07:06 03/07/2011

Bảo vệ tác quyền âm nhạc: Không chỉ là chuyện tài sản cá nhân

Bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ bằng cách thu tiền các đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc qua các hợp đồng ủy thác của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thời gian qua là việc làm không hề đơn giản...

Bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ bằng cách thu tiền các đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc qua các hợp đồng ủy thác của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thời gian qua là việc làm không hề đơn giản. Là một trong những người sáng lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ngay từ những ngày đầu, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm đã dành hết tâm huyết cho công việc này. Tin tức Cuối Tuần đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Phó Đức Phương xung quanh vấn đề bảo vệ tác quyền âm nhạc hiện nay, nhất là gần đây câu chuyện tác quyền âm nhạc lại nổi lên với nhiều khó khăn mới trong việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, và ngay cả khi đã thu được tiền rồi nhưng vẫn tồn đọng một số tiền lớn do chưa tìm được chủ sở hữu...

Thưa ông, vẫn biết mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu có thể, thì nhiều bạn đọc vẫn muốn biết, hiện nay ở Việt Nam so với các nước khác trên thế giới việc thực hiện quyền tác giả âm nhạc của chúng ta đang đứng ở thang bậc nào?

Có thể nói ngắn gọn, trước khi gia nhập Công ước Berne, việc thực hiện bản quyền ở nước ta còn quá sơ sài, cho dù năm 1994, Pháp lệnh về quyền tác giả của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCNVN đã được ban hành và năm 1995 có Bộ Luật dân sự trong đó có 1 chương về quyền tác giả. Song, một phần do đặc thù của cơ chế bao cấp, nhiều tác phẩm được sáng tác trong cơ chế làm công ăn lương, phần khác nhận thức xã hội mới bắt đầu vào lộ trình.

Nhưng, lịch sử đã sang trang mới, quyền tác giả ở nước ta đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, sáng tạo được coi trọng. Năm 2005, Luật Sở hữu Trí tuệ ra đời, càng khẳng định việc thực thi quyền tác giả là một nhiệm vụ tất yếu của nhà nước và toàn xã hội.

Hội nghị tổng kết năm 2010 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu hút nhiều đại biểu tham dự.

Tuy nhiên, với thói quen lâu năm không thực hiện nghĩa vụ tác quyền mà chưa gặp phải chế tài, với nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, với mong muốn có thêm lợi ích... nên nhiều đơn vị sử dụng tác phẩm đã không muốn nghiêm chỉnh thực thi quyền tác giả. Ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nước văn minh, việc xử lý vi phạm quyền tác giả được tòa án làm rất triệt để.

Chính vì thế mà ông có ý tưởng thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam? Vậy trong suốt quá trình hình thành, đi vào hoạt động từ đó đến nay, những người sáng lập ra trung tâm đã phải dốc sức, thời gian, để vượt qua những khó khăn ra sao?

Có thể chia sẻ như thế này. Việc thành lập Trung tâm ban đầu xuất phát từ việc chính tác quyền của mình bị xâm hại. Nhưng khi bắt tay vào tìm hiểu thì thấy chẳng chỉ riêng gì mình gặp phải. Hiện tại, việc nâng cao nhận thức của cả xã hội về vấn đề thực hiện tác quyền âm nhạc là của nhiều ngành, chưa kể thực thi quyền tác giả bắt đầu từ điểm thấp của nhận thức, dĩ nhiên là muôn vàn khó khăn.

Ý KIẾN
Luật sư Phạm Thanh Thủy (Trưởng phòng cấp phép của Trung tâm):
Còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền tác giả

Hiện nay Trung tâm đang thu tiền sử dụng tác phẩm ở 21 lĩnh vực như: Biểu diễn, xuất bản, phát thanh truyền hình… Tại mỗi lĩnh vực, do đặc thù sử dụng âm nhạc nên có những khó khăn riêng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực biểu diễn thì đang vướng mắc về chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn không đồng nhất với luật.

 Trong lĩnh vực kinh doanh nội dung số (nhạc chuông, nhạc chờ), mặc dù đây là khu vực tương đối nghiêm túc nhưng Trung tâm vẫn gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát tần suất sử dụng, doanh thu của các đơn vị kinh doanh (khu vực này tiền sử dụng tác phẩm được tính dựa trên doanh thu của đơn vị kinh doanh). Các website âm nhạc thì thay đổi chủ sở hữu liên tục, địa chỉ công ty không có thực, nhiều khi mất rất nhiều thời gian tìm hiểu thông tin, thu thập chứng cứ đến lúc gửi văn bản yêu cầu họ đến làm việc thì ngay ngày hôm sau webiste đã biến mất…

Trong hoạt động của Phòng cấp phép thuộc Trung tâm, ngoài những khó khăn về khách quan thì cũng có khó khăn về chủ quan. Tổng số cán bộ cấp phép của Trung tâm chỉ có 15 người, nhưng phải quản lý việc sử dụng âm nhạc trên toàn quốc, có cán bộ phải phụ trách đến 5 hoặc 6 lĩnh vực, do vậy nếu các đơn vị sử dụng cố tình lẩn tránh thì cũng là thách thức lớn cho cán bộ của Trung tâm.

 Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ:
Người sáng tạo không phải chịu cảnh đi đòi… tiền tác quyền
Sự ra đời của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam là rất cần thiết. Quyền tác giả được bảo vệ, người sáng tạo luôn yên tâm về quyền lợi tác phẩm của mình, cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi tin tưởng gửi gắm những tác phẩm của mình để Trung tâm bảo vệ, dù hàng năm số tiền tôi được nhận không nhiều như những nhạc sĩ trẻ có tác phẩm đang được thị trường sử dụng rộng rãi, nhưng tôi tin rằng những tác phẩm của tôi sử dụng ở lĩnh vực nào thì Trung tâm cũng thay mặt tôi thực hiện tác quyền đầy đủ. Phải có một nơi, gọi là quản lý tập thể quyền tác giả như Trung tâm này để các nhạc sĩ không phải tự mình đi đòi tác quyền chứ.

Mức giá thu tiền tác quyền âm nhạc với các bản ghi hiện nay còn thấp
Theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thì việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trên lĩnh vực băng đĩa như hiện nay là quá thấp so với sự sáng tạo của các nhạc sĩ, vì vậy theo nhạc sĩ cần phải có sự thay đổi theo mức giá này. “Cần phải tăng mức giá này lên. Bản thân tôi đã từng nhận tiền bản quyền ca khúc “Trầu cau” cách đây mấy chục năm, lúc đó tương đương với 3 lượng vàng. Vì vậy tôi cho rằng giá tác quyền cho băng đĩa hiện giờ quá lạc hậu và không xứng đáng với sự sáng tạo của nhạc sĩ”, NS Phan Huỳnh Điểu nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết: “Tôi đồng tình với ý kiến của các nhạc sĩ, biểu giá mà Trung tâm đưa ra vẫn còn thấp”. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định: “Mức giá mà Trung tâm vừa công bố theo tôi chỉ nên áp dụng trong năm 2011, tôi đề nghị mức giá này phải nâng cao hơn nữa vào năm 2012”.



Tôi có thể khẳng định rằng, không tâm huyết thì không làm được. Trong suốt 5 năm qua, tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội sáng tác, hầu như không sáng tác thêm được tác phẩm âm nhạc nào, dành toàn tâm toàn sức cùng với đội ngũ cán bộ ở đây đi qua các cửa ải để có được ngày hôm nay. Phải công nhận ở Trung tâm này anh chị em vừa có tâm vừa có nghiệp vụ. Chị cứ nghĩ, thu từ 0,012 đồng/lần/bài mà thu được hàng tỷ đồng, có nhạc sĩ một năm nhận tới hơn 200 triệu đồng thì công sức là bao nhiêu? Chỉ tính riêng trong năm 2010, có khoảng 10 tác giả trên cả nước nhận được tiền tác quyền với con số là hơn 200 triệu đồng/người. Số tác giả này phần lớn là những tác giả trẻ, có dòng nhạc đang rất ăn khách trên thị trường.

Ngoài ra còn những khó khăn nào khác, thưa ông?

Việc thu được tiền, phân phối tiền tác quyền đến tay người ủy thác đã khó nhưng khó hơn nữa là... lòng người (hiện nay còn rất nhiều tác giả chưa đến nhận tiền tác quyền, dù chúng tôi đã thông báo cả trên trang web của Trung tâm). Hầu hết tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đều đặt lòng tin tuyệt đối vào Trung tâm, nhưng có một số ít thường hay thắc mắc. Thắc mắc vu vơ, thiếu trách nhiệm với chính lời thắc mắc của mình. Chúng tôi đề nghị khi nhận tiền phải xem kỹ danh mục tác phẩm, tần suất sử dụng, hóa đơn thuế thu nhập... thì không xem, nhưng ở cuộc nhậu thì đưa ra ý kiến nghi ngờ. Cũng có nhạc sĩ đã ký hợp đồng ủy thác với chúng tôi rồi, nhưng thấy chỗ khác đưa tiền, mời ký thêm hợp đồng lại cũng ký. Thế là nhận hai ba nơi khiến chúng tôi rất khó theo dõi. Ngoài ra, còn có những đơn vị sử dụng tác phẩm nhưng chây ỳ không trả tiền (dù chúng tôi đã làm công văn nhiều lần) khiến cho tác giả thấy bài của mình được công bố, biểu diễn mà không thể hiện khoản tiền đó trên danh mục thanh toán.

Thế còn những khó khăn về vấn đề thủ tục pháp lý, liên quan đến các ngành chức năng và Nhà nước như thế nào, thưa ông? Ông có thể cho một vài ví dụ cụ thể?

Ở nước ta có thủ tục cấp phép biểu diễn, xuất bản. Các đơn vị khi xin giấy phép thường nhầm tưởng có con dấu (Cấp giấy phép công diễn) của cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Nghệ thuật biểu diễn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là có quyền biểu diễn và xuất bản, vậy còn quyền tác giả thì ở đâu? Theo quy định của pháp luật, phải hoàn thành nghĩa vụ tác quyền rồi mới được biểu diễn, xuất bản. Nói rõ ra là, trước khi đơn vị nào đó tổ chức biểu diễn, ngoài việc xin được cấp phép (để được phép biểu diễn) thì đơn vị này phải làm việc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả để thực hiện nghĩa vụ của họ đối với các tác giả (đã có hợp đồng ủy thác với Trung tâm) mà họ sử dụng tác phẩm trong chương trình biểu diễn của mình. Nhưng trên thực tế thì không phải như thế. Chúng tôi thường phải chạy theo để đòi tiền tác quyền. Không đòi được thì các tác giả chê trách chưa hoàn thành trách nhiệm của người được ủy thác, mà đi đòi thì vô cùng khổ ải. Thậm chí có không ít nơi chạy trốn luôn.

Như vậy, phải chăng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm với Cơ quan quản lý Nhà nước ( Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VH,TT&DL) điều này có thể tạo ra kẽ hở để người ta trốn tránh nghĩa vụ tác quyền? Để khắc phục điều này, theo ông cần phải làm những gì?

Tôi nghĩ, trước khi xã hội đạt đến điểm nhận thức về sở hữu trí tuệ, coi thực hành tác quyền là hành vi của con người văn minh thì Cơ quan quản lý Nhà nước (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VH,TT&DL) chỉ phải làm một việc thật đơn giản trước khi đóng dấu đỏ vào giấy phép (Cấp giấy phép công diễn) là, phải buộc đơn vị sử dụng tác phẩm chứng minh đã được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện hợp pháp của họ cho phép sử dụng bằng văn bản (Hợp đồng sử dụng tác phẩm). Văn bản đó bổ sung vào thì Hồ sơ xin cấp phép biểu diễn, sản xuất, phát hành băng đĩa mới được coi là đủ.

Trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm cũng đã thực hiện việc phân phối tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả được những thành công nhất định. Chỉ nói riêng 2010, với doanh thu trên 32 tỷ đồng,, Trung tâm cũng đã chuyển tới các tác giả con số không nhỏ là trên 23 tỷ. Vậy việc phân phối tiền bản quyền hiện nay được thực hiện như thế nào? Có thuận lợi và khó khăn gì? Đặc biệt, những tác phẩm chưa xác định được của tác giả nào thì việc trả tiền tác quyền sẽ thực hiện ra sao? Những tác giả đã mất, việc phân phối khó khăn thế nào, xin ông cho vài ví dụ cụ thể ?

Hiện nay, mỗi năm 4 lần vào đầu các quý, năm nào cũng vậy chúng tôi phân phối tiền tác quyền tới tận tay tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Những người đã mất chúng tôi mời thân nhân, hưởng quyền thừa kế đến nhận. Có người chúng tôi tìm đến tận nơi, dù tác giả chưa ký Hợp đồng ủy thác, như nhà thơ Nguyễn Trung Thu (có một số bài thơ được phổ nhạc, trong đó có bài Đêm Trường Sơn nhớ Bác ), hay nhạc sĩ Xanh Xanh, có bài “Quả ” (“Lời hát thế này: “Quả gì mà gai chi chít- xin thưa rằng quả mít?...”). Để tìm một cách toàn diện và triệt để, chúng tôi đã đưa lên trang web www.vcpmc.org vào trung tuần tháng 5, trong mục “Tin tức” bài “Tìm người... trả tiền”. Hiện nay còn khoảng 2 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng gửi trả, nhưng các tác giả thơ, nhạc ấy chưa đến nhận. Trước khi nhận, các tác giả cần đưa các chứng từ về tác phẩm (thơ và nhạc) để chúng tôi xác minh. Bởi vì khi phổ nhạc, tác giả đã có thể đổi tên (tựa đề) bài thơ và có các nhạc sĩ trùng tên.

Thưa ông, với các chương trình từ thiện, các chương trình phục vụ lợi ích công cộng, việc xác định tác quyền tác giả âm nhạc được thực hiện như thế nào?

Trước hết phải xác định với nhau, tác phẩm là “tài sản cá nhân”, vậy thì chỉ có chủ sở hữu tài sản mới có quyền cho phép người khác sử dụng tài sản của mình, mà ở đây chính là tác giả. Việc sử dụng tài sản của người khác khi không được sự đồng ý của họ hoặc sử dụng mà không trả tiền thù lao nhuận bút theo quy định pháp luật trước hết là hành vi thiếu văn hóa, sau là hành vi vi phạm pháp luật (trừ sử dụng trong lĩnh vực phát sóng và một số trường hợp ngoại lệ tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy phải xin phép, thỏa thuận trước rồi cùng trao đổi, xác định đâu là biểu diễn kinh doanh, đâu là sinh hoạt văn hóa phục vụ chính trị... Không ít các chương trình khoác áo từ thiện hoặc phục vụ không bán vé nhưng thực chất có quảng cáo bằng những chiêu thức khác nhau. Mặc dù có là chương trình từ thiện 100% thì tác giả - chủ sở hữu tác phẩm đó cũng phải được quyền biết tác phẩm của mình được sử dụng trong chương trình từ thiện, các đơn vị tổ chức biểu diễn không thể hành xử theo kiểu lấy tài sản của người khác đi làm từ thiện cho mục đích của mình.

Thành lập từ năm 2002 theo Quyết định số 19/2002/QĐ-NS của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận) đến nay đã ký hợp đồng hợp tác song phương với 41 tổ chức quản lý tập thể trên thế giới , có hoạt động tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ và có gần 1.900 tác giả trong nước ký hợp đồng ủy thác quyền.

Hiện nay, bên cạnh nhiều đơn vị ứng xử rất văn minh về tác quyền thì cũng không ít đơn vị chưa nhìn nhận thấu đáo. Chúng tôi đã và đang làm việc với lãnh đạo Đài Truyền hình VTC để đi đến thống nhất trong nhận thức chung về vấn đề này. Tháng trước, chi nhánh phía Nam của Trung tâm đã phải phối hợp với văn phòng luật sư chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để khởi kiện ra tòa một đơn vị thiếu hợp tác thực hiện nghĩa vụ pháp luật bản quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong nhiều năm.

Việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền âm nhạc với các đơn vị dịch vụ khác (như khai thác nhạc chuông, nhạc chờ,...) cần có những biện pháp chế tài nào, bởi hiện nay việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc của những dịch vụ này rất phổ biến?

Dù chưa phải là tất cả nhưng đây là khu vực mà đơn vị sử dụng tác phẩm có ý thức về tác quyền nhất, đem lại lợi ích nhiều nhất cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Có lẽ bởi, bản thân công việc của họ cũng là sáng tạo nên họ hiểu việc phải bảo hộ sáng tạo như thế nào.

Thưa ông, câu hỏi cuối cùng là Trung tâm đã thu phí sử dụng tác phẩm dựa trên cơ sở, nguyên tắc nào?

Nguyên tắc để Trung tâm căn cứ xây dựng biểu giá thu là:

•Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ 1/7/2006.

•Nghị định 100/2006/NĐ – CP ngày 21/9/2006 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan”.

•Nghị định 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 về chế độ nhuận bút.

•Ý kiến của các tác giả thành viên (là chủ sở hữu quyền tác giả).

•Chức năng, quyền hạn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

•Các mức thu tiền bản quyền âm nhạc trên thế giới do Liên minh Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời quốc tế (CISAC) cung cấp.

•Điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Phong