm, đánh giá, bác sỹ kết luận đây là trường hợp ngộ độc do ăn các loại cây cỏ, thực vật không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng tan máu.

Vì vậy, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xử trí đảm bảo tuần hoàn, hô hấp, truyền máu, dùng thuốc đối kháng... Sau 6 ngày điều trị (từ ngày 29/7 - 3/8), các nạn nhân đã nhân ổn định sức khỏe, được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.

Theo bác sỹ Nguyễn Thành Đô, có nhiều nguyên nhân gây tan máu như: Khiếm khuyết hệ thống miễn dịch, bệnh lý tự miễn; do thuốc, ngộ độc thực phẩm, hóa chất. Việc phát hiện sớm, chính xác tình trạng tan máu giúp quá trình điều trị hiệu quả, tránh xuất huyết não và nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ quan chuyên môn địa phương vẫn chưa xác định loại cỏ đã được gia đình bà Lộc Thị Ch. sử dụng để tạo màu nước nấu xôi và chưa xác minh loại nấm ông Hoàng Văn H. ăn.

Qua vụ việc này, để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và bệnh liên quan đến thực phẩm, bác sỹ Nguyễn Thành Đô khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn, sử dụng các loại cây, cỏ, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến món ăn.

Khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời; không chủ quan ở nhà theo dõi, tự ý dùng thuốc khiến tình trạng bệnh tăng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Ám ảnh suốt đời từ bệnh tan máu bẩm sinh
Ám ảnh suốt đời từ bệnh tan máu bẩm sinh

Việt Nam có khoảng trên 14 triệu người mang gen bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Đây là con số đáng báo động khi đây lẽ ra là căn bệnh có thể phòng tránh được thế nhưng số ca mắc mỗi năm vẫn tăng dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN