03:13 30/03/2012

Béc Tôn - hình mẫu trong phát triển của phum sóc Khmer

“Ngày trước, để đến được Béc Tôn chỉ có cách đi xuồng hoặc băng đồng lội bộ gần 3 km bất kể mùa nắng, mưa. Cả đi và về mất hơn nửa ngày... Giờ đây, mọi chuyện đã khác.

“Ngày trước, để đến được Béc Tôn chỉ có cách đi xuồng hoặc băng đồng lội bộ gần 3 km bất kể mùa nắng, mưa. Cả đi và về mất hơn nửa ngày. Còn ban đêm chỉ 18 giờ đã phải đi ngủ vì chẳng biết làm gì!”, ông Huỳnh Xuân Hòa, Bí thư kiêm Trưởng ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng hồi tưởng lại những ngày chưa có đường, điện, trường học… của 5 - 7 năm về trước. Giờ đây, mọi chuyện đã khác.

Đổi thay từ những chính sách

Với gần 500 hộ dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 90%, nông nghiệp là kinh tế chủ lực, lại nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồng ruộng nên việc đi lại, học hành, giao thương… luôn là trở ngại lớn nhất với người dân Béc Tôn. Do là vùng sâu nhất của xã Phú Mỹ, đời sống của đồng bào gặp muôn vàn khó khăn, phương tiện đi lại, nghe nhìn, điện, đường là một cái gì đó rất xa vời.

Vùng nông thôn Béc Tôn đã thay da đổi thịt.


Trước năm 2000, khi nhiều vùng quê khác trong tỉnh Sóc Trăng đã sáng điện thì điện vẫn chưa về đến Béc Tôn. Mỗi khi có giỗ chạp hay lễ hội gì, người dân trong sóc phải chung tay góp sức “thắp sáng” ngôi nhà và phum sóc bằng ánh điện của máy nổ và chiếc đèn măng sông (đốt bằng đèn dầu). Do có quá nhiều trở ngại như thế, việc ổn định đời sống và phát triển kinh tế gia đình của đồng bào nơi đây không phải là chuyện dễ dàng. Đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo trong ấp vẫn chiếm hơn 30%, hộ trung bình chiếm gần 50%, hộ khá giả chỉ chiếm tỷ lệ rất ít.

Thế nhưng, từ khi những dự án của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc được triển khai, diện mạo vùng nông thôn Béc Tôn thay da đổi thịt từng ngày. Năm 2001, tuyến đường xi măng rộng 2 m, dài 2.500 m đã nối liền được ấp Béc Tôn với con đường lớn của xã Phú Mỹ và xã Thuận Hưng, tạo đà cho sự phát triển của Béc Tôn. Nhờ có con đường mới mà việc đi lại thuận lợi; đến nay, gần như 100% hộ dân, kể cả những hộ nghèo trong sóc cũng cố gắng sắm được xe máy để có phương tiện đi lại. Cũng trong năm 2001, điện đã về đến Béc Tôn và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện dự kiến sẽ đạt 100% vào dịp 30/4 năm nay.

Có thể thấy, diện mạo mới cho vùng nông thôn sâu Béc Tôn càng được tô thắm nhờ các chính sách của Chính phủ như Quyết định 74 (về hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo), Quyết định 167 (về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo) tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Từ Quyết định 74, các hộ nghèo ở Béc Tôn được hỗ trợ 79 con bò, giúp đồng bào chủ động và tăng được nguồn khi bò sinh sản. Thực hiện Quyết định 167, xã xây dựng được 48 căn nhà cho các hộ nghèo. Hiện, Béc Tôn đã là điểm sáng trong phong trào thoát nghèo của xã, số hộ nghèo đến nay chỉ còn chưa đến 10%, số hộ khá giàu chiếm trên 20%. Dự kiến cuối năm nay, Béc Tôn sẽ xóa được hộ nghèo.

Song song đó, số hộ dân có tivi ngày càng nhiều, rất thuận tiện cho việc cập nhật thông tin; những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào ngày thêm nhanh chóng.

Phum sóc giàu đẹp từ ý chí tự lực

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, điều đáng trân trọng chính là sự nỗ lực vươn lên của chính con người nơi đây.

Gia đình ông Trần Minh Thảo là tấm gương sáng của ấp. Nhờ chí thú làm ăn và tích cóp, đời sống gia đình ông đã khấm khá hơn rất nhiều và nuôi dạy con cháu học hành thành tài. Hiện gia đình ông có 2 con đang học Đại học, 1 con đang học lớp 12. Ngoài hộ ông Thảo, hộ của ông Tăng Hứa Hạnh được xem là gia đình tiên phong cho việc cơ giới hóa ở Béc Tôn. Ông Hạnh cho biết: “Nhận thấy cơ giới hóa sẽ góp phần tăng năng suất lao động nên gia đình đã đầu tư mua máy cày, máy bơm nước, phương tiện vận chuyển… để vừa làm cho gia đình và làm thuê cho bà con xung quanh”. Nhờ đó mà đến nay, những chiếc máy cày đã thay trâu, bò cày xới trên đồng.

Với người Sóc Trăng, từ lâu Béc Tôn đã trở thành điểm sáng trong tình đoàn kết phum sóc, chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp. Theo các cụ cao niên, ngày trước do đi lại khó khăn, khi có giỗ chạp, hành lễ… theo nghi thức truyền thống rất khó khăn vì bổn sóc chưa có chùa. Nhờ sự đồng lòng, chung tay của cả cộng đồng nên dù chỉ có vài trăm hộ dân (trước năm 1975) nhưng người Béc Tôn đã xây được một ngôi chùa. Theo thời gian, ngôi chánh điện cũ xuống cấp, với sự chung tay góp sức từ cộng đồng phum sóc, năm 2010, ngôi chánh điện mới tráng lệ được hoàn thành, như minh chứng cho tình đoàn kết, chung tay của con người vùng sâu. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, cộng đồng cư dân nơi đây luôn vận động nhau góp tiền của, công sức để làm đường bê tông khắp ngõ trong sóc. Từ ý thức đến hành động, người dân Béc Tôn đang chung tay xây dựng nông thôn mới với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Bài và ảnh: Chanh Đa