Bác sĩ Đào Cảnh Tuất và hành trình 25 năm tiên phong khai mở nguồn lực y tế tư nhân

Từng là một bác sĩ phục vụ trong hệ thống y tế công lập, 25 năm trước, bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bệnh viện Vạn Phúc City, Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã mạnh dạn mở phòng khám tư nhân đầu tiên.

Ông cũng là người tiên phong đề xuất các chính sách về khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong các cơ sở y tế tư nhân, góp phần khẳng định sự ưu việt trong chính sách Bảo hiểm y tế của Nhà nước.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bệnh viện Vạn Phúc City, Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam. 

Giấc mơ chữa bệnh cứu người của người lính cụ Hồ

Năm 1982, trở về từ chiến trường Campuchia ác liệt, người lính Đào Cảnh Tuất bị thương nặng, phải điều trị hơn 6 tháng tại Bệnh viện Quân y 175. Những năm tháng sống giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết ở chiến trường, cùng với quãng thời gian được chăm sóc ở bệnh viện, đã khiến chàng trai trẻ ngày ấy nuôi giấc mộng trở thành bác sĩ để cứu người. Những ngày tháng trên giường bệnh, mặc dù vết thương đau đớn, nhưng ông vẫn nén đau, dồn hết sức mình để ôn thi vào trường Y. Trời không phụ lòng người, người lính trẻ Đào Cảnh Tuất đã thi đậu Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên Đào Cảnh Tuất nỗ lực không ngừng, trang bị kiến thức để trở thành một bác sĩ giỏi.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Đào Cảnh Tuất nhận công tác tại các bệnh viện công lập lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Nhân dân 115… Làm việc ở bệnh viện công lập được một thời gian ông nhận thấy chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Sự chênh lệch giữa cung và cầu trong chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, khoảng trống dịch vụ trong y tế gần như bị bỏ ngỏ.

“Nếu yên phận với vai trò là một bác sĩ điều trị ở bệnh viện công lập thì cùng lắm mỗi ngày tôi chỉ khám được 50 - 60 bệnh nhân. Nhưng nếu tôi có riêng một phòng khám, một bệnh viện, tôi có thể khám chữa bệnh cho hàng trăm, hàng nghìn người bệnh mỗi ngày”, bác sĩ Tuất tâm sự.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Vạn Phúc City với quy mô 300 giường bệnh dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2024. 

Khi ông quyết định làm y tế tư nhân, không ít người cười chê ông là “gàn dở”. Trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý cho y tế tư nhân phát triển, thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu nhân sự…, quyết định của bác sĩ Đào Cảnh Tuất lúc bấy giờ là vô cùng liều lĩnh. Thế nhưng, ông khao khát có được một bệnh viện của riêng mình, mở ra một hướng đi mới và hơn hết mang lại chất lượng khám chữa bệnh hiệu quả cho người bệnh, lấp đầy khoảng trống mà hệ thống y tế công lập chưa thể đáp ứng.

Đơn vị y tế tư nhân đầu tiên khoán Quỹ Bảo hiểm y tế

Năm 1998, rời Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Đào Cảnh Tuất quyết định đến Bình Dương - một địa phương có chính sách thông thoáng, cởi mở để mở phòng khám đa khoa tư nhân đầu tiên. Với chuyên môn tốt, phục vụ chu đáo, giá cả phù hợp, Phòng khám Đa khoa An Bình của ông thu hút số lượng lớn bệnh nhân là công nhân lao động. Lúc này ông nhận ra, công nhân là đối tượng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn, họ có môi trường làm việc nặng nhọc, thời gian eo hẹp do phải tăng ca quá nhiều. Dù có trong tay tấm thẻ Bảo hiểm y tế, nhưng hầu như công nhân không sử dụng đến do các bệnh viện công lập chỉ khám Bảo hiểm y tế theo giờ hành chính.

Ông đã gõ cửa rất nhiều cơ quan chức năng địa phương, thuyết phục lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Sở Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội… cho Phòng khám Đa khoa An Bình được khám bệnh Bảo hiểm y tế. Sau nhiều lần thuyết phục, năm 2000, Phòng khám Đa khoa An Bình là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên trên cả nước được khám bệnh Bảo hiểm y tế. Cũng từ đó, Phòng khám thu hút ngày càng đông người bệnh là công nhân lao động. Tiếp đó, bác sĩ Đào Cảnh Tuất thành lập Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước (năm 2006), Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1 (năm 2011), Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 (năm 2013).

Ở quy mô bệnh viện, các vấn đề khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế lại nảy sinh các bất cập, nhất là trong thanh quyết toán. Bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã trăn trở rất nhiều và ông mạnh dạn đề xuất xin được khoán Quỹ Bảo hiểm y tế theo đầu thẻ đăng ký tại bệnh viện. May mắn, ý tưởng táo bạo của ông được lãnh đạo tỉnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước trở thành đơn vị y tế tư nhân đầu tiên trong cả nước thí điểm khoán Quỹ Bảo hiểm y tế.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất kiểm tra hệ thống máy móc, trang thiết bị trước khi đưa vào vận hành Bệnh viện Vạn Phúc City.

Từ mô hình thí điểm hiệu quả của Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, đến năm 2010, Bộ Y tế đã triển khai khám Bảo hiểm y tế theo hình thức khoán Quỹ Bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhìn nhận, bác sĩ Đào Cảnh Tuất là người tiên phong, dám nghĩ, dám làm và làm rất hiệu quả. Lúc bấy giờ, những ý tưởng táo bạo của bác sĩ Tuất trong việc khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, chăm sóc sức khỏe công nhân lao động được đánh giá cao.   

Khác với những nhà đầu tư bệnh viện không có chuyên môn y tế, bác sĩ Đào Cảnh Tuất không đặt lợi nhuận lên hàng đầu mà chú trọng vào mục tiêu khám, chữa bệnh, phục vụ nhu cầu của người bệnh. Dù vẫn phải đối mặt với bài toán cân đối thu - chi, nhưng bác sĩ Đào Cảnh Tuất luôn để dành riêng một khoản quỹ nhỏ mua Bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân khó khăn. “Dù là bệnh viện tư, chúng tôi chưa bao giờ từ chối người bệnh, bất kể người bệnh nào đến với chúng tôi đều được cấp cứu, điều trị. Việc cứu người luôn phải được đặt lên trên hết, chuyện tiền bạc tính sau”, bác sĩ Tuất cho hay.

Những năm gần đây, trở lại Thành phố Hồ Chí Minh sau 25 năm, bác sĩ Đào Cảnh Tuất đã xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc City với trang thiết bị hiện đại như robot phẫu thuật sọ não và thần kinh cột sống (Navigation), hệ thống C-Arm 3D, DSA, MRI, CT… Ông cũng đặt mục tiêu bệnh viện này sẽ trở thành một địa chỉ phát triển du lịch y tế, thu hút bệnh nhân là người nước ngoài đến khám, chữa bệnh trong tương lai.

Bài và ảnh: Đinh Hằng  (TTXVN)
Bác sỹ trẻ tận tâm, cứu sống nhiều ca chấn thương sọ não
Bác sỹ trẻ tận tâm, cứu sống nhiều ca chấn thương sọ não

Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng bác sỹ Trần Xuân Thương (sinh năm 1994, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên) đã được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ phẫu thuật viên chính ở một mảng khó là cấp cứu chấn thương sọ não.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN