Mẩn ngứa vì đồng phụcNăm học vừa qua, con gái chị Nguyễn Thu Anh (25 Lạc Trung, Hà Nội) chuyển sang học một trường dân lập được đầu tư bài bản về chương trình học, cơ sở vật chất. Hài lòng với khá nhiều điểm mới hiện đại mà trường mang lại nhưng điều thiết yếu hàng ngày với con chị là đồng phục học sinh khiến chị không khỏi băn khoăn.
Đồng phục học sinh cần đảm bảo sức khỏe, tiện lợi cho học sinh. Ảnh: Quý Trung |
“Bộ đồng phục có vẻ ngoài đẹp, hiện đại nhưng lại bất tiện cho học sinh. Đối với váy vải kaki (bên trong kèm một cái quần), mùa đông thật rét cũng chỉ có váy đó và kèm thêm tất quần. Có những lúc, cháu nói mặc như vậy rất rét nhưng không dám thay đổi vì đó là quy định của trường. Mùa hè đến, chất vải của chiếc váy ấy lại khiến cháu bị nóng bức. Chưa hết, vải áo không thấm mồ hôi, may bó người lại càng khiến con trẻ khó chịu. Vì là quy định của trường nên tôi khó có thể thay đổi trang phục cho con, trong khi, số tiền tôi bỏ ra để mua đồng những bộ đồng phục này không hề rẻ”, chị Nguyễn Thu Anh chia sẻ.
Chị Phạm Thu Hương (Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầy Giấy, Hà Nội) có con học một trường điểm tại quận Cầu Giấy cũng không khỏi bức xúc vì con bị nổi mẩn ngứa sau khi mặc chiếc váy đồng phục. “Màu vải rất đẹp và phù hợp với đồng phục trong trường học. Tuy nhiên, khi sờ vào chất vải rất dặm. Khi mặc vào con gái tôi bị mẩn ngứa. Phản ánh điều này với nhà trường thì được nói rằng, vải được chọn theo tiêu chuẩn chung. Và nhà trường cũng chưa nhận được phản ánh của nhiều học sinh nên yêu cầu tôi xem lại nguyên nhân có phải từ chất vải không hay do con chơi đùa”, chị Phạm Thu Hương cho biết.
Không chỉ chị Thu Anh, Thu Hương mà trên nhiều diễn đàn xã hội “lên tiếng” về sự bất tiện của đồng phục học sinh. Nhiều phụ huynh cho rằng, đẹp nhưng không tiện lợi và nhất là ảnh hưởng đến hoạt động học tập, vui chơi, sức khỏe là vấn đề mà các nhà trường cần đặc biệt lưu ý trước khi quyết định kiểu dáng và chất vải may đồng phục.
Phụ huynh cần “lên tiếng”
Thực tế, do đồng phục nhà trường không đáp ứng được nhu cầu mát, tiện lợi của học sinh, nhiều phụ huynh đã phải tìm tới những cửa hàng bán quần áo học sinh mang thương hiệu Việt Tiến, Việt Long, Thắng Lợi... để lựa chọn chất vải, hoặc đặt may theo kích cỡ khác. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận phụ huynh có điều kiện mới có khả năng may thêm đồng phục cho con, trong khi số đông học sinh vẫn phải mặc những bộ đồng phục bất tiện vì gia đình không có điều kiện.
Đại diện bán hàng của Công ty cổ phần kết nối thời trang cho biết: “Nhiều phụ huynh lựa chọn một cách bình dân nhất là chất liệu vải chủ yếu là cotton 30 - 65%, còn lại là pha polyester và sợi PE. Giá cả những bộ quần áo này khá bình dân. Dao động từ 110.000 - 140.000 đồng/bộ. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lựa chọn phương án mua vải may đồng phục cho con. Chất phải phù hợp với học sinh chính là vải kate silk thoáng mát, hút ẩm tốt, mặt vải phẳng mịn, dễ dàng giặt ủi được. Giá những loại vải này từ 70.000 - 85.000 đồng/áo cỡ nhỏ nhất. Nhưng do đặt may nên giá công may đồng phục tại tiệm khá đắt, 120.000 - 300.000 đồng/bộ. Phụ huynh cần hiểu những kiến thức này để đối chiếu quy trình may đồng phục của nhà trường. Từ đó, đưa ra những đề xuất phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe, sự tiện lợi cũng như tiết kiệm cho gia đình”.
Theo một hiệu trưởng trường tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội, việc may đồng phục học sinh luôn có sự tiếp thu từ ý kiến của phụ huynh, học sinh. Nếu có sự thay đổi về mẫu mã, chất liệu đồng phục cần phải xuất phát từ thực tế chứ trường hay không phải cá nhân phụ huynh áp đặt được.
Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT thì Bộ GD - ĐT đã yêu cầu các đơn vị báo cáo về việc may đồng phục hàng năm. Tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, hiệu trưởng nhà trường sẽ quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Bộ GD- ĐT cũng quy định, phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo góp ý trên của nhà trường. Trong trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.