Tiền cho bất động sản: Người bán, người mua đều khó tiếp cận

Hàng loạt gói tín dụng vừa được các ngân hàng đưa ra nhằm thu hút người có nhu cầu mua nhà vay tiền. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn than khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi phía ngân hàng lại cho rằng, giải ngân chậm là do tâm lý người mua còn chần chừ, chờ giá xuống nữa.

 

Lo ngại lãi suất tăng


Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, một loạt các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Vietinbank... đã tung ra gói tín dụng trị giá cả chục ngàn tỷ đồng với mức lãi suất hấp dẫn. Cụ thể, Ngân hàng BIDV dành gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất 12%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên. Vietcombank cũng công bố sẽ dành 2.000 tỷ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà... cũng với mức lãi suất 12%.


 

Khách hàng cá nhân làm thủ tục vay vốn tại OceanBank Thăng Long, số 18 Láng Hạ ( Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Tuy nhiên, không phải cứ ngân hàng “rộng cửa” thì người mua nhà có thể dễ dàng vay được tiền. Nhiều người tiêu dùng lo rằng, các gói hỗ trợ lãi suất ngân hàng đưa ra thường không kéo dài, chỉ từ 3 - 6 tháng. Sau đó, khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng thì áp lực lãi suất lại tăng lên, nên nhiều người mua nhà không mặn mà với các gói tín dụng mua nhà có hỗ trợ lãi suất hiện nay.


Điều này phần nào cho thấy, tâm lý người tiêu dùng chưa thực sự đặt niềm tin vào giải pháp hỗ trợ lãi suất từ phía ngân hàng. Chị Hoàng Thị Lan, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng thực ra, khi chúng tôi có muốn vay cũng không dễ gì vay được tiền ngân hàng. Hơn nữa, lãi suất dù có giảm nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của đa số cán bộ công chức”.


Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng có nguyên nhân từ sự thắt chặt tín dụng của các ngân hàng. Trong khi các gói tín dụng liên tục được tung ra nhằm tạo sức hấp dẫn đối với người vay mua nhà, thì với các doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư, việc tiếp cận vốn vay đang ngày càng khó khăn. Rất nhiều DN BĐS đang cần tiền để hoàn thiện các dự án còn dang dở.


Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho biết: Thực tế, về mặt chính sách thì lãi suất vay đối với bất động sản hiện không cao, nhưng việc tiếp cận tín dụng lại rất khó khăn. “Đây là vấn đề đang làm đau đầu các DN BĐS. Bởi, chi phí lãi suất ngân hàng có khi chiếm tới 50% dự án. Vay vốn của ngân hàng phát triển cũng chiếm tới 20%. Nếu vay tín dụng đen thì lãi suất còn cao hơn nữa”, ông Thành ví dụ: “Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư 300 tỷ đồng cho một dự án. Nhưng nếu từ nay đến cuối năm, ngân hàng không tiếp tục cho vay tiền nữa thì khoản nợ đó của chúng tôi sẽ trở thành nợ xấu. Dự án cũng không thể hoàn thiện để bán ra thị trường được do thiếu tiền”.

 

Quyết liệt hạ giá bán


Lý giải về điều này, ông Nguyễn Viết Mạnh khẳng định, vì ngân hàng cũng là một tổ chức kinh doanh nên việc cho vay phải dựa trên cân đối nguồn tiền gửi và vay. Nếu như hiện nay, phần đông khách hàng thường gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn, ít người gửi kỳ hạn dài 3 - 5 năm, thì ngân hàng rất khó có thể cho vay với kỳ hạn dài được. Tuy nhiên ông Mạnh cũng cho biết, tới đây, để thúc đẩy thị trường BĐS, ngân hàng sẵn sàng tích cực hỗ trợ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hứa sẽ dành một khoản vốn hỗ trợ để thị trường có thể luân chuyển.


Tuy nhiên, ông Trần Xuân Hoàng, PTGĐ BIDV lại cho rằng, nguyên nhân chính thị trường ế ẩm là do nguồn cung quá lớn và giá nhà vẫn còn cao. Theo dự báo, sang năm 2013 giá tiếp tục giảm nữa nên người mua nhà chần chừ, chờ đợi giá xuống. Các gói tín dụng trong thời điểm này khó có thể hấp dẫn được người mua nhà.


Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ, vốn cho BĐS chủ yếu dựa vào vay tín dụng và một phần đóng góp của người dân. Chủ đầu tư đa số là chủ DN với vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho BĐS bị thắt chặt, lãi suất tăng cao thì các chương trình đóng băng. Thống kê sơ bộ tại 40 tỉnh, thành cho thấy, loại hình chung cư còn tồn kho trên 16.000 căn, nhà thấp tầng trên 5.000 căn. Đất nền tổng cộng hơn 1,6 triệu m2, văn phòng TTTM 25.000 m2... Tổng giá trị tồn kho ước tính trên 40.700 tỷ đồng.


Theo Bộ trưởng Dũng, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, thị trường đã phát triển ồ ạt các loại nhà ở thương mại giá cao, trong khi nhà ở bình dân cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình lại đang rất thiếu. Chính sự mất cân đối cung cầu này đã đẩy thị trường vào thế “người bán không có người mua”.


Vì vậy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có các định chế tài chính hỗ trợ thị trường BĐS bằng cách mở van tín dụng không chỉ cho người đầu tư trực tiếp mà cho cả người mua nhà bằng cách hạ lãi suất hơn nữa. Và để giải tỏa sự bất cập về giá, theo Bộ trưởng, các DN phải quyết liệt cơ cấu lại sản phẩm nhằm hạ giá thành, để sản phẩm làm ra phải đến được với đông đảo người có thu nhập thấp và trung bình, chứ không chỉ người có thu nhập cao như hiện nay.

 


Hà Vy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN