03:08 29/03/2012

Bế mạc phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 28/3, phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã bế mạc sau 10 ngày làm việc khẩn trương, tích cực.

Sáng 28/3, phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã bế mạc sau 10 ngày làm việc khẩn trương, tích cực.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Trong phiên họp này, UBTVQH đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng: Thống nhất khung ban đầu nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xem xét, thảo luận 7 dự án luật, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; chương trình kỳ họp thứ 3; thông qua 2 dự án Pháp lệnh quan trọng, góp phần hoàn thiện, cải cách, nâng cao chất lượng công tác tư pháp; quyết định phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012, các dự án thành phần và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục cải tiến nội dung, phương thức hoạt động, tại phiên họp này, UBTVQH cũng đã tiến hành chất vấn về lĩnh vực y tế và nội vụ. Nội dung chất vấn, trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp, mở rộng sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, sự giám sát của nhân dân cả nước đối với hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ. Điều này khiến hoạt động của Quốc hội và Chính phủ ngày càng công khai, minh bạch, dân chủ, nâng cao chất lượng, tăng cường sự gắn kết, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

lCũng trong sáng 28/3, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
Cho ý kiến về 2 nội dung còn có ý kiến khác nhau là mức chi phí giám định, định giá và mức chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, UBTVQH cơ bản đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp: Chỉ quy định các nguyên tắc xác định các yếu tố cấu thành chi phí giám định, định giá; nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Việc quy định cụ thể các mức chi phí là khó thực hiện và không khả thi.

Theo Ủy ban Tư pháp, trong thực tế có nhiều loại giám định, định giá khác nhau, tính chất, độ phức tạp cũng khác nhau, thời gian, địa điểm thực hiện giám định, định giá cũng khác nhau nên mức chi phí cũng khác nhau. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc giám định, định giá mới tính toán được mức chi phí cần thiết và hợp lý (khoản tiền cần thiết và hợp lý) để thực hiện giám định, định giá. Việc định trước mức tiền cụ thể trong một danh mục hoặc dưới hình thức khung chi phí giám định, định giá với mức tối thiểu và tối đa cho tất cả các loại giám định, định giá trong tố tụng rất khó thực hiện và không đầy đủ. Tương tự, việc quy định danh mục chi tiết về chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng cũng rất khó thực hiện và không khả thi. Trong thực tế có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người làm chứng, người phiên dịch; có nhiều trường hợp đương sự có yêu cầu tòa án mời người làm chứng, người phiên dịch. Vấn đề chi phí cho họ cần phải được quy định tương ứng với từng trường hợp.

Thanh Hòa