‘Chết chìm’ vì đầu tư bất động sản theo phong trào

Khi thấy nhà nhà, người người lao vào đầu tư bất động sản, nhiều người đã đổ hàng đống tiền vào các dự án đang “nóng, sốt” với giá… trên trời, để rồi “ngậm đắng nuốt cay” khi bán không được, ở cũng không xong.

Cách đây hơn 10 năm, khi mà cả xã hội dường như “lên đồng” về bất động sản, nhà nhà, người người đổ tiền vào đầu tư thì dự án khu đô thị mới Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) như một “nam châm” hút nhà đầu tư và người mua lẻ. 


Do vị trí địa lý thuận lợi, Nhơn Trạch nằm cận kề TP Hồ Chí Minh và nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam giữa vùng tam giác kinh tế TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa và Vũng Tàu, có lợi thế lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch nên sau khi có phê duyệt quy hoạch, địa phương này đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư đô thị.


Theo quy hoạch phê duyệt, khu dân cư hiện đại này sẽ được xây dựng với các con phố biệt thự, nhà liền kề, chung cư, trường học, siêu thị, các trung tâm văn hóa, công viên...


Tuy nhiên, đến nay, hàng trăm căn biệt thự, nhà liên kế tiền tỷ xây xong nhưng chỉ bỏ không, cỏ mọc um tùm, cửa kính và tường nhiều chỗ hư hỏng nặng. Chỉ lác đác vài căn có người ở và được người dân sống lâu năm lân cận gọi là… thành phố “ma”.

Nhiều công trình xây dựng dang dở bị bỏ hoang hơn chục năm ở khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh: CTV

Những cư dân chuyển về đây sinh sống cho biết, do nằm biệt lập và xa trung tâm huyện, không kèm theo các dịch vụ như bệnh viện, chợ búa, quán ăn... nên khi cần phải đi hàng chục cây số. Chính vì thế, hơn chục năm nay, khu đô thị này trở nên hoang tàn vì không có người ở. 


Thời gian gần đây, khi có thông tin về dự án xây cầu Cát Lái nối TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai đi qua thành phố Nhơn Trạch này, nên các dự án bắt đầu rục rịch trở lại.


Theo đó, nếu như giá đất của khu vực này thời bấy giờ chỉ tầm 100.000 – 200.000 đồng/m2 đã vụt lên đến 500.000 – 1.000.000 đồng/m2, thì sau hơn 10 năm, giá đất đã xuống còn khoảng 200.000 – 500.000 đồng/m2.


Không chỉ khu đô thị Nhơn Trạch, khu đô thị mới Bình Dương hiện nay cũng chung số phận. Từng là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, nhưng hiện tại, bất động sản ở đây đang lâm vào cảnh chợ chiều. Hàng loạt khu đô thị, khu dân cư, các khu dự án rơi vào cảnh hoang vắng không có người ở.


Theo quy hoạch, thành phố mới Bình Dương rộng 1.000ha và là một khu đô thị hiện đại, được xây dựng theo quy hoạch, nhiều dự án đang định hình ở đây với tầm cỡ quốc tế. Tỉnh Bình Dương cũng tích cực quảng bá, kêu gọi nhiều doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào thành phố mới.


Đã có thời gian, cứ đến cuối tuần, hàng loạt xe ô tô chở khách từ TP Hồ Chí Minh lên “thăm” các dự án. Các chủ đầu tư thì “khuyến khích” người mua khi chỉ cần tham gia đi tham quan là có quà, đặt cọc mua nhà là được tặng vàng, tivi… điều này đã khiến nhiều người dân TP Hồ Chí Minh bỏ tiền ra mua.

Nhiều biệt thự sang trọng ở khu đô thị Nhơn Trạch bị cỏ dại mọc um tùm, bít lối vì không có người ở. Ảnh: CTV

Thế nhưng đến nay, nhiều khu vực ở đây lại vắng bóng người ở, thậm chí những khu nhà liên kế không bán được, hoặc có chủ nhưng chủ không đến ở dẫn đến một khu đô thị “hoành tráng” nhưng khá vắng vẻ.


Trong thời gian vừa qua, khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và thậm chí là tỉnh liền kề Long An lại “sôi sục” đất nền phân lô do có thông tin về dự án xây dựng khu đô thị mới của một tập đoàn bất động sản. Điều này đã khiến giá đất tăng nóng, thậm chí một số nơi sốt ảo, giá leo thang 100-400% trong thời gian ngắn.


Theo đó, giá đất từ 2-3 triệu đồng/m2 đã vụt tăng gấp đôi, gấp 3 và thậm chí là gấp 4-5 lần so với trước đây, nằm ở mức dao động 7-15 triệu đồng/m2 ở khu vực Hóc Môn, 4-10 triệu đồng/m2 ở Củ Chi và khoảng 12-17 triệu đồng/m2 tại Bình Chánh, Nhà Bè.

Tuy nhiên, "cơn sốt" này cũng nhanh chóng "hạ nhiệt" khi chính quyền TP Hồ Chí Minh công bố là không có chuyện quy hoạch, mà mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, thế là giá đất lại "xìu" xuống khi đã có rất nhiều người "nhanh tay" bỏ tiền đầu tư. "Tưởng 'ngon ăn", ai ngờ trong vòng 2 tháng mà đã mất đứt vài trăm triệu đồng do nghe lời bạn bè mua hơn 1.000 m2 đất ở Củ Chi. Lúc mua miếng đất giá gần 800 triệu đồng, giờ hỏi lại "cò" bảo chỉ còn khoảng 500 triệu đồng", bà Trần Thanh Loan ở quận 12 chia sẻ.


Theo một chuyên gia về địa ốc, việc chạy theo số đông trong đầu tư bất động sản dễ dẫn đến “chết chùm” bởi đây là “chiêu” của một số nhà đầu tư lớn. Theo đó, để nhanh chóng đạt được mục đích bán hàng, họ sẽ sử dụng nhiều cách để tăng doanh số. “Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tỉnh táo trước sức nóng của thị trường, phải biết đánh giá thị trường chứ không nên đầu tư theo đám đông, thấy “người ăn khoai vác mai đi đào” thì dễ lâm vào tình trạng vỡ nợ hoặc ở không được, bán cũng không xong”, vị này nói.


Theo đánh giá của các doanh nghiệp bất động sản, thị trường bất động sản sau tháng 5 này bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Điều này khiến các doanh nghiệp lo lắng khi nguồn cung nhiều mà cầu giảm, dễ dẫn đến tình trạng tồn đọng như những năm trước.


M.T/Báo Tin Tức
Lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Lành mạnh hóa thị trường bất động sản

Thị trường nhà đất Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do các chủ thể tham gia chưa có sự chuẩn bị, chưa hiểu đúng hoặc thiếu kiến thức, đồng thời không được sự hỗ trợ đầy đủ về pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN