Dân mong có quyết định rõ ràng về sân bay Long Thành

Trong khi ở nghị trường, đại biểu Quốc hội vẫn có những ý kiến khác nhau về dự án Cảng hàng không quốc tế thì tại nơi dự kiến xây dựng sân bay, người dân cũng đang thấp thỏm, bất an. Nhiều thông tin thiếu căn cứ cũng xuất hiện, từ đây “cò” đất thổi giá, tạo nên cơn “sốt” đất ảo.

Dân thấp thỏm, bất an...

Sân bay Long Thành dự kiến được xây dựng trên diện tích 5.000 ha, sẽ có hơn 4.500 hộ dân thuộc 6 xã của huyện Long Thành (Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước) phải giải tỏa. Thông tin này đã có từ hơn chục năm trước và cũng từ đó đất đai, nhà cửa và nhiều tài sản khác của hàng ngàn hộ dân bị “đóng băng”.

Đất ở xã Lộc An (Long Thành, Đồng Nai) được căng biển giao bán. Ảnh: Tiền Phong


Theo người dân xã Suối Trầu, sau khi Dự án Sân bay Long Thành ra đời, chính quyền địa phương không cho người dân xây mới nhà ở. Các hộ dân nhà bị thủng mái chỉ được thay hoặc vá tấm lợp, tường tróc không được đập bỏ làm lại mà phải dùng vôi vữa gia cố. Dự án còn “bó buộc” người dân vào hàng loạt quy định khác như không được làm các thủ tục tách hộ khẩu, tách sổ đỏ, không được bán nhà, bán đất…

Bà Nguyễn Thị Thanh (54 tuổi, ấp 2, xã Suối Trầu) phàn nàn: “Vì dự án, dân ở đây rơi vào cảnh sống “tạm” trong 13 năm qua. Nhà tôi có 2 ha trồng cây công nghiệp, cây già cỗi, năng suất kém, nhưng không dám chặt bỏ để trồng mới. Trồng cây công nghiệp phải đầu tư hàng trăm triệu đồng, phải từ 3 - 6 năm mới cho thu hoạch. Nếu mới trồng được vài năm, dự án triển khai, cây phải chặt bỏ, khi đó gia đình sẽ thiệt hại kinh tế rất nặng nề”.

Theo UBND huyện Long Thành, tại huyện có 14 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 4 xã gồm Long An, Bình Sơn, Suối Trầu và Cẩm Đường tiến độ xây dựng nông thôn mới bị đình trệ do nằm trong quy hoạch sân bay. Tại xã Suối Trầu, hiện mới hoàn thành 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Thực trạng này là do nhiều năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa… đều đã xuống cấp nhưng chính quyền vẫn phải giữ nguyên hiện trạng, không được đầu tư xây mới.

Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Long An phân trần: xã Long An có 600 ha “dính” dự án sân bay, điều này không những làm chậm tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương mà còn gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Những nơi có đất nằm trong dự án, đường giao thông vẫn là đường đất, cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng xã chỉ sửa chữa tạm thời. Mới đây xã đã khảo sát, dân ở vùng quy hoạch Sân bay Long Thành đồng tình chủ trương xây dựng nông thôn mới. Họ sẵn sàng đóng góp để làm đường, xây dựng các công trình khác nhưng vì dự án sân bay nên xã không thể triển khai.

"Cò" đất cố tình tạo "sốt"


Ở các xã có dự án hoặc vùng phụ cận sân bay như Lộc An, Bình Sơn, Long An…, từ đầu đường đến cuối ngõ, đâu đâu cũng bắt gặp bảng sang nhượng đất với đủ các diện tích mua theo lô, theo mẫu.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) ra đời từ năm 2002. Đến năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức công bố quy hoạch dự án. Vào thời điểm đó, theo những người có trách nhiệm, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đang lập nghiên cứu tiền khả thi dự án và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như Quốc hội xem xét vào cuối năm 2011. Cũng từ đó, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã đề ra các dự án giao thông kết nối, quy hoạch khoảng 21.000 ha quanh sân bay để xây dựng khu đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp...

Ghé một quán cà phê ở xã Long An, khi chúng tôi đề cập việc cần mua đất, chủ quán này là ông Nguyễn Mạnh Nam đã nhanh chóng giới thiệu. Theo ông Nam, hiện ông đang sở hữu 20 mảnh đất đẹp, nếu mua một trong số các mảnh này thì đến năm 2020 - Sân bay Long Thành đi vào hoạt động là "chỉ việc ngồi một chỗ thu tiền". Các mảnh đất ông giới thiệu có diện tích từ 1 ha đến 3 ha, giá khoảng 1,5 tỷ đồng/ha. "Thời gian qua, dân ở TP Hồ Chí Minh đổ xô về đây mua đất, nguồn cung vì thế không đáp ứng được nhu cầu", ông Nam cho biết.


Nhiều người dân có đất ở vùng dự án sân bay hiện cũng đang phân vân bán hay không bán đất vào thời điểm này hoặc bán thì giá nào là phù hợp. Bà Trần Thanh Tâm (xã Long An) chia sẻ: “Gia đình đang định bán 5.000 m2 đất để lấy vốn kinh doanh nhưng 2 tháng qua chỉ có đối tượng trung gian (“cò”) đến hỏi. Họ trả giá 200 triệu đồng và nói rằng Sân bay Long Thành sẽ không xây dựng, giá như thế là cao. Tôi tìm hiểu thông tin thì thấy Quốc hội vẫn chưa quyết dự án này, tôi chờ một thời gian, sân bay được đồng ý xây dựng thì đất sẽ có giá gấp nhiều lần hiện nay”.

Lãnh đạo UBND xã Long An cho biết: Trong tháng 10/2014, số hồ sơ chuyển nhượng đất, sang tên tại xã Long An vẫn như những tháng trước đó (khoảng 7 hồ sơ/tuần). Cơn “sốt” đất là do cò đất cố tình tạo ra.

Tuy nhiên, những năm qua, trên địa bàn xã có nhiều người mua đất với diện tích lớn (hàng chục héc ta), sau đó họ trồng cây nhằm biến đất trống thành đất nông nghiệp. Điều này do người mua đất dự tính nếu dự án được triển khai, đất nông nghiệp ngoài đền bù còn nhận được nhiều khoản tiền hỗ trợ khác.

Như vậy, trong khi dự án Sân bay Long Thành còn chưa có quyết định chính thức về chủ trương đầu tư, xây dựng, thì hàng ngàn người dân tại đây đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Họ mong cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta sớm đưa ra một quyết định chính thức, rõ ràng.

Công Phong

Dự án sân bay quốc tế Long Thành:Thêm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Dự án sân bay quốc tế Long Thành:Thêm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 14/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII nhiều ý kiến đại biểu đều rất quan tâm và dư luận đang chờ Quốc hội “ấn nút” để khởi động dự án này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN