08:07 18/08/2012

Bệnh trong mùa tựu trường

Học sinh tại nhiều địa phương đã bắt đầu tựu trường, trong khi số ca mắc các bệnh hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết... chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ở một số nơi còn có chiều hướng tăng.

Học sinh tại nhiều địa phương đã bắt đầu tựu trường, trong khi số ca mắc các bệnh hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết... chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí ở một số nơi còn có chiều hướng tăng.

Giữ vệ sinh tốt là hình thức phòng bệnh hiệu quả. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM vệ sinh cá nhân trước giờ vào lớp - Ảnh: NHƯ HÙNG


Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng 30-40% trong ba tuần gần đây. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh hô hấp. Do số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tăng trong thời gian gần đây nên thường phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường.

Nhập viện vì trời nóng!

Bình Định: thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết

Sau thời gian tạm lắng, gần đây số ca mắc sốt xuất huyết ở Bình Định tiếp tục tăng. Theo thống kê của Sở Y tế Bình Định, trong hai tuần đầu tháng 8 đã ghi nhận 48 ca sốt xuất huyết và một trường hợp tử vong. Như vậy tính từ đầu năm 2012, Bình Định có gần 300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 10 trong tổng số 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, trừ huyện An Lão; trong đó có hai ca tử vong do diễn tiến nặng. Để ngăn bệnh sốt xuất huyết bùng phát, ngành y tế Bình Định đã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 16 xã, phường trọng điểm của bệnh...

Nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng trong thời gian này, theo bác sĩ Tùng, là do thời tiết nắng nóng, trẻ em được sử dụng máy lạnh, quạt máy nhiều rất dễ dẫn đến khô đường họng, viêm đường hô hấp. Bệnh hô hấp đang tăng do vậy đến ngày nhập trường càng dễ có nguy cơ lây lan.


Khi thấy trẻ có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi... các bậc cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho những trẻ khác. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước cam, chanh để tăng cường sức đề kháng.


Bệnh tay chân miệng cũng được các bác sĩ lo ngại sẽ có nguy cơ lây lan trong mùa tựu trường. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện đã tăng cao trong khoảng hai tuần đến một tháng nay tại cả Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo bác sĩ Tùng, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi ngày có hơn 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, trong đó tháng trước mỗi ngày chỉ có 50-60 trẻ.


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện ngày cao nhất tại khoa nhiễm - thần kinh có tới 150 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị, trong khi hai tuần trước đó chỉ khoảng 70-80 trẻ nằm điều trị mỗi ngày. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao nhưng so với những tháng trước đó đợt này phần lớn mắc bệnh nhẹ hơn, chỉ 3-5% số ca nhập viện mắc bệnh nặng (độ 3, độ 4). Dù vậy, bác sĩ Khanh khuyên các bậc cha mẹ không nên chủ quan vì dù gặp ít nhưng vẫn có những ca mắc bệnh nặng.


Gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện ở tình trạng nhẹ hơn nhưng triệu chứng của bệnh lại rầm rộ hơn như nổi bóng nước to, nhiều ở tay, chân, miệng làm các bà mẹ có tâm lý sợ hơn. Nhưng theo bác sĩ Khanh, triệu chứng của bệnh tay chân miệng biểu hiện rầm rộ thường ít đáng lo ngại hơn so với những ca bệnh ít có triệu chứng.


Mùa tựu trường nếu không được phát hiện bệnh, cách ly kịp thời trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ dễ lây lan bệnh cho những trẻ khác. Do vậy, bác sĩ Khanh khuyên các bà mẹ, thầy cô giáo cần quan sát kỹ trẻ để phát hiện sớm ca bệnh. Khi thấy trẻ có biểu hiện bỏ ăn, sốt, nổi bóng nước ở tay, chân, miệng cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây bệnh cho những trẻ khác.


Còn tính chung trên cả nước, trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết các thống kê gần đây cho thấy mỗi tuần đang có 1.700-1.800 trường hợp mắc tay chân miệng mới, so với cao điểm là cùng kỳ năm 2011 và các tháng đầu 2012, số mắc mới mỗi tuần đã giảm khoảng 40%.


Tuy nhiên ông Bình nhận định vẫn đang “nín thở” chờ qua tháng 9, nếu bệnh tay chân miệng tiếp tục giảm mới được coi là giảm vững chắc trong năm 2012. Để bảo đảm chống dịch kể từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng đang xây dựng một dự thảo chỉ thị của bộ trưởng Bộ Y tế để các tỉnh đẩy mạnh vệ sinh trường học, đồ chơi trẻ em, hướng dẫn vệ sinh bàn tay và vệ sinh ăn uống, chủ động phòng bệnh cho trẻ từ đầu năm học.


Hà Nội: mật độ muỗi đến ngưỡng báo động


Theo ông Trần Thanh Dương, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2011, số mắc sốt xuất huyết trong bảy tháng đầu 2012 đã tăng khoảng 40% và có các dấu hiệu dịch tăng theo chu kỳ (năm 2011 dịch sốt xuất huyết đã giảm 50% so với 2010). Thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết có giảm ở miền Bắc nhưng tăng đều ở miền Trung, Đông Nam bộ và Tây nguyên, đặc biệt các địa phương như Kiên Giang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu...


Ông Dương cho biết các hoạt động dự phòng chống dịch như diệt muỗi, diệt lăng quăng đang được tổ chức tích cực, song cần phải đẩy mạnh hơn nữa vì thời điểm này đang được coi là bắt đầu vào điểm dịch sốt xuất huyết ở miền Trung và miền Nam, vùng trọng điểm sốt xuất huyết nhiều năm nay.


Riêng thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy hiện trung bình mỗi tuần Hà Nội chỉ có 10-20 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ 2011, số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm 11,6%, nhưng thời tiết từ đầu tháng mưa liên tục, nhiệt độ luôn ở ngưỡng 28-33 độ C là “lý tưởng” để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mật độ muỗi đo được những ngày gần đây đã đến ngưỡng báo động, với mức trung bình 0,5 con (muỗi gây sốt xuất huyết)/nhà, số lượng dụng cụ chứa nước có bọ gậy/100 nhà được khảo sát lên đến 20, đều là các chỉ số rất đáng ngại.


Chính vì lý do này, nhiều chuyên gia dự báo Hà Nội có đủ điều kiện để lo ngại dịch sốt xuất huyết gia tăng trong những tháng tới, nhất là cao điểm (thông thường hằng năm vào khoảng tháng 10 trở đi). Bên cạnh đó là bệnh tay chân miệng, tuy so với cùng kỳ đã giảm 50% về số mắc, nhưng cao điểm dịch tay chân miệng ở Hà Nội năm 2011 lại từ tháng 9-11, nên rất cần cảnh giác khi thời điểm tựu trường đang đến gần, nhóm trẻ mầm non và tiểu học dễ mắc tay chân miệng sẽ tập trung học tại trường.


Chiến dịch vệ sinh môi trường đầu năm học


Ngày 14-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ cuối tháng 7-2012 sở đã có kế hoạch phòng, chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết trong tháng 8, 9, 10-2012. Theo đó, TP sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường và diệt muỗi, diệt lăng quăng trên toàn địa bàn TP kể từ ngày 15-8 đến 15-9. Sở Y tế còn phối hợp với ngành giáo dục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường trong trường học cho tất cả trường học trên địa bàn, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, không để lăng quăng và muỗi phát sinh.


Đối với các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình phải tiếp tục nghiêm túc thực hiện vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần khu vực sinh hoạt của trẻ, dụng cụ và đồ chơi của trẻ bằng hóa chất có tác dụng diệt khuẩn với nồng độ đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.


Ngoài ra, Sở Y tế còn yêu cầu mỗi trạm y tế phải phân công người giám sát các hoạt động kiểm soát bệnh trong trường học (các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, tiểu học, THCS). Về phía trường học, phải thông báo ngay cho y tế phường, xã ngay khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tay chân miệng hoặc sốt xuất huyết...




Theo Tuoitre.vn