06:22 04/06/2014

Bất ổn kéo tụt kinh tế Thái Lan

Với niềm tự hào là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á thời gian qua, điều trớ trêu là nền kinh tế Thái Lan hiện đang đứng trước triển vọng tiêu cực, khi công ty xếp hạng tín nhiệm Moody cho biết nước này có thể sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng do tình hình bất ổn trong nước.

Với niềm tự hào là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á thời gian qua, điều trớ trêu là nền kinh tế Thái Lan hiện đang đứng trước triển vọng tiêu cực, khi công ty xếp hạng tín nhiệm Moody cho biết nước này có thể sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng do tình hình bất ổn trong nước. Theo số liệu mới đây, kinh tế Thái Lan đã giảm 0,6% trong quý I/2014, lần giảm đầu tiên kể từ quý IV/2011.


Hiện trạng khó khăn


Theo các nhà kinh tế, bất ổn kéo dài ở Thái Lan - nền kinh tế thứ hai Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Indonesia và là nền kinh thế thứ 29 trên thế giới theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tiếp tục gây lo ngại không chỉ về khía cạnh chính trị mà còn về lĩnh vực kinh tế của nước này. Việc Thái Lan ban hành lệnh giới nghiêm và thiết quân luật khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị xáo trộn rất nhiều.


 

Bất ổn trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thái Lan, đang cảm nhận những tác động bất lợi không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy lượng du khách quốc tế đến Thái Lan giảm khoảng 5% trong 4 tháng đầu năm 2014. Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Arnupap Gaesornsuwan cảnh báo do căng thẳng leo thang, lượng khách quốc tế đến Thái Lan trong tháng 5/2014 dự kiến giảm 10 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Hiệp hội du lịch Thái Lan, 400.000 du khách đã hủy các chuyến du lịch Thái Lan trong thời gian qua và dự kiến lượng du khách tới nước này sẽ tiếp tục giảm nếu các cuộc biểu tình còn kéo dài. Doanh thu của ngành du lịch Thái Lan trong năm 2014 dự kiến chỉ đạt 1.150 - 1.170 tỷ baht, thấp hơn so với con số mục tiêu 1.300 tỷ baht.


Một số chuyên gia dự đoán đồng baht sẽ tiếp tục yếu đi trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan Tanit Sorat lo ngại rằng ngoài lĩnh vực du lịch, các hoạt động ngân hàng và thương mại của Thái Lan cũng sẽ tiếp tục bị "vạ lây" do tình trạng bất ổn. Theo ước tính, nền kinh tế Thái Lan đã thiệt hại 70 tỷ baht kể từ khi nước này rơi vào khủng hoảng chính trị.


Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittirat Na Ranong đã lên tiếng cảnh báo về tình hình kinh tế ngày một xấu đi của nước này. Theo số liệu của tờ Bangkok Post, các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 12/2013 đã bán ra khoảng 200 tỷ baht cổ phiếu, khiến đồng baht giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm gần đây.


Trong khi đó, hãng tin BBC (Anh) nhận định đầu tư sụt giảm, xuất khẩu thấp và chi tiêu tiêu dùng đang khiến kinh tế Thái Lan "lao đao". Người tiêu dùng Thái Lan đang tăng cường thắt chặt chi tiêu với chi tiêu tiêu dùng giảm 2,1% trong quý I/2014. Các hoạt động đầu tư, chế tạo và xây dựng của Thái Lan trong quý I năm 2014 cũng giảm lần lượt 9,8%, 2,7% và 12,4%.


Một số doanh nghiệp chế tạo ô tô nước ngoài cho biết sẽ hoãn hoặc xem xét lại kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Thái Lan do dự báo doanh số sụt giảm tại nước này. Cụ thể, hãng Honda Motor Co. của Nhật Bản cho biết có thể hoãn thời điểm xây dựng (từ 6 - 12 tháng so với dự kiến ban đầu) một nhà máy có vốn đầu tư 530 triệu USD tại Thái Lan.


Sản lượng ô tô của Thái Lan trong tháng 4/2014 đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh số bán ô tô tại nước này cũng giảm khoảng 33%. Một số nhà phân tích cho rằng nếu tình trạng bất ổn trong nước vẫn tiếp diễn, 30.000 lao động trong ngành công nghiệp ô tô Thái Lan sẽ thất nghiệp trong năm 2014.


Tương lai bất định


Tình hình bất ổn hiện nay tại Thái Lan đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014. Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDB) cũng giảm mức dự đoán tăng trưởng của Thái Lan trong cả năm 2014 từ 3 - 4% xuống còn 1,5 - 2,5%.


Theo một số dự báo, nếu bất ổn vẫn kéo dài thì Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc lại những quyết định của họ trước khi rót vốn vào Thái Lan.


Trong khi đó, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Global Insight, cho rằng triển vọng tăng trưởng của Thái Lan trong năm 2015 đang đối mặt với nhiều rủi ro bởi nước này vẫn chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) trước đó cảnh báo có thể hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Thái Lan, hiện ở mức BBB+, nếu tình trạng bế tắc kéo dài sang nửa cuối năm nay.


Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) Prasarn Trairatvorakul nhận định nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xuất hiện khoảng trống quyền lực tại nước này, khiến cho việc phân bổ ngân sách gặp khó khăn. Nếu Thái Lan không thành lập được một chính phủ mới vào năm tới, việc triển khai chính sách phát triển kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực.


Anh Quân (Tổng hợp)