Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 25/5/2022, thế giới đã ghi nhận trên 158 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì, nghiêm trọng như thế nào, có lây lan qua đường hô hấp như đại dịch COVID-19 hay không và hậu quả khi mắc bệnh đậu mùa khỉ ra sao... là những vấn đề đang được nhiều người quan tâm, lo lắng trong những ngày gần đây.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua đường nào?
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như phát ban, sốt, đau đầu… Hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Các nhà khoa học cho biết, căn bệnh này khó lây lan hơn so với dịch COVID-19. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ vẫn có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nếu không có vaccine phòng ngừa kịp thời.
Bệnh đậu mùa khỉ thường diễn tiến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác.
Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm… từ người bệnh.
Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày, nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), triệu chứng phát ban liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng, các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian. Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban đặc biệt hoặc nổi hạch mới…
Phòng bệnh như thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện các biện pháp: Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi; người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.