Bảo đảm quyền có tên vợ và chồng trong sổ đỏ

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên cả vợ và chồng đã được quy định trong Luật Đất đai nhưng cho đến nay tỷ lệ sổ đỏ đứng hai tên ở nhiều địa phương, đặc biệt vùng nông thôn vẫn còn thấp. Điều này khiến người vợ chịu rất nhiều thiệt thòi khi phân chia tài sản, đặc biệt trong các vụ xử ly hôn.

“Vấp” định kiến giới là luật tục

Chị Bùi Thị N. hiện đang sống cùng con trai tại xóm Bãi Ngà, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình trên mảnh đất mà chồng chị cùng hai anh chồng khai hoang từ lâu với diện tích 2.000 m2. Sổ đỏ của mảnh đất đứng tên anh trai cả của chồng. Nhiều lần chị giục chồng đi tách sổ đỏ nhưng vì ngại thủ tục nên chồng chị không làm. Năm 2007, chồng chị mất, nhiều lần chị đề nghị tách sổ nhưng anh chồng không đồng ý, thậm chí năm ngoái chị trồng gần 1 sào mía trắng nhưng anh chồng tự ý lấp đi vì cho rằng đấy là đất của mình.

Theo luật tục của người Mường, “làm em thì phải tuân thủ những gì anh nói nếu như không còn bố mẹ” nên giờ hai mẹ con chị N. đang sống trên mảnh đất mà mình đã canh tác đã bao năm qua nhưng vẫn chưa được quyền chính chủ. “Tuổi già đang đến, con cái thì chưa lập gia đình mà đất đai lại không có sổ đỏ khiến tôi đứng ngồi không yên”, chị N. tâm sự.

Cũng cùng hoàn cảnh với chị N., chị Trần Thị Mỹ L., ở ấp Thạnh Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cũng có 7.000 m2 đất nông nghiệp cũng muốn chuyển đổi sổ đỏ từ một tên sang hai tên nhưng lại không dám đề xuất với chồng. “Nếu nói ra thì sợ chồng cho là mình gây chuyện để giành quyền đất đai. Nhiều vấn đề tôi cũng đề xuất với chồng đều bị gạt đi, trong khi đó, đất đai lại là vấn đề lớn nên càng khó khăn hơn”, chị L. cho biết.

Đây chỉ hai trong số rất nhiều câu chuyện được nhóm nghiên cứu của Liên minh đất đai (LANDA) ghi nhận trong quá trình thực hiện cấp GCNQSD hai tên tại ba tỉnh: Hòa Bình, Quảng Trị và Vĩnh Long. Kết quả khảo sát cho thấy, định kiến giới và luật tục được xem là rào cản nặng nề đối với phụ nữ trong việc đảm bảo quyền được hưởng trong đất đai.

Bà Trần Thị Minh Châu, Giám đốc viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, đại diện cho nhóm nghiên cứu, cho biết như ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cả xã đã được cấp GCNQSDĐ theo hộ là 960 hộ nhưng 80% nam giới đứng tên chủ hộ, còn 20% phụ nữ đứng tên do chồng chết hoặc đơn thân. “Khi đề cập đến sổ đỏ hai tên tức sổ đỏ có ghi tên cả vợ và chồng, người dân ở đây đều ngơ ngác nói lần đầu tiên được nghe về chuyện này. Thậm chí các chị em sinh hoạt trong hội phụ nữ nhưng không hề được phổ biến thông tin về quy định này”, bà Châu nhấn mạnh.

Cùng với sự thiếu hiểu biết của người dân thì cán bộ địa chính xã, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa chủ động hướng dẫn cho người dân về GCNQSDĐ mang cả tên vợ và chồng, thậm chí có nơi còn thờ ơ, cho rằng việc GCNQSDĐ ghi một tên hay hai tên không có gì là quan trọng. Vì vậy, người dân ít chủ động đi cấp đổi GCNQSDĐ từ một tên thành hai tên.

Phụ nữ phải thay đổi suy nghĩ

Theo bà Trần Thị Minh Châu, hệ lụy của việc người vợ không được đứng tên trong sổ đỏ rất lớn. Bởi nếu người chồng (chủ hộ) đứng tên một mình trong GCNQSDĐ cũng có nghĩa là người chồng được quyết định với tài sản luôn được xem là có giá trị lớn nhất đối với mỗi gia đình. Trường hợp khi người chồng muốn chuyển quyền sử dụng đất, người vợ lúc này sẽ không có quyền tham gia hoặc chỉ tham gia lấy lệ. “Đặc biệt, khi vợ chồng ly hôn, người vợ cũng sẽ gặp nhiều rắc rối, thiệt thòi trong phân chia tài sản. Khi người chồng chẳng may qua đời, việc làm ăn kinh doanh thất bát thì người vợ cũng không thuận lợi trong việc bảo vệ tài sản của mình và con cái. Không ít trường hợp người vợ bị cả gia đình chồng đòi lại tài sản đang thuộc người chồng đã mất đứng tên”, bà Châu cho biết.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có hướng dẫn chi tiết cho việc đổi GCNQSDĐ là tài sản chung của vợ và chồng từ một tên thành hai tên với các trường hợp được cấp loại giấy này trước năm 2004. Cùng với đó chính quyền địa phương nên coi việc đổi GCNQSDĐ là tài sản chung của vợ và chồng từ một tên thành hai tên với các trường hợp trước năm 2004 là trách nhiệm của mình chứ không nên chờ đến khi phụ nữ có yêu cầu.

Ủng hộ quan điểm tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc triển khai các quy định của Luật Đất đai, ông Đinh Quang Khoa, Cục Đăng ký đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý thêm, cần nghiên cứu kỹ vấn đề luật và lệ ở từng địa phương. Cần nhìn nhận về bản chất văn hóa, đời sống tinh thần của chính người dân từ bao đời nay trong quan niệm về đất đai và sở hữu đất đai để triển khai các quy định pháp luật một cách hiệu quả. “Quy định trong pháp luật đã có nhưng còn vướng trong triển khai thực tế. Đó là tác động của tâm lý “phép vua thua lệ làng” đã tồn tại rất lâu đời. Do đó, điều quan trọng là cần đào sâu vào tuyên truyền để thay đổi nhận thức cũng như hành vi của xã hội liên quan tới nội dung này”, ông Khoa phân tích.

Quan trọng hơn, theo luật sư Lê Đức Thọ (Văn phòng luật sư Hà Nội), bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương thì người phụ nữ cũng cần nhận thức đầy đủ về quyền của mình. “Suy nghĩ của đại bộ phận người dân, trong đó có không ít phụ nữ, người vợ trong gia đình đều cho rằng đàn ông là trụ cột nên chỉ cần chồng đại diện đứng tên trong sổ đỏ là đủ. Một số khác cho biết họ “tưởng” chỉ có chồng là chủ hộ mới được đứng tên trong “sổ đỏ”. Do đó muốn đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người phụ nữ, trước tiên cần thay đổi từ chính suy nghĩ của họ”, luật sư Thọ nhấn mạnh.

PV
Lãnh đạo quận Hà Đông phủ nhận phí 'bôi trơn' cấp sổ đỏ
Lãnh đạo quận Hà Đông phủ nhận phí 'bôi trơn' cấp sổ đỏ

Không có chuyện mất phí "bôi trơn" trong việc cấp "sổ đỏ" - Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng với đại diện các cơ quan báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN