07:19 25/07/2012

Báu vật thiêng Osmotheque của nước Pháp

Đây là vật bất ly thân của vị Hoàng đế lừng danh Napoleon Bonaparte vào năm 1815, khi ông bị đi đày trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương; là thuốc “cải lão hoàn đồng” của một nữ hoàng Hungary từ thế kỷ 14.

Đây là vật bất ly thân của vị Hoàng đế lừng danh Napoleon Bonaparte vào năm 1815, khi ông bị đi đày trên đảo Saint Helena ở Đại Tây Dương; là thuốc “cải lão hoàn đồng” của một nữ hoàng Hungary từ thế kỷ 14. Nếu nhắm mắt lại, bạn sẽ có những trải nghiệm tốt nhất về những báu vật này qua... khứu giác tại Osmotheque, bảo tàng nước hoa có một không hai trên thế giới tại Paris.


Chuyên gia Kerleo trong căn phòng linh thiêng của Osmotheque. Ảnh: Internet

“Chúng đây rồi, đó là một chút kỳ quan trong dòng Chypre năm 1917 của chúng tôi”, nhà sản xuất nước hoa Yves Tanguy thốt lên khi nhúng que giấy thử hương thơm vào chiếc lọ, được coi là một trong số nhiều báu vật tại bảo tàng nước hoa Osmotheque. Loại nước hoa có tuổi đời một thế kỷ của công ty Coty, Inc. là sự kết hợp giữa “Nước hoa Hungary” từ thế kỷ 14, và nước hoa Cologne mà vị Hoàng đế Napoleon Bonaparte ưa thích khi ở đảo Saint Helena.


Kể từ năm 1990, nhà sản xuất nước hoa nổi tiếng của Pháp, Yves Tanguy đã giữ chìa khóa của bảo tàng nước hoa “Osmotheque”, có vị trí gần cung điện Versailles, phía tây thủ đô Paris với mục đích lưu giữ các loại nước hoa trong quá khứ và hiện tại.


Nằm trong khuôn viên Viện Đại học quốc tế về nước hoa, mỹ phẩm và hương liệu thực phẩm (ISIPCA), Osmotheque (có gốc từ tiếng Hy Lạp, “osme” nghĩa là hương thơm và “theke” nghĩa là chiếc rương) do chuyên gia nước hoa Jean Kerleo sáng lập và hiện nằm dưới sự điều hành của bà Patricia de Nicolai, người thừa kế của hãng sản xuất nước hoa Guerlain (Pháp) lừng danh.


Trên thực tế, chỉ rất ít những nhân vật quyền quý mới được tiếp cận khu phòng linh thiêng bên trong bảo tàng Osmotheque, nơi 2.500 mẫu nước hoa và hương liệu thơm quý hiếm nhất được bảo vệ cẩn mật trong két sắt, theo chế độ an ninh nghiêm ngặt.


Được phân loại theo đánh số và các dạng hương thơm, những chiếc lọ bé xíu được đặt dưới chiếc hầm rộng vài mét vuông, được bảo quản dưới ánh sáng nhân tạo và nhiệt độ luôn duy trì ở mức 13 độ C. “Đó là những báu vật của chúng tôi, khoảng 400 dòng nước hoa hoa mà chúng tôi canh giữ cẩn mật từ rất lâu, và có những loại giờ đã không còn tồn tại trên thị trường”, chuyên gia Tanguy giải thích, “Chúng tôi đã tái tạo khoảng 175 dòng trong số này bằng cách sử dụng đúng công thức gốc”.


Chân dung Nữ hoàng Hungary Isabella theo truyền thuyết ở thế kỷ 14. Ảnh: Internet

Những loại nước hoa này sẽ kéo người xem đi ngược dòng thời gian, trở lại với thế kỷ thứ 14, khi dòng nước hoa cồn hương hoa hồng có tên “Nước hoa Hungary” (Water of the Queen of Hungary) đầu tiên được pha chế vào khoảng năm 1370, với phương pháp trưng cất học hỏi từ thế giới Arập.

Có thời điểm, nước hoa đồng nghĩa với thứ đồ uống mà mà nhân vật trong truyền thuyết tin rằng nó có những khả năng phi thường để trị bệnh. Một truyền thuyết kể lại rằng chính Nữ hoàng Hungary Isabella đã dùng nước hoa này để được trẻ lại, tới mức được một ông Hoàng người Ba Lan cầu hôn, dù khi đó bà đã 75 tuổi.


Hoàng đến Napoleon Bonaparte trong những ngày bị lưu đày trên đảo Helena. Ảnh: Internet

Một ví dụ nữa về niềm tin tuyệt đối vào tính năng vệ sinh của nước hoa Cologne, từng có một giai thoại rằng vị Hoàng đế tài ba Napoleon Bonaparte đã dùng tới 120 lit nước thơm này để tắm mỗi tháng, và kể cả uống thứ nước vốn luôn được ông cất kỹ trong chiếc lọ nhỏ giấu vào đôi ủng đi trong các cuộc trường chinh trên khắp châu Âu. Trong những năm tháng cuối đời bị lưu đày trên đảo Saint Helena, ông đã từng đặt chế một mẫu nước hoa Cologne chế từ thảo mộc để sử dụng trên đảo. Nguyên mẫu nước hoa này đã được tái tạo và cất giữ tại Osmotheque.


Osmotheque không bán các nước hoa của bảo tàng, nhưng luôn duy trì khoảng 200 chiếc valy chứa đầy các mẫu hương liệu mà hai chuyên gia Kerleo và Tanguy vẫn mang đi khắp thế giới theo yêu cầu đặt mua của các hãng thời trang và nước hoa xa xỉ.


Osmotheque chỉ mở cửa đón công chúng vào tham quan trong một số dịp nhất định. Hồi tháng 6/2012, bảo tàng này đã công bố một loạt hương liệu thơm có trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1965, vốn được coi là khởi nguồn cho những hương hiệu nước hoa nổi tiếng như Worth, Patou, Lanvin, Rochas, Balenciaga, Nina Ricci hay Christian Dior.


Để thành lập bảo tàng này, chuyên gia Kerleo đã biên soạn một kho dữ liệu khứu giác cùng với một nhóm đồng nghiệp, những người chuyên truy tìm dấu vết các công thức nước hoa cổ đại và những thành phần hương liệu hiếm (thậm chí có một số đã bị cấm sử dụng) để pha chế.


Một ví dụ là loại xạ của loài cầy hương châu Phi, vốn được các nhà hóa học cổ xưa sử dụng để pha chế nước hoa từ hơn 2.000 năm trước. Hay như loại hạt xạ hương được chiết xuất từ loài hươu Tây Tạng, vốn đã bị cấm buôn bán theo Hiệp ước bảo vệ các loài động hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).


Chuyên gia Kerleo giải thích rằng nếu thiếu loại hạt này, người ta sẽ không thể nào tạo ra được các dòng nước hoa danh giá của hãng Chanel (Pháp).



Trần Long