Tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong 6 tháng qua, thị trường bất động sản (BĐS) đã có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên tình hình tranh chấp trong chung cư vẫn tiếp tục gia tăng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, tranh chấp chủ yếu là do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...), tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư do các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy…

Tình hình tranh chấp trong chung cư ngày càng tăng. Ảnh: CTV

Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không làm sổ đỏ cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.


Mặt khác, thực hiện khoản 12 điều 6 Luật Nhà ở về việc nghiêm cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" (áp dụng kể từ ngày 01/01/2016) đã có tác động đến nhiều hộ dân và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều năm, thậm chí có những trường hợp đã kinh doanh ổn định vài chục năm qua ở một số khu chung cư cũ, có truyền thống vừa ở vừa kinh doanh; hoặc tầng trệt hoạt động kinh doanh.


Điển hình như tầng trệt chung cư cũ 91 Nguyễn Du (quận 1, TP Hồ Chí Minh) chủ yếu là các văn phòng luật sư, công chứng hoặc chung cư cũ trệt; một lầu số 76 - 90 Lê Lợi (quận 1) mà mỗi căn hộ tầng trệt, lầu 1 đều kinh doanh. Theo đó, điều này cũng tác động đến việc khởi nghiệp của thanh niên, thường chỉ sử dụng bàn làm việc với rất ít lao động trong căn hộ chung cư của cha mẹ để tiết kiệm chi phí ban đầu.


Thêm nữa, việc Bộ Tài chính công bố danh sách 60 dự án nhà ở sử dụng quỹ đất do thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hoặc di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp, chuyển sang cơ quan Thanh tra Chính phủ tham khảo trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra về đất đai năm 2017, đã có tác động đến chủ đầu tư và cả người mua nhà.


Nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, như tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn; có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp; trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao thì "cung" không đủ "cầu".


Hải Yên/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới tăng nhiều nhất
Doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới tăng nhiều nhất

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 6/2017, có 10.742 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN