02:09 19/02/2011

Bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi: Nền kinh tế lãnh hậu quả

Tình hình bất ổn nghiêm trọng ở Trung Đông, Bắc Phi trong những ngày qua đã làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia này và rất khó để xác định mức độ thiệt hại.

Tình hình bất ổn nghiêm trọng ở Trung Đông, Bắc Phi trong những ngày qua đã làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia này và rất khó để xác định mức độ thiệt hại.

Đó là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về ảnh hưởng của bạo loạn, biểu tình đối với nền kinh tế khu vực này. Tổ chức này còn kêu gọi chính phủ các nước trợ cấp cho những người dân khốn khó nhất.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc IMF tại khu vực Trung Đông, ông Masood Ahmed cho biết, các cuộc biểu tình đã cho thấy cần phải đảm bảo lợi ích tăng trưởng kinh tế cho mọi người dân chứ không phải chỉ một số ít. Theo ông Ahmed, chính phủ các nước cần tăng trợ cấp để giảm nhẹ áp lực xã hội. Trợ cấp sẽ có hiệu quả và dễ thực hiện nhất khi chính phủ hướng hỗ trợ tới những người nghèo nhất thay vì chỉ trợ cấp chung chung vì khi đó người giàu cũng được hưởng lợi.

Ông Ahmed gợi ý: "Thay vì trợ cấp sản phẩm, các chính phủ nên trợ cấp cho con người". Và nếu trợ cấp sản phẩm, chính phủ các nước cũng nên trợ cấp những sản phẩm phần lớn được người nghèo tiêu thụ như lương thực. Những hoạt động hỗ trợ đó còn giúp giảm gánh nặng cho người nghèo khi giá cả hàng hoá toàn cầu leo thang, đặc biệt là giá lương thực. Ngoài ra, ông Ahmed nhấn mạnh cần cải thiện và hiện đại hóa mạng lưới phúc lợi hiện có theo hướng bền vững và đúng đối tượng hơn.

Tình trạng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi khiến nền kinh tế khu vực bị thiệt hại nặng nề. Trong ảnh: "Biển" người trên quảng trường Tahrir ở Cairô (Ai Cập) ngày 18/2. Ảnh: AFP-TTXVN


Nói riêng về hai nước có tổng thống bị lật đổ là Ai Cập và Tuynidi, ông Ahmed cho rằng hai nền kinh tế này sẽ bị ảnh hưởng khi ngành du lịch và đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh. IMF cho biết, tại thời điểm này, cả hai quốc gia đều chưa đề nghị IMF hỗ trợ để đối phó với áp lực về ngân sách nhưng IMF sẵn lòng hỗ trợ nếu chính phủ hai nước cần hỗ trợ tài chính.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, bất ổn ở khu vực này đã khiến thị trường dầu mỏ và vàng tăng giá. Giá dầu Brent trong phiên 14/2 tại thị trường Luân Đôn (Anh) đã có lúc vọt lên mức cao nhất trong 28 tháng, vượt qua ngưỡng 104 USD/thùng. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2 tại thị trường New York (Mỹ) khi kết thúc phiên 17/2 đã tăng lên 1.385,1 USD/ounce - phiên tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong khi đó, tình trạng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Ngày 18/2, hàng nghìn người Hồi giáo dòng Shiites ở Baranh, trong lễ tang của hai người thiệt mạng do xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình trong những ngày qua, tiếp tục kêu gọi lật đổ chính quyền, yêu cầu đoàn kết dân tộc, đồng thời đòi chính phủ phải chịu trách nhiệm đối với việc sát hại người biểu tình.

Trước đó, tối 17/2, lực lượng quân đội Baranh đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Manama sau khi cảnh sát chống bạo động đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và đạn rỗng để giải tán những người biểu tình, làm gần 200 người bị thương.

Cùng ngày tại Ai Cập, hàng nghìn người dân đã tập trung tại Quảng trường Tahrir ở Cairô để kỷ niệm cuộc biểu tình 18 ngày lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Trong khi đó, quân đội Ai Cập đã huy động xe tăng và lập hàng rào binh lính xung quanh quảng trường này để kiểm tra giấy tờ những người tham gia tụ tập.

Tại Yêmen, cảnh sát đã nổ súng vào đoàn người biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh diễn ra tại Al Mansura, khiến ít nhất 19 người bị thương. Trong các cuộc biểu tình, hàng trăm người biểu tình đã cướp phá nhiều cửa hàng và khách sạn, phong tỏa các tuyến đường.

Tại Tuynidi, người dân thủ đô Tuynít đang phải đối mặt với tình trạng tội phạm tràn lan, nhất là các vụ cướp có vũ trang và trộm cắp. Theo Bộ Nội vụ Tuynidi, các cơ sở của cả nhà nước và tư nhân đều trở thành mục tiêu của bọn cướp. Hiện Bộ Nội vụ Tuynidi vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp, trong khi quân đội đã phải huy động lực lượng dự bị để đảm bảo kiểm soát tình hình.

Trong một diễn biến khác, một người bạn của gia đình cựu Tổng thống Ben Ali cho biết, ông Ben Ali đang hôn mê và "trong tình trạng nguy kịch" tại bệnh viện Jeddah ở Arập Xêút sau khi bị một cơn đột quỵ hôm 15/2.

Nghiêm trọng nhất là tại Libi, tình trạng hỗn loạn đã bùng phát trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong "Ngày nổi giận" ở các thành phố Benghazi, Beyida, Zentan, Rijban và Darnah. Có tin cho biết đã xảy ra đụng độ giữa những người biểu tình và các nhóm ủng hộ chính phủ làm ít nhất 20 người thiệt mạng.

Để làm dịu tình hình, chính phủ Libi đã trả tự do cho 110 thành viên Nhóm đấu tranh Hồi giáo Libi (LIFG), đồng thời đề xuất tăng lương gấp đôi cho nhân viên chính phủ.

Minh Dương (tổng hợp)