10:06 31/10/2011

Bất chấp khủng hoảng, ngành sản xuất ô tô Trung Âu vẫn "phất"

Kinh tế toàn cầu đang lâm vào cảnh trì trệ, châu Âu đang lao đao bởi cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng, song các hãng sản xuất ô tô tại khu vực Trung Âu dường như không ảnh hưởng nhiều trước tình trạng khó khăn chung hiện nay.

Kinh tế toàn cầu đang lâm vào cảnh trì trệ, châu Âu đang lao đao bởi cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng nghiêm trọng, song các hãng sản xuất ô tô tại khu vực Trung Âu dường như không ảnh hưởng nhiều trước tình trạng khó khăn chung hiện nay.

Dây chuyền lắp ráp trong nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai ở Nosovice.

Các dây chuyền lắp ráp ô tô ở Trung Âu vẫn tiếp tục vận hành ngày đêm, trong đó một số hãng xe hơi thậm chí còn tăng sản lượng và tuyển dụng thêm lao động mới, đưa khu vực này trở thành "thiên đường an toàn" đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Tháng trước, hãng Hyundai của Hàn Quốc đã cho chạy 3 ca mỗi ngày tại nhà máy của hãng ở gần thành phố Nosovice (đông nam Cộng hòa Séc), để sản xuất xe thể thao đa năng (SUV) và mui kín cho thị trường châu Âu.

Theo người phát ngôn nhà máy trên, ông Petr Vanek, nhu cầu đối với xe hơi Hyundai tại các cơ sở sản xuất có chi phí thấp như ở Nosovice vẫn cao và hãng dự kiến, doanh số bán hàng tại Đức cũng như châu Âu trong tương lai gần không hề bị suy giảm. Chỉ riêng ở Đức, từ tháng 8 năm ngoái đến cùng kỳ năm nay, doanh số bán ô tô của Hyundai đã tăng 19%. Nhà máy trị giá 1,51 tỷ USD của Hyundai ở Nosovice liên tục tăng sản lượng kể từ lúc mở cửa cách đây ba năm - thời điểm kinh tế toàn cầu ở "tâm bão" của khủng hoảng tài chính và suy thoái. Trong năm 2010, Hyundai đã bán được 200.010 chiếc i20 compact, i30 wagon và ix35 SUV tại 48 quốc gia trên thế giới. Với việc thực hiện sản xuất ca 3 và tuyển thêm 755 lao động mới, Hyundai hy vọng tăng doanh số bán ô tô lên 240.000 chiếc năm nay và 300.000 chiếc vào năm 2013.

Nhiều hãng ô tô trên thế giới đã và đang đầu tư sản xuất tại Cộng hòa Séc và các quốc gia lân cận vì nơi đây có lực lượng lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng giao thông tốt, song lương công nhân lại thấp, thuế suất thấp và công đoàn hoạt động yếu. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau tạo cho Cộng hòa Séc vị thế được ưa chuộng đối với dòng vốn đầu tư, trong bối cảnh kinh tế sa sút và chi phí sản xuất cần phải được cắt giảm. Bên cạnh đó, khu vực Trung Âu còn có vị trí địa lý chiến lược vì nó nằm ở trung tâm "lục địa già", sát với các nền kinh tế lớn nhất châu lục này, đồng thời nằm kề các thị trường đang phát triển nhanh ở Đông Âu, trong đó có Nga.

Ngay sát Nosovice, hoạt động sản xuất cũng phát triển bùng nổ tại thành phố Zilina (đông bắc Xlôvakia) - nơi được mệnh danh là trung tâm xe hơi của châu Âu hay "Detroit Đông".

Tại thủ đô Bratixlava của Xlôvakia, một nhà máy của Volkswagen AG đã bắt đầu sản xuất xe Up (mẫu xe subcompact mới) từ tháng 8/2011. Với khoản đầu tư 308 triệu euro (430 triệu USD), nhà máy này đã tạo ra 1.500 việc làm mới và dự kiến góp phần tăng tổng sản lượng ô tô của hãng từ 144.000 chiếc năm 2010 lên khoảng 400.000 chiếc trong năm 2012.

TKT