07:11 03/07/2012

Bất đồng về Hiệp ước kiểm soát vũ khí

Hội nghị LHQ thảo luận Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí khai mạc ngày 2/7 tại trụ sở LHQ đã xuất hiện những bất đồng khi các cường quốc sản xuất vũ khí đều đưa ra những lý do nhằm giới hạn một số hạng mục vũ khí sẽ được quy định trong hiệp ước.

Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí khai mạc ngày 2/7 tại trụ sở LHQ đã xuất hiện những bất đồng khi các cường quốc sản xuất vũ khí đều đưa ra những lý do nhằm giới hạn một số hạng mục vũ khí sẽ được quy định trong hiệp ước.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Phát biểu tại hội nghị, đại diện của Mỹ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (chiếm 40% doanh số vũ khí thông thường của thế giới), bày tỏ mong muốn hiệp ước trên sẽ không bao gồm những hạn chế về các thương vụ mua bán đạn dược. Trong khi đó, đại diện Trung Quốc lại đề xuất loại trừ danh mục các vũ khí loại nhỏ ra khỏi hiệp ước bởi đây là một trong những hàng hóa chủ yếu mà nước này xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

 

Với hy vọng một hiệp ước sẽ giúp cho mậu dịch quốc tế trở nên minh bạch hơn, Ngoại trưởng các nước gồm Pháp, Anh và Đức cùng Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển kêu gọi một hiệp ước toàn diện, góp phần giảm thiểu các nguy cơ đe dọa nhân loại. Trong một tuyên bố chung được đưa ra trước thềm khai mạc hội nghị, ngoại trưởng các nước châu Âu nhấn mạnh mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ các quy định lỏng lẻo trong buôn bán vũ khí và buôn lậu vũ khí. Tuyên bố k êu gọi cần tạo ra “một khung pháp lý quốc tế” để ngăn chặn nạn buôn bán vũ khí trái phép, song phải được các quốc gia đồng lòng thực thi. Các quan chức này đồng thời nhấn mạnh hiệp ước trên cần bao gồm những quy định về tất cả các loại vũ khí truyền thống, kể cả các vũ khí hạng nhẹ và nhỏ, các loại đạn dược cũng như các công nghệ sản xuất liên quan. Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức cũng thừa nhận là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu, những nước này phải có trách nhiệm đảm bảo các vũ khí đó không được sử dụng vào mục đích gây tổn hại nhân loại hoặc vi phạm luật lệ quốc tế.

 

Trong khi đó, đề cập đến việc khoảng 2.000 người thiệt mạng mỗi ngày do các loại vũ khí nhỏ mua bán trái phép, Ngoại trưởng Australia (Ôxtrâylia) Bob Carr kêu gọi một hiệp ước mạnh mẽ và nghiêm ngặt nhằm tạo điều kiện cho các nước theo dõi và báo cáo lại các thương vụ chuyển nhượng và mua bán vũ khí lớn.

 

Hội nghị của LHQ về Hiệp ước mua bán vũ khí diễn ra trong bối cảnh bạo lực đang leo thang tại nhiều nơi trên thế giới như Syria (Xyri), Mali hay (Sudan) Xuđăng. Theo các nhà hoạt động hối thúc kiểm soát vũ khí tham dự hội nghị, trung bình cứ mỗi phút trên thế giới có một người chết trong các vụ bạo lực có vũ trang. Thực tế nêu bật sự cần thiết thế giới phải có một hiệp ước nhằm ngăn chặn súng đạn được mua bán phi pháp và tuồn vào các khu vực xung đột.

 

Trước đó, tranh cãi xung quanh việc đại biểu Palextin không được tham dự đã khiến phiên khai mạc hội nghị diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Ai Cập, đại diện của các quốc gia Arập, đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) không tham dự hội nghị nếu Palestine không được tham gia. Trong khi đó, Ixraen lại đe dọa sẽ không có mặt tại hội nghị nếu đại diện của Palestine được công nhận là một nước. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái trên của Ai Cập có thể là một phần trong nỗ lực làm trì hoãn việc các nước có thể thông qua một Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí với những quy định chặt chẽ về vấn đề nhân quyền. Hiện Ai Cập là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới.

 

Ý tưởng về một hiệp ước toàn cầu liên quan tới buôn bán vũ khí được một nhóm các nhà khoa học giành giải Nôben (Nobel) đưa ra từ năm 1995, song tới năm 2009, Đại Hội đồng LHQ mới quyết định bắt đầu chuẩn bị triệu tập một hội nghị thảo luận vấn đề này. Dự kiến, hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí này sẽ không đề cập tới vấn đề mua bán vũ khí trong nội bộ riêng từng nước cũng như việc sở hữu vũ khí của công dân, mà liên quan tới hoạt động buôn bán và cung cấp vũ khí quốc tế. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực khi được ít nhất 60 nước thông qua, trong đó có 10 nước là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

 

TTXVN/Tin tức