09:23 19/09/2011

Bất đồng giữa các đồng minh đẩy Mỹ vào thế khó xử

Tài liệu ngày 18/9/2011 của Viện Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen ngày càng trở nên căng thẳng. Thậm chí, nhiều người dự đoán hai nước có thể tiến tới một cuộc xung đột. Nếu kịch bản này xảy ra, chính quyền Mỹ sẽ rơi vào tình thế khó xử.

Tài liệu ngày 18/9/2011 của Viện Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen ngày càng trở nên căng thẳng. Thậm chí, nhiều người dự đoán hai nước có thể tiến tới một cuộc xung đột. Nếu kịch bản này xảy ra, chính quyền Mỹ sẽ rơi vào tình thế khó xử.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phát biểu trong cuộc họp báo về căng thẳng ngoại giao với Ixraen tại Ankara ngày 2/9. AFP/ TTXVN


Mặc dù không có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Ixraen, nhưng từ lâu Oasinhtơn đã coi Ten Avíp là một đối tác thân thiết trong khu vực. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ có nghĩa vụ rõ ràng phải giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này bị tấn công. Nếu một cuộc chiến bùng nổ giữa Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ, Ancara sẽ viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trong đó khẳng định một cuộc tấn công nhằm vào một nước thành viên NATO sẽ được coi là cuộc tấn công nhằm vào tất cả các nước thuộc NATO.
 
Như vậy, Oasinhtơn sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng khi phải lựa chọn giữa Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, Oasinhtơn sẽ coi Ancara là bên có lỗi. Việc Mỹ coi Ixraen là một kẻ xâm lược để từ đó Oasinhtơn có phản ứng quân sự là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu Mỹ không thực hiện cam kết trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Thổ Nhĩ Kỳ gần như chắc chắn sẽ rút khỏi NATO và mối quan hệ Oasinhtơn - Ancara sẽ trở nên mâu thuẫn sâu sắc. Chắc chắn, các thành viên khác của NATO sẽ không còn tin tưởng vào những cam kết an ninh trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Nói cách khác, kịch bản này có thể trở thành một đòn chí mạng đối với NATO.

Khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là trường hợp duy nhất khiến Oasinhtơn phải lo ngại. Trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, các quan chức Mỹ vẫn lo ngại rằng chiến tranh có thể bùng nổ giữa hai nước thành viên NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguy cơ đó đã phát triển đến đỉnh cao vào năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đảo Síp và trục xuất toàn bộ dân chúng đảo Síp gốc Hy Lạp khỏi phía bắc hòn đảo. Mặc dù căng thẳng giữa Aten và Ancara đã tạm lắng trong mấy năm qua, nhưng khả năng xảy ra một cuộc xung đột chưa biến mất.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên bất đồng với nhau, đặc biệt liên quan đến chủ quyền một số hòn đảo nhỏ. Một số lần hai bên đã triển khai lực lượng hải quân nên có thể dễ dàng dẫn đến xung đột. Bất cứ kiểu đối đầu có vũ trang nào giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều khiến cho chính quyền Mỹ đau đầu vì Oasinhtơn có hiệp ước an ninh song phương với cả hai nước. Vậy Mỹ sẽ bảo vệ bên nào nếu hai nước xảy ra xung đột? Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc chủ yếu là các đơn vị lục quân, trong khi lực lượng Mỹ ở Nhật Bản là các đơn vị lính thủy đánh bộ. Vì vậy, có những ý kiến hài hước rằng lục quân Mỹ sẽ tác chiến cùng quân đội Hàn Quốc, còn lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ sát cánh cùng quân đội Nhật Bản nếu một cuộc xung đột bùng nổ giữa hai đồng minh thân thiết này của Mỹ.

Nguy cơ đó nêu bật một trong nhiều khó khăn cố hữu của Mỹ trong việc ký các hiệp ước phòng thủ hoặc bảo đảm an ninh với các nước đồng minh và các đối tác. Những cam kết như vậy đã gây ra một số khó khăn cho Mỹ. Nếu một trong các đối tác an ninh của Mỹ bị tấn công từ một nước đồng minh của Mỹ, lập tức Mỹ sẽ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ muốn tránh. Nếu Mỹ càng có thêm nhiều đối tác an ninh, mối nguy hiểm của một kịch bản như vậy càng tăng lên.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)