10:16 24/10/2014

Bầu cử sớm ở Ukraine - 'Đòn' xoay chuyển tình hình?

Liệu cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn có tạo ra đột phá quan trọng, giúp xoay chuyển tình hình Ukraine đang chìm trong khủng hoảng hay không?

Theo nhận định gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 tại Ukraine có thể sẽ mang đến cơ hội "xóa sổ" các phe nhóm chính trị có liên hệ mật thiết với cựu Tổng thống Viktor Yanukovych.

Cuộc bầu cử sớm ở Ukraine có thể làm thay đổi tình hình? Ảnh: Reuters.


Tuy nhiên, liệu cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn có tạo ra đột phá quan trọng, giúp xoay chuyển tình hình Ukraine đang chìm trong khủng hoảng hay không? Câu hỏi khó này hiện vẫn còn để ngỏ.

Các đảng phái chủ trương xích lại gần hơn trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và cam kết thúc đẩy cải cách đều có thể kiếm được phiếu bầu của cử tri. Và Khối Poroshenko của Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko được dự báo sẽ giành chiến thắng khá dễ dàng trong cuộc đua vào Verkhovnaja Rada (tức Quốc hội Ukraine).

Quyết định tổ chức bầu cử sớm để lựa chọn một Quốc hội mới đã phản ánh những thay đổi trên chính trường Ukraine kể từ cuối năm 2013 đến nay. Mặc dù các đảng phái ủng hộ việc xích lại gần EU có nhiều cơ hội vươn lên, nhưng vấn đề nổi lên và chi phối bầu cử lại là cuộc xung đột ở miền Đông hiện đang tạm thời "đóng băng" bởi thỏa thuận ngừng bắn gây nhiều tranh cãi.

Càng gần đến ngày bầu cử, câu chuyện về sự toàn vẹn lãnh thổ lại càng "nóng" hơn với nhiều tranh luận nảy lửa giữa các đảng phái, các chính trị gia. Cử tri Ukraine sẽ quyết định đâu là chiến lược hợp lý và khả thi nhất để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng nổi dậy ở miền Đông đòi độc lập.

Người dân Ukraine mong muốn đất nước có một tương lai bình ổn lâu dài. Ảnh: nbcnews.


Bỏ phiếu cho các đảng chủ trương xích lại gần hơn với EU phản ánh nguyện vọng của người dân Ukraine mong muốn thúc đẩy cải cách để vực dậy nền kinh tế và cải thiện điều kiện sống. Tuy nhiên, kể từ khi ông Poroshenko quyết định ký thỏa thuận ngừng bắn và nhượng bộ lực lượng nổi dậy, thì cuộc xung đột ở miền Đông lại trở thành vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị ở Kiev.

Ông Poroshenko cam kết sẽ tìm mọi cách tăng cường tiềm lực quốc phòng cho Ukraine, nhưng lại phản đối có thêm bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào ở miền Đông trong tương lai. Trước đó, ông còn khẳng định với người dân Ukraine rằng "những kẻ khủng bố phải đầu hàng vô điều kiện hoặc sẽ bị tiêu diệt".

Bất ngờ thay đổi quan điểm, ông Poroshenko muốn nhen nhóm trong tâm tưởng cử tri quốc gia Đông Âu này tia hy vọng về cải cách thể chế và vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn ít nhiều cũng mang bình yên cho miền Đông.

Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của ông Poroshenko lại không nghĩ thế. Họ đồng loạt lên tiếng cáo buộc Tổng thống Poroshenko đang "dâng đất cho Nga", đồng thời ủng hộ chiến dịch quân sự chống lại lực lượng nổi dậy. Kết quả thăm dò dư luận được công bố tháng 9/2014 cho thấy cử tri Ukraine vẫn chia rẽ trước câu hỏi: có nên tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự ở miền Đông hay tìm giải pháp thông qua đàm phán? 40% ủng hộ giải pháp quân sự, 41% ủng hộ giải pháp hòa đàm.

Ông Poroshenko lập tức phản pháo rằng chỉ có thỏa thuận ngừng bắn mới mang lại niềm hy vọng cứu sống hàng trăm dân thường và bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước phục vụ sứ mệnh hiện đại hóa quân đội.

Hình ảnh một chính trị gia theo quan điểm trung dung, ủng hộ cải cách vì dân sinh và có khả năng hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Ukraine đã được ông Poroshenko khắc họa khá đậm nét bằng nhiều chính sách khác nhau, nhưng có cùng mục tiêu.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể giúp Khối Poroshenko của ông nới rộng khoảng cách với các đảng phái khác tại cuộc bầu cử sắp tới, chứ chưa phải là "đòn bẩy" tạo ra những thay đổi thực sự để hướng tới mục tiêu bình ổn Ukraine về lâu dài như người dân nước này mong muốn.


TTK