11:06 06/11/2016

Bắt chuột đồng mùa nước nổi

Đang còn ngáy ngủ, co ro trong chiếc mền dày, ông anh họ lay mạnh: "Dậy mau đi bắt chuột đồng". Như có lực thôi miên, tôi bật dậy tỉnh queo: "Sớm vậy huynh?". "Ờ, phải đi từ sáng sớm mới bắt được nhiều”. Sở dĩ ông anh tôi bảo thế vì sáng sớm, con nước lên cao, rắn, cúm núm, chuột đồng, cò... kéo nhau lên các gò cao trú ngụ. Đây là cơ hội ngàn vàng để đi săn.

Thoạt đầu, tôi cảm thấy lạnh tê tái, nổi da gà cả người vì cơn gió sông quẩn quanh trên cơ thể. Nhưng rảo bước chừng hai cây số, băng qua nhiều cánh đồng, rồi trầm mình dưới nước một hồi, cái lạnh tan biến biệt tâm. Thấy tôi ái ngại khi đưa chân xuống ruộng, anh tôi bảo: "Coi vậy chứ cạn lắm, lội đi cho quen". Cạn thiệt, chừng ngang ngực, vậy mà tôi cứ tưởng sâu độ 2 - 3 m. Hết ruộng sen, băng qua một hàng gáo cao là tới gò đất. Ông anh nói: "Đây là gò của nhà mình, cho nên không ai dám đi đào đất bắt chuột. Có chủ quyền đàng hoàng nghen mậy". Rồi huynh chỉ tay về phía xa, trong lớp sương dày, cũng có một đám thanh niên dẫn theo đến hai chú chó đi bắt chuột: "Tụi nó là dân bắt chuột chuyên nghiệp đó. Mùa nước nổi, một ngày có thể thu cả triệu đồng. Chủ yếu là bán mối cho quán ăn, nhà hàng".

Anh minh họa.

Tôi thảng thốt: "Thu nhập cao thế sao huynh không làm?". Ông anh tôi giải thích, không phải ai cũng làm được, phải nhanh tay lẹ chân, đông người, đặc biệt phải biết hang nào có chuột nhiều. Cặm chiếc xẻng xuống đất, ông anh tôi bảo lấy cái giỏ mà nãy giờ tôi xách theo kè kè. Rồi anh lấy ra mớ bùi nhùi xơ dừa, dùng hột quẹt bật lửa lên và đốt. Mớ lửa ấy được đặt vào hang chuột cho khói tỏa ra. Sở dĩ làm thế để chúng ngợp chịu không nổi và chạy ra ngoài.

Bên ngoài có chiếc rọ to chờ sẵn, và sẵn sàng đậy nắp lại khi chúng chui vào. Vác xẻng đi lòng vòng, ông anh tôi tìm xem chuột có đào hang ngách không để biết mà bịt đường. Chiếc xẻng có giá trị vào lúc này vô cùng. lưỡi xẻng lần vào tận cùng hang, tìm xem có ngách và dồn chuột vào “chân tường”. 5 phút sau khi khói trắng bay mù mịt, củi khô được tiếp thêm, chuột chịu không xiết, chạy vội ra hang và "trúng kế". Tuy nhiên không phải hang nào cũng nhiều chuột, đôi khi chỉ là một cặp uyên ương xây tổ ấm mà thôi.

Chuột đồng (chuột cơm) là loài gặm nhắm chỉ thích ăn lúa. Chúng phá bĩnh mùa màng nên việc bắt chúng có lẽ càng giúp nhà nông đỡ gánh nặng lo toan. Trung bình, một con chuột cơm trưởng thành khoảng chừng 200 gram, lông vàng sậm, rất nhanh nhạy. Ngày thường, nếu bắt chúng thì phải gặp dịu gặt lúa xây cù. Nhưng mùa nước nổi, lũ gặm nhắm phá phách này tự dẫn xác lên gò nên rất dễ bắt.

Chuột đồng sơ chế bằng cách lột bỏ lớp da nhám nhúa, bỏ đuôi và ruột. Sau đó rửa sạch rồi ướp với ngũ vị hương cho vừa miệng. Dùng một thanh tre tươi non, chẻ đôi một đoạn rồi kẹp chuột vào, lấy dây chuối xiêm tươi buộc gia cố ở đầu hở. Lò nướng là một cái hố hình chữ nhật cạn, bên dưới đốt than củi cho cháy đỏ rực (than cây gáo cháy rất dai) rồi đặt chuột lên bề mặt. Dưới tác động của hơi đất, mùi than củi và ngũ vị làm cho thịt chuột thơm, ngọt và mềm hơn. Món này phải chấm chao mới đúng bài bản. Đừng quên kèm với rau sống và... rượu đế chính hiệu.

Trung Thành