'Trồng người' nơi đảo xa...

“Giữa muôn trùng sóng gió, vô vàn những khó khăn, phải có lòng tâm huyết với nghề giáo, coi học trò như chính những đứa con của mình và hơn cả là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau lúc gian khó… mới trụ vững được” - đó là lời tâm sự của những giáo viên cắm đảo khi trải lòng về công việc hiện tại.

Cô Bùi Thị Nhung bên học trò tại đảo Trường Sa Lớn.


Nhà là lớp học

Những ai đã đặt chân tới Trường Sa từ năm 2008 – 7/2013 đều không thể quên cô Bùi Thị Nhung, giáo viên nữ duy nhất ở Trường Sa, được biết đến như một tấm gương sáng về sự nghiệp trồng người ở Trường Sa. Năm 2002, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô Bùi Thị Nhung phân công về dạy học ở vùng núi Khánh Hòa, sau đó về trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, năm 2008, cô giáo Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học.

“Ngày đó, những thông tin về Trường Sa đối với tôi còn rất ít, chỉ biết đó là vùng khó khăn, thiếu thốn, hoang sơ. Nhưng mong muốn khám phá vùng đất mới, nghĩ mình từng dạy trên xã đảo, thêm sự ủng hộ của chồng, nên tôi càng quyết tâm lên đường. Hành trang của hai vợ chồng cùng đứa con 28 tháng tuổi hành quân ra Trường Sa chỉ có như thế”, cô Nhung tâm sự.

Nhớ lại những ngày đầu, cô Nhung cho biết: “Khi đặt chân tới Trường Sa, chỉ thấy bốn bề mênh mông là nước, xa xa là đảo nhỏ, đảo to, những tưởng thoắt cái sang được, nhưng phải mất cả ngày mới tới nơi, thiếu thốn từ nước, điện, phương tiện liên lạc… Tất cả nằm ngoài sức tưởng tượng và sự hiểu biết của tôi.

Lũ trẻ trên đảo thiếu thốn đủ thứ, chúng như những con chim ngờ nghệch cần được chở che. Bản năng làm mẹ, làm cô giáo khiến tôi như quên đi khó khăn trước mắt. Khi ấy, tôi có 9 học trò, đủ lứa tuổi từ mầm non đến tiểu học. Nhà tôi chính là trường học. Phòng ngủ được tôi trang trí thành “lớp mầm non”, để cho những bé từ 2 - 3 tuổi chơi trên đó. Phòng khách được kê mấy cái bàn để các cháu độ tuổi tiểu học ngồi. Những đứa trẻ ở đây rất ngoan và chúng yêu thương nhau như người trong nhà. Những cháu độ tuổi lớp 3, 4, 5; sau khi học xong thường ở lại trông các em nhỏ hơn, thậm chí còn kèm cặp em lớp dưới học bài. Tiếng cười vô tư của lũ trẻ, sự đùm bọc ấy đã là động lực để tôi tự rèn luyện mình, quyết tâm mang kiến thức đến cho các em”.

Chuyên môn của cô Nhung là tiểu học, nhưng cô vẫn cáng đáng chương trình của trường mầm non. Sau một thời gian, thấy công việc vất vả, lớp học của cô Nhung có thêm tình nguyện viên là hai cán bộ của Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa. Nhờ thế, cô Nhung có thêm thời gian tự đọc sách, tìm hiểu và trở về đất liền để học nghiệp vụ. “Sau khi thông tin liên lạc ở Trường Sa được thông suốt, mạng internet đã có, tôi khai thác triệt để những thông tin trên mạng để áp dụng vào việc dạy các em; hướng dẫn thêm các em các môn học ngoại khóa như hát, múa ngoài trời. Qua đó, tạo môi trường học tập đa dạng, tránh sự nhàm chán cho học sinh, vì thế, các em rất hào hứng và tích cực đón nhận”, cô Nhung cho biết.

Khi ở Trường Sa đã có ngôi trường khang trang, có những thầy giáo tình nguyện đủ sức khỏe, sức trẻ, nhiều kiến thức; học sinh được tiếp cận những điều kiện học tập như ở đất liền, cũng là lúc cô Nhung trở về với đất liền. Mặc dù được ưu tiên, nhưng cô Nhung vẫn về một ngôi trường nằm trên một xã đảo: Trường tiểu học Cam Hải Đông, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. “Tôi nghĩ, mỗi người sẽ có trong mình một mong ước, trách nhiệm. Trách nhiệm của tôi là dạy học, nên việc tiếp tục dạy ở một vùng xã đảo cũng không có gì ngạc nhiên. Đây đó, vẫn còn những giáo viên cắm đảo đang dạy hợp đồng, họ gắn bó tuổi thanh xuân nơi gian khó, nhưng có những người đã cắm đảo 5 - 10 năm không hề có chính sách nào cả. Đó mới là những người thiệt thòi nhất”, cô Nhung tâm sự.

11 năm sau ngày ra trường, cô Nhung mới được dạy trong một ngôi trường khang trang, học sinh đông đúc. Cô Nhung chia sẻ: “Mặc dù, trường tiểu học Cam Hải Đông nằm trên một xã đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nhưng trong những năm gần đây, giao thông đi lại thông suốt, được sự quan tâm của tỉnh ủy, Sở GD - ĐT Khánh Hòa, nên trường đã trở nên khang trang hơn, học trò đi học đều đặn hơn. Tiếp tục với nghề dạy, nhìn những đứa trẻ được học tập trong ngôi trường ra trường, học sinh được ăn no, mặc đẹp, tiếp cận với những đổi mới của giáo dục, tôi thấy mừng lắm vì điều này đồng nghĩa với chính sách đã đến được những vùng hải đảo xa xôi”.

Những món quà tình nghĩa

Khi nhận được thông báo của Sở GD - ĐT Quảng Ngãi về việc tuyển giáo viên ra đảo Lý Sơn dạy học, trong ý nghĩ của cô giáo Đặng Thị Phượng đó là nơi thiếu giáo viên và bản thân có 3 năm trải nghiệm cho tuổi trẻ. Vì thế, những phản đối từ phía gia đình không ngăn nổi bước chân háo hức của tuổi trẻ. Đến nay, hơn chục năm đã qua, cô Phượng vẫn miệt mài gieo chữ trên đảo này.

Từ một cô gái thành phố, đến một nơi khó khăn, thiếu thốn khiến Phượng không khỏi hụt hẫng. Nhưng bằng tình yêu nghề nghiệp hay như cô nói “chính sự hồn nhiên của con trẻ trong gian khó đã níu giữ mình ở lại nơi này lâu đến vậy”. Những ngày lễ, tết, thay vì những món quà được gói gém cẩn thận như ở thành phố, Phượng được nhận những món quà hết sức giản dị từ học sinh, đó là bông hoa giấy gấp còn vụng về, những túi tỏi, túi hành còn thơm mùi nắng, gió biển. Những tình cảm ấy đã giúp Phượng thêm gắn bó và yêu thương xã đảo này.

Gạt đi chuyện riêng, Phượng dành toàn tâm toàn ý vào mỗi bài giảng. Thấy học trò tiến bộ và lớn lên, nên người, là nguồn động lực vô cùng quý giá với Phượng. Trong hơn chục năm gắn bó với xã đảo, Phượng cũng trăn trở với việc trở lại đất liền nhưng với ý nghĩ việc học hành của các em ở xã đảo còn khó khăn, cần sự góp sức của mình, nên Phượng vẫn ở lại.

Đến nay, điện lưới đã về với nhân dân Lý Sơn nhưng những năm trước đó, giáo án của giáo viên vẫn còn đậm mùi sáp nến. Ở nơi giữa mênh mông sóng nước, người dân vẫn khát đủ thứ, thì để vượt lên hoàn cảnh, với một cô gái trẻ là cả một ý chí kiên cường. Phượng cũng như bao giáo viên nơi này, đã từng bền chí và gắn bó để mang con chữ, mang tình yêu thương đến với học trò. Có lẽ, động lực lớn nhất với họ chính là những mầm xanh của xã đảo lớn lên trong học hành, được ra ngoài học tập, rồi trở lại xây dựng xã đảo này.

Dọc chiều dài đất nước, có nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Ở đó, hàng ngày, có hàng trăm giáo viên đang miệt mài gieo chữ. Đa số họ còn trẻ và đã vượt qua nhiều trở ngại về điều kiện sống để góp phần ổn định giáo dục vùng biển đảo. Giữa mênh mông sóng nước, mỗi người một hoàn cảnh nhưng trong thẳm sâu tâm hồn họ có một ngọn đuốc được thắp sáng: Đó là ánh sáng của tình yêu thương, của tri thức.


Vân Hà
1
Nụ cười Trường Sa
Nụ cười Trường Sa

Hình ảnh các em nhỏ trên đảo Song Tử Tây vui đùa chan hòa trong tiếng sóng rì rào và tiếng gió lao xao khiến đoàn chúng tôi vui lây. Có đám trẻ, cuộc sống của những chiến sĩ Trường Sa bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN