Tín hiệu mới từ các nhà đầu tư 'ngoại' cho dự án có quỹ đất sạch

Mua bán và sáp nhập (M&A) được xem là chiến lược "đi tắt đón đầu" của các nhà đầu tư nước ngoài và lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang đón nhận nhiều tín hiệu mới từ những nhà đầu tư ngoại này.

Ưu tiên dự án sạch

Mới đây ngày 12/9, Quỹ đầu tư quốc tế KEY SICAV SIF đến từ Luxembourg, công ty EZ Land đã ra mắt tại Việt Nam với nhiều tham vọng. Ông Oliver Brazier, Giám đốc điều hành của công ty EZLand Việt Nam, cho biết hiện công ty đã có kế hoạch xây dựng 1.000 - 1.500 căn hộ mỗi năm trong vòng 5-8 năm tới.


Điều đáng nói, số căn hộ này đều tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đây thật sự là bước đi khôn ngoan của Công ty EZLand Việt Nam. Bởi theo dự báo, tỷ lệ tiêu thụ các căn hộ tầm trung sẽ tăng nhanh từ 40-50% lên 60% vào năm 2017.

Dự án Hausneo của Công ty EZLand tuy mang phong cách châu Âu nhưng giá dành cho người thu nhập trung bình.

Theo đó, với sự đầu tư vào phân khúc này, công ty EZ Land được xem là tiên phong cho những nhà đầu tư ngoại đến từ châu Âu xây dựng các công trình nhà ở tập trung vào chất lượng với giá thành hợp lý tại Việt Nam. Theo đó, dự án HausNeo tại quận 9 (TP Hồ Chí Minh) là sản phẩm đầu tiên của công ty được lấy từ cảm hứng và chất lượng châu Âu, thiết kế chuẩn mực theo phong cách Bauhaus. 


Theo ông Oliver Brazier, để có thể theo đuổi dự án dành cho người có thu nhập thấp, công ty đã mua lại những dự án chưa hoàn thành để có thể tiết kiệm chi phí, thời gian đầu tư đất, giải tỏa mặt bằng hay các chính sách, từ đó tiết kiệm được chi phí cho khách hàng. Vì thế, trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu M&A.


Cùng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp BĐS có mặt tại Việt Nam rất lâu cũng đã thực hiện chiến lược "đi tắt đón đầu" bằng việc mua lại những quỹ đất sạch, rồi bán lại cho các nhà đầu tư khác. Điều này đã làm cho thị trường BĐS thời gian qua diễn ra những con sóng ngầm về M&A dự án BĐS. Hầu hết, các thương vụ này đều rơi vào tay các doanh nghiệp có lợi thế về tài chính và năng lực triển khai.


Cụ thể trước năm 2013, Tập đoàn Novaland chỉ có vỏn vẹn vài dự án, song đến thời điểm hiện nay, Novaland đã nắm trong tay hơn 40 dự án BĐS có quy mô lớn. Một trong những thương vụ M&A dự án của Novaland được chú ý là vụ chi hơn 100 triệu USD mua lại hơn 80% cổ phần của Công ty CP Phát triển quốc tế Thế kỷ 21 (C21), qua đó toàn quyền quản lý, điều hành và phát triển dự án Nam Rạch Chiếc (quận 2, TP Hồ Chí Minh).


Đây là dự án có quy mô tới 30 ha, bị đắp chiếu trong nhiều năm qua. Sau khi mua lại dự án này, Novaland đã biến khu đất hoang này trở thành một khu đô thị hiện đại mang tên Lakeview City.


Ngoài Novaland, còn có một số “ông lớn” khác cũng gây nhiều chú ý trong các thương vụ M&A như Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP địa ốc Đất Xanh, Him Lam Land, An Gia, Nam Long, Khang Điền…


Cơ hội nào cho dự án nợ xấu


Theo phân tích của giới kinh doanh BĐS, thời gian qua thị trường BĐS có nhiều khởi sắc, mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án tốt. Theo đó, hoạt động M&A các dự án BĐS cũng đã đem lại nhiều kỳ vọng cho những DN có dự án “chết”, đồng thời cũng là chiến lược mới trong xu thế hiện nay của các nhà đầu tư BĐS, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng dự án nợ quá xấu khó được các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó mua lại.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, 8 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối về TP Hồ Chí Minh qua kênh chính thức đạt 3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS.


Tuy nhiên, theo ông Oliver Brazier, những dự án sạch được công ty ưu tiên hơn là những dự án nợ xấu, dính đến nhiều pháp lý. Bởi nếu đụng đến dự án nhiều nợ xấu, các công ty sẽ mất nhiều thời gian cho các thủ tục, nhiều chi phí cho việc đầu tư thiết kế lại cũng như phải “dọn sạch” những vấn đề phức tạp mà các dự án nợ xấu để lại…


Chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, CEO của Trường doanh nhân Bizlight, cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho các dự án nợ xấu. Thực tế, các dự án BĐS có nợ xấu đều nằm trong quản lý của các công ty mua bán nợ xấu, ngân hàng, nhưng đến hơn 85% dự án này đều tài sản thế chấp đảm bảo, có tính pháp lý, bao gồm có giấy chủ quyền, quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán… Do đó, rất thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích M&A.


Thêm nữa, các ngân hàng cũng rất mong muốn giải tỏa nợ xấu để thu hồi lại tiền. Do đó, những dự án này sẽ được ưu tiên giảm chi phí khi bán lại, hoặc hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ thuế cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được M&A thuận lợi. “Tất nhiên, những dự án nợ xấu thường tốn thời gian để giải quyết, chi phí cao hơn so với quỹ đất sạch nên cũng là lý do các nhà đầu tư nước ngoài ít muốn đụng vào”, TS.LS Tín chia sẻ thêm.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Doanh nghiệp ngoại rút ngắn gia nhập thị trường ngân hàng bằng M&A
Doanh nghiệp ngoại rút ngắn gia nhập thị trường ngân hàng bằng M&A

Không chỉ xin mở chi nhánh mới hoặc ngân hàng 100% vốn, nhiều ngân hàng nước ngoài còn đang tìm kiếm cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) để rút ngắn con đường gia nhập thị trường Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN