Nhiều vướng mắc trong việc đóng tàu sắt

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP  về một số chính sách phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ đã triển khai được hơn 5 tháng, nhưng tới nay mới có khoảng mười hợp đồng tín dụng được các ngư dân ký với ngân hàng. Theo các ngư dân, nguyên nhân là do thiết kế tàu chưa phù hợp với ngư trường, giá tàu khá cao, không được dùng máy cũ cho tàu mới…

Nhiều nút thắt

Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, nhưng đến nay mới có 12 địa phương (trong số 28 tỉnh) đã phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân. Trong đó, nâng cấp 34 chiếc; đóng mới 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc.

Những ngư dân đầu tiên của Bình Định được vay vốn đóng tàu vỏ sắt. Ảnh: Viết Ý - TTXVN


Tới nay, mới có 10 hợp đồng tín dụng được ký giữa các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) với 10 chủ tàu, tổng vốn đầu tư được giải ngân là 120 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tàu đánh bắt xa bờ cần phải thực hiện từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh triển khai sớm nhất Nghị định 67, nhưng tới nay mới chỉ có 2/65 chủ tàu tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để triển khai đóng mới, cải hoán tàu cá. Tại Đà Nẵng, theo ông Mai Đăng Nhiều, chủ tàu cá ĐNa 90022 TS, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), phường An Hải Bắc có 28 tổ chức, cá nhân đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhưng chỉ có 10 suất được đóng mới, trong đó, ngư dân chỉ có 3 chiếc còn lại 7 chiếc thuộc về doanh nghiệp. Ngư dân vẫn chưa vay được vốn, mới chỉ làm thủ tục để đăng ký đóng mới tàu.

Theo các ngư dân, 21 mẫu tàu cá mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất là chưa phù hợp. Do mong muốn sở hữu con tàu theo ý muốn, nhiều ngư dân đã xin rút khỏi danh sách đăng ký vay vốn để tìm đến doanh nghiệp tư nhân thuê đóng tàu. Vì họ cho rằng, thiết kế chỉ phù hợp với ngư trường miền Nam, còn đối với ngư trường miền Trung thì còn nhiều hạn chế.

Ngư dân Nguyễn Duy Trinh ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Mặc dù tôi đã được tỉnh phê duyệt vào danh sách đóng mới tàu nhưng để tiếp cận được vốn vay là rất khó. Hơn nữa, để đóng được một con tàu phải trải qua rất nhiều công đoạn nên tôi đang boăn khoăn không biết đóng theo thiết kế mẫu của Bộ hay tự thuê công ty riêng thiết kế”.

Theo anh Trinh, mẫu tàu hiện tại thiết kế dành cho 12 người, mình muốn 14 người thì phải sửa chữa, nâng cấp thêm. Như thế, phải bỏ ra đến vài trăm triệu đồng, mà ngân hàng chỉ giới thiệu có 1 công ty tư vấn, thiết kế nên chủ tàu không có nhiều sự chọn lựa”- ngư dân Trinh cho biết thêm.

Vấn đề khác mà ngư dân Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm là quy định phải sử dụng máy mới 100% khi đóng tàu theo Nghị định 67. Ngư dân Phạm Trí Thức đặt ra câu hỏi: “Máy cũ vẫn chạy tốt, độ bền cao thì việc gì phải thay máy mới cho tốn kém. Máy mới liệu có hơn hẳn máy cũ không?”.

Tương tự tại Đà Nẵng, ông Lê Văn Châu, chủ tàu cá ĐNa 90169 TS, trú tại phường An Hải Bắc, quân Sơn Trà (Đà Nẵng) cho rằng, đóng tàu vỏ sắt mới phải máy mới, chi phí máy mới quá lớn gần 2 tỷ đồng nên ngư dân rất băn khoăn khi đăng ký. Máy cũ giá chỉ từ 500 -700 triệu, khi hỏng rất dễ mua phụ tùng thay thế, máy mới khi hỏng phải đặt hàng cả tháng mới có.

Ngoài ra, giá thành đóng tàu vỏ thép quá cao khiến nhiều chủ tàu e dè. Ở Quảng Ngãi có 2 chủ tàu đăng ký vay vốn lên tới 16,9 tỷ đồng, nhưng khi ngân hàng tính mức lãi suất phải trả là 1,4 tỷ đồng/năm thì họ sợ và rút không vay nữa.  

Gỡ dần các nút thắt

Theo các địa phương, một nguyên nhân nữa khiến Nghị định 67 triển khai chậm là do các ngân hàng thương mại chưa tích cực trong việc tiếp cận các chủ tàu đăng ký vay vốn.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phạm Trường Thọ,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, các ngân hàng sau khi nhận thủ tục hồ sơ thiết kế, dự toán của ngư dân thì sau 15 ngày phải có trách nhiệm trả lời cho ngư dân biết vay được hay không; có khó khăn vướng mắc phải báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét kiến nghị với Trung ương hỗ trợ.

Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Vũ Văn Ninh cũng chỉ đạo các địa phương phải đưa đại diện Ngân hàng vào tổ giúp việc của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, để ngân hàng có thể tiếp cận và thẩm định hồ sơ từ đầu. Như vậy, sau khi cấp tỉnh phê duyệt danh sách thì ngân hàng cũng có thể giải ngân.

Trước việc, nhiều ngư dân gặp khó khi các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp bổ sung mới được vay vốn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá và cho vay lưu động. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, quy định này thực hiện theo nguyên tắc tín dụng thông thường. Đặc biệt, việc cho vay lưu động vẫn cần tài sản thế chấp, vì ngân hàng không có căn cứ để tính toán việc bà con sẽ trả lãi và vốn như thế nào.

Để giải quyết những thắc mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng,  phía ngân hàng bằng thẩm quyền của mình xử lý việc này theo hướng cho ngư dân vay vốn theo tín chấp. Về máy móc, Bộ NN&PTNT xem xét việc cho phép ngư dân được dùng máy đã qua sử dụng nhưng còn mới khoảng 90-95% để giảm chi phí cho bà con. Về thiết kế tàu, cho phép Bộ NN&PTNT nghiên cứu và thiết kế thêm các mẫu tàu vỏ gỗ và vật liệu khác cho phù hợp với ngư dân từng vùng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị cứ 6 tháng sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị định 67 một lần, để nghe và giải quyết những vướng mắc của ngư dân.


Hữu Vinh - Như Ngọc - Đinh Nhiều
Ngư dân vẫn khó vay vốn đóng tàu
Ngư dân vẫn khó vay vốn đóng tàu

Những vướng mắc về thiết kế mẫu tàu, hồ sơ vay vốn tín dụng vẫn đang là rào cản với nhiều ngư dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN