12:13 16/12/2012

Bất lợi trong việc học theo chế độ tín chỉ

Bên cạnh những mặt mạnh và tác dụng tích cực trong công tác đào tạo sinh viên thì một điểm bất lợi sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới sinh viên các trường sư phạm, đó là môi trường học đường.

Hiện nay, đa số các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nói chung và các trường sư phạm nói riêng đều đào tạo theo chương trình tín chỉ thay thế cho đào tạo niên chế. Bên cạnh những mặt mạnh và tác dụng tích cực trong công tác đào tạo sinh viên thì một điểm bất lợi sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới sinh viên các trường sư phạm, đó là môi trường học đường.


Đào tạo tín chỉ bộc lộ điểm bất lợi cho sinh viên sư phạm. Ảnh: tuvantuyensinh.vn


Với đặc thù riêng là trường đào tạo thầy cô giáo trong tương lai, người sẽ làm nhiệm vụ quan trọng là dạy người, dạy chữ nên công tác đào tạo và rèn luyện nghiệp vụ có tính đặc thù so với các trường đại học khác. Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương dạy học theo chế độ tín chỉ, trong đó có trường sư phạm cũng áp dụng phương thức đào tạo này thì ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, ít nhiều đã bộc lộ những điểm bất lợi cho sinh viên sư phạm.


Khi bước chân vào trường sư phạm, sinh viên chỉ được học tập và hoạt động trong môi trường tập thể trong thời gian rất ngắn. Sau một kỳ học, tất cả các môn học đều được học theo tín chỉ qua việc đăng kí của sinh viên. Việc ổn định tổ chức lớp, chi đoàn chỉ được diễn ra ở năm thứ nhất, còn sau đó, các sinh viên trong một lớp chỉ liên hệ với nhau trên danh nghĩa tên lớp chứ không được học tập và giao lưu với nhau thường xuyên.


Các sinh viên ở các khóa không quen biết nhau và việc tập hợp theo một tập thể là rất khó bởi những sinh viên này chỉ đăng kí học cho xong học phần mà mình hoàn thành chứ không quan tâm tới những hoạt động khác. Nhiều sinh viên thấy hẫng hụt khi đến năm thứ ba, thứ tư, thấy tổ chức lớp của mình ban đầu hết sức lỏng lẻo và rời rạc.


Điều đó cho thấy, việc được sống, học tập và rèn luyện trong một tập thể lớp của bốn năm đại học đối với sinh viên ngành sư phạm là ít. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống, tư duy và đặc biệt quan trọng hơn cả là ý nghĩa giáo dục đối với nghề nghiệp của sinh viên sau này.


Như thế, việc hình thành những kỹ năng cơ bản cho sinh viên sư phạm về mặt giáo dục học, tâm lý sư phạm cũng như nghiệp vụ sư phạm là rất hạn chế. Sinh viên sư phạm sẽ không được nâng cao về ý thức tập thể, sự năng động trong các hoạt động tập thể, các kỹ năng sống cơ bản trong quá trình giao lưu, học tập với bạn bè. Và vì vậy, điều này sẽ ảnh hưởng khá rõ đến thầy cô giáo tương lai. Bởi khi tốt nghiệp, giáo viên trẻ ngoài công việc đứng lớp họ còn đảm nhiệm công tác giáo viên chủ nhiệm.


Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên trẻ hiện nay ra trường hết sức lúng túng với công tác chủ nhiệm và giáo dục học sinh cá biệt. Hơn thế nữa, nhiều người không có kỹ năng tổ chức cho học sinh lớp chủ nhiệm các hoạt động và gắn kết học sinh trong tập thể lớp. Nhiều nghiệp vụ bị thiếu hụt ở giáo viên trẻ như không biết cách tổ chức một đại hội chi đoàn, không tổ chức được trò chơi tập thể cho học sinh và đứng trước các tình huống không có cách xử lý đúng đắn…


Thực tế hiện nay, nhiều giáo viên trẻ còn “mắc bệnh” lười tham gia các hoạt động tập thể. Điều này có thể không phải do bản chất mà do họ đã có thói quen được hình thành ngay từ giảng đường đại học. Quen chỉ biết học cho xong môn mà không cần tham gia hoạt động phong trào, tham gia vào việc chung của tập thể là “bệnh” của nhiều sinh viên sư phạm hiện nay. Ra trường, lẽ ra phải là những người năng động, nhanh nhẹn nhưng nhiều giáo viên trẻ lại sống thu mình, ngoài giảng dạy không cần biết tham gia vào các hoạt động của trường.


Thiết nghĩ, sinh viên sư phạm tương lai sẽ là thầy cô giáo dạy chữ, dạy người cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên giảng đường đại học sư phạm, mỗi sinh viên ngoài việc học kiến thức cần có sự trau dồi về nghiệp vụ, kỹ năng, lối sống và sự hòa đồng tập thể.


Muốn vậy, về phía các trường sư phạm cần đẩy mạnh hơn nữa việc ổn định, duy trì chất lượng cơ cấu tổ chức lớp, tổ chức chi đoàn cùng các hoạt động tập thể nhằm tạo cho sinh viên một môi trường rèn luyện mình, hoàn thiện mình và thu lượm cho mình những điều cần thiết khi bước chân về trường phổ thông.



Nguyễn Thế Lượng