Liên kết mạnh mẽ trên thị trường bất động sản

Trên thị trường bất động sản, các “đại gia” địa ốc đang tranh thủ thâu tóm quỹ đất lớn thông qua hình thức liên kết hoặc mua bán - sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp (DN) khác nhằm rút ngắn thời gian đầu tư.

Bất động sản bắt tay với dệt may, bán lẻ, sách

Trong tháng 3 vừa qua, hàng loạt thương vụ mua bán, hợp tác đã diễn ra trên thị trường bất động sản (BĐS). Đáng nói là, các DN BĐS không chỉ hợp tác với các DN cùng lĩnh vực hoạt động mà đã “vươn dài cánh tay” hợp tác với các DN ở các lĩnh vực khác. Có thể điểm qua việc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) công bố 20 đối tác chiến lược toàn diện thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài những đối tác quen thuộc trong ngành BĐS như Công ty cổ phần Địa ốc Kinh Đô, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, các nhà thầu, nhà thiết kế… còn xuất hiện 2 thương hiệu bán lẻ là Công ty Auchan Retail Viet Nam - Simply Mart và Liên hiệp Hợp tác xã Co.op Mart.

Mua bán - sáp nhập giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng quỹ đất.

Đại diện Sacomreal cho biết, các đối tác bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển thị phần BĐS thương mại phức hợp của công ty này. Các cao ốc đa chức năng do DN triển khai xây dựng có mặt bằng là khu mua sắm sẽ ưu tiên cho các đối tác này thuê mua. Ngược lại, quỹ đất của những nhà bán lẻ này cũng chính là nguồn lực để Sacomreal khai thác.

“Thay vì các nhà bán lẻ chỉ xây dựng khu thương mại thấp tầng trên quỹ đất của họ, chúng tôi sẽ cùng triển khai xây dựng cao ốc, tận dụng khoảng không gian phía trên để phát triển BĐS”, đại diện Sacomreal cho hay.

Trong khi đó, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương, Công ty cổ phần Ngoại thương và phát triển đầu tư TP Hồ Chí Minh (Fideco) và Quỹ đầu tư Pavo Capital (Anh). Với việc hợp tác với 2 đối tác trong nước, Thuduc House đã tăng thêm 6 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng, khu đô thị, khu dân cư tại TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Nam Định vào danh mục đầu tư. Quỹ đầu tư Anh sẽ hỗ trợ Thuduc House cùng các đối tác giải quyết nhu cầu vốn cho các dự án này.

Một nguồn tin cho biết, đại gia BĐS Vingroup đang có ý định mua một lượng lớn cổ phần của Công ty Sách Việt Nam (Savina) để có thể tiếp cận quỹ đất của công ty này tại những vị trí đắc địa tại Thủ đô. Savina có trụ sở tại con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội - Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) và đang quản lý quỹ đất hàng chục nghìn mét vuông tại Hà Nội. Các dự án này đang sử dụng, cho thuê hoặc để trống, có những dự án chờ chuyển đổi công năng.

Có thể thấy, với cách thức hợp tác thông qua liên kết, mua cổ phiếu để kiểm soát những DN trong và ngoài ngành BĐS, các đại gia BĐS đã mở rộng rất nhanh quỹ đất của mình, phục vụ cho các dự án đầu tư. Đó là cách làm thông minh của các chủ đầu tư bởi nếu làm theo cách truyền thống, tức là bỏ tiền ra mua trọn lô đất rồi đầu tư thì thời gian đầu tư sẽ lâu hơn.

M&A giúp cơ cấu lại thị trường

Theo ông Trương Lê Quân, Quản lý bộ phận đầu tư (Công ty Savills Hà Nội), các hoạt động M&A trong năm 2016 vẫn diễn ra tương đối mạnh mẽ. Nhiều dự án có quy mô lớn đang và sẽ được triển khai, tuy nhiên tất cả vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực thực hiện của các chủ đầu tư. Ví dụ dự án Gelex ở số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội) với quy mô rất lớn (tầm 9.000 tỉ đồng) hiện chưa thể triển khai do vướng nhiều thủ tục và cần những nhà đầu tư có đủ năng lực về kinh nghiệm và tài chính.

Xu hướng mua bán - sáp nhập đang giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng tích cực.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Quân cho biết: Các hoạt động M&A trong năm 2016 sẽ có nhiều khác biệt so với năm 2015 nếu như dự thảo sửa đổi Thông tư 36/52014 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng thắt chặt tín dụng với BĐS được ban hành. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến luồng tín dụng đổ vào thị trường BĐS. Tín dụng ấy sẽ ảnh hưởng hai chiều: Năng lực vốn triển khai của các chủ đầu tư BĐS và năng lực mua nhà của người dân, dẫn đến khả năng giải quyết bài toán bán hàng của các chủ đầu tư. Có nhiều chủ đầu tư có quỹ đất lớn nhưng vẫn chưa triển khai, hoặc chỉ tập trung đầu tư triển khai các dự án trọng điểm. M&A có khả năng cơ cấu lại danh mục đầu tư và chuyển giao các dự án phù hợp với năng lực triển khai của các chủ đầu tư”, ông Quân phân tích.

Theo đánh giá của đại diện Savills, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS vẫn diễn ra bình thường, chưa có nhiều biến động bởi các chính sách kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong 6 tháng tiếp theo, thị trường có thể chịu sự tác động của chính sách tiền tệ ở các quốc gia như sự điều chỉnh tỉ giá tiền tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngoại hối của Việt Nam. Tỷ giá USD tăng lên cũng có thể khiến lãi suất tiền VND tăng lên, ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của thị trường BĐS.

Việc Việt Nam kí kết TPP và quá trình tăng tưởng kinh tế tích cực của Việt Nam gần đây cũng sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS trong nước, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng (resort), khách sạn cao cấp khi nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam tăng lên. Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam hiện là “miếng bánh ngon” của các tập đoàn BĐS hàng đầu quốc tế trong chiến lược M&A. Chẳng hạn, Lotte thâu tóm Diamond Plaza, Indochina Land chuyển nhượng một số dự án Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án tại Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh cho một quỹ đầu tư thuộc Gaw Capital Partners đến từ Hong Kong (Trung Quốc).

M&A trên thị trường BĐS đang cho thấy các chủ đầu tư BĐS đang ngày càng chủ động tìm kiếm các hướng đầu tư mới để thích nghi với một thị trường đang không ngừng biến động. Một mặt khác, có thể thấy đó là cứu cánh cho không ít DN, dự án đang trong tình cảnh bế tắc không lối thoát, được sáp nhập, cải tổ và phát triển trở lại. Nói cách khác, M&A góp một phần nhỏ vào việc phá băng thị trường BĐS.
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Thị trường bất động sản diễn biến tích cực
Thị trường bất động sản diễn biến tích cực

Những số liệu lạc quan vừa được công bố về số lượng căn hộ mở bán và văn phòng cho thuê mới tại Hà Nội trong quý I/2016 cũng như lượng giao dịch là cơ sở để tin tưởng thị trường bất động sản các tháng tiếp theo sẽ tiếp tục diễn biến tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN