03:13 24/03/2011

Bế tắc tại Trung Đông và Bắc Phi chưa được khai thông

Ngày 23/3, Quốc hội Yêmen đã bỏ phiếu thông qua lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại đây có nguy cơ sẽ còn kéo dài, bất chấp việc Tổng thống Ali Abdullah Saleh đề xuất từ chức và chuyển giao quyền lực trước tháng 1/2012.

Ngày 23/3, Quốc hội Yêmen đã bỏ phiếu thông qua lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại đây có nguy cơ sẽ còn kéo dài, bất chấp việc Tổng thống Ali Abdullah Saleh đề xuất từ chức và chuyển giao quyền lực trước tháng 1/2012.

Luật vừa được thông qua có thời hạn 30 ngày, cho phép tăng thêm quyền hạn cho lực lượng an ninh Yêmen nhằm đối phó với các cuộc biểu tình đang có xu hướng gia tăng tại nước này.

Trước đó, Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh đã kêu gọi những người biểu tình tham gia cuộc đối thoại mở với các chính đảng khác. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi phe đối lập bác bỏ đề xuất từ chức và chuyển giao quyền lực trước tháng 1/2013 của nhà lãnh đạo này, khẳng định ông Saleh phải ra đi ngay lập tức. Đề xuất từ chức có thể coi là một nhượng bộ của Tổng thống Saleh vì trước đó ông tuyên bố sẽ tại vị cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9/2013.

Cùng ngày 23/3, 13 tay súng của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Yêmen tại thị trấn Loder ở tỉnh miền nam Abyan, nơi được xem là một căn cứ của Al-Qaeda. Nhà chức trách Yêmen cũng thông báo đã bắt giữ 44 đối tượng bị cáo buộc tham gia cướp phá tại các hộp đêm, nhà hàng, khách sạn ở thành phố cảng Aden. Lực lượng quân đội đã được tăng cường tại thành phố này để bảo đảm an ninh.

Quân đội Yêmen được triển khai tại thủ đô Xana để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Ảnh: AFP-TTXVN


Sau khi hàng loạt sĩ quan cấp cao tuyên bố sang hàng ngũ phe đối lập, quân đội ủng hộ Tổng thống đã triển khai bảo vệ các trụ sở cơ quan chính phủ tại các tỉnh quan trọng ở Yêmen. Xe tăng hiện đang được triển khai bảo vệ các tòa nhà chủ chốt ở thủ đô Xana và Tổng thống Saleh cảnh báo một cuộc đảo chính có thể dẫn tới nội chiến. Ngoài ra, Lực lượng Vệ binh cộng hòa, được xem là lực lượng tinh nhuệ nhất của Yêmen, còn bao vây một căn cứ không quân tại thành phố cảng Al Hodayda ở tây Yêmen sau khi một sĩ quan cấp cao tại đây tuyên bố ủng hộ người biểu tình.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng chính trị và mối đe dọa từ Nhóm Al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP), chính phủ của ông Saleh hiện cũng đang phải đối mặt với những cuộc nổi dậy của người Shiite ở miền bắc và phong trào ly khai ở miền nam.

Tại Xyri, ngày 23/3, đài truyền hình quốc gia nước này đã phát những hình ảnh cho thấy các tay súng của phe nổi dậy đang ẩn náu trong thánh đường Hồi giáo Omari tại thị trấn Daraa, nơi chính phủ bị cáo buộc đã nổ súng làm 5 người thiệt mạng và số người bị thương không ngừng tăng lên. Hãng thông tấn quốc gia SANA của Xyri cho biết, một nhóm vũ trang sử dụng trẻ em bị bắt cóc làm "lá chắn sống" đã tấn công một xe cứu thương, khiến 3 nhân viên thiệt mạng và lực lượng cảnh sát gần đó đã buộc phải can thiệp. Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại Jasssem và Noa với số lượng lên tới hơn 2.000 người nhưng nhanh chóng bị lực lượng an ninh giải tán.

Trong khi đó, Liên đoàn Arập (AL) đã kêu gọi tất cả các phe phái ở Baranh tiến hành đối thoại nghiêm túc và vô điều kiện để khôi phục ổn định và đem lại cải cách cần thiết ở nước này. Hội đồng đại diện thường trực của AL nhấn mạnh, Baranh cần đạt được sự hòa hợp dân tộc và hòa giải giữa các tầng lớp xã hội, đồng thời AL cũng xác nhận tính hợp pháp của lực lượng "Lá chắn Bán đảo" của Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) triển khai tại Baranh giúp duy trì an ninh.

Tại Ai Cập, tòa nhà Bộ Nội vụ tại Cairô đã bốc cháy, khiến 8 người bị thương và hiện lực lượng cứu hỏa đã kiểm soát được tình hình. Đám cháy diễn ra trong khi hàng ngàn cảnh sát tổ chức biểu tình trước tòa nhà đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, những người biểu tình đã phủ nhận có liên quan tới vụ hỏa hoạn này.

Quang Minh